Kiến trúc hệ thống thông tin
Phiên bản vào lúc 16:17, ngày 8 tháng 12 năm 2020 của Minhpc (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “(cg. Cấu trúc hệ thống thông tin; A. Information Systems Architecture (ISA). Information Systems Structure) khung mô tả hình thức về quy…”)

(cg. Cấu trúc hệ thống thông tin; A. Information Systems Architecture (ISA). Information Systems Structure)

khung mô tả hình thức về quy trình và quy tắc kinh doanh, về cấu trúc hệ thống, về khung kỹ thuật và công nghệ sản phẩm của hệ thống thông tin (HTTT) tổ chức. Một KTHTTT thường bao gồm bốn lớp: kiến trúc quy trình kinh doanh, kiến trúc hệ thống, kiến trúc kỹ thuật và kiến trúc phân phối sản phẩm [2,3,4,5]..

Có một số khung KTHTTT khác nhau, trong đó phổ biến nhất là khung CEO, khung nhóm mở TOGAF và khung ARIS.

Khung KTHTTT CEO (Centro de Engenharia Organizacional) gồm ba thành phần cơ bản là kiến trúc kinh doanh (dịch vụ kinh doanh). KTHTTT (dịch vụ HTTT, khối HTTT, quy trình). kiến trúc CNTT (dịch vụ CNTT, khối CNTT) và dữ liệu (thực thể thông tin) [4]. Như vậy, trong một khung nhìn mức thấp, một KTHTTT có thể được chia thành ba cấp: (i) Kiến trúc thông tin (hoặc dữ liệu) – trình diễn các kiểu dữ liệu chính hỗ trợ tổ chức; (ii) Kiến trúc ứng dụng - xác định các ứng dụng cần thiết để quản lý dữ liệu và hỗ trợ tổ chức; (iii) Kiến trúc công nghệ - trình diễn các công nghệ chính được sử dụng trong triển khai ứng dụng và cơ sở hạ tầng cung cấp môi trường để triển khai HTTT [4].

Khung kiến trúc nhóm mở (The Open Group Architecture Framework: TOGAF) [3] bao gồm ba tầng là (i) Xác định các nguyên lý, tầm nhìn và các yêu cầu kiến trúc (các nguyên lý kiến trúc; chiến lược kinh doanh, chiến lược công nghệ; mục tiêu và Động lực kinh doanh; Các yêu cầu, ràng buộc, giả thiết và khoảng cách cần san lấp); (ii) Xây dựng các kiến trúc (bao gồm kiến trúc kinh doanh, KTHTTT và kiến trúc công nghệ); (iii) Thực thi các kiến trúc (cơ hội, giải pháp và kế hoạch chuyển đổi - Năng lực, các gói công việc, các hợp đồng kiến trúc; quản trị thực thi - Các tiêu chuẩn, các hướng dẫn, các thông số kỹ thuật).

Khung kiến trúc các HTTT tích hợp ARIS (Architecture of Integrated Information Systems) cung cấp một mô tả các thành phần logic trong KTHTTT tích hợp [2]. Tập hợp năm khung nhìn (khung nhìn tổ chức, khung nhìn dữ liệu, khung nhìn điều khiển, khung nhìn chức năng và khung nhìn đầu ra) trong KTHTTT tích hợp được trình bày dưới hình dạng một ngôi nhà ARIS (ARIS house).

Lý tưởng nhất là KTHTTT của một tổ chức hài hòa với kiến trúc của tổ chức đó, và kiến trúc của tổ chức cần phản ánh các mục đích và nhiệm vụ của tổ chức [1, 2].

Theo một khung nhìn hiện đại [1], kiến trúc tổ chức bao gồm kiến trúc kinh doanh (nghiệp vụ). KTHTTT, kiến trúc vận hành và kiến trúc liên ngành, có nghĩa là KTHTTT là một thành phần không thể thiếu của kiến trúc tổ chức. Mô tả chi tiết hơn, KTHTTT chứa đựng các thành phần con sau đây:

• Quản lý hồ sơ công nghệ.

• Quản lý hồ sơ ứng dụng bao gồm kiến trúc ứng dụng, kiến trúc luồng công việc, kiến trúc công cụ phát triển và kiến trúc tích hợp.

• Kiến trúc tuân thủ CNTT.

• Kiến trúc báo cáo bao gồm kiến trúc thông minh kinh doanh, kiến trúc kho dữ liệu, kiến trúc phân tích dự báo, kiến trúc dữ liệu lớn, kiến trúc tích hợp Web (Mashup).

• Kiến trúc kinh doanh liên tục.

• Kiến trúc thông tin bao gồm kiến trúc dữ liệu, kiến trúc quản lý nội dung và kiến trúc quản trị dữ liệu. Kiến trúc quản trị dữ liệu bao gồm kiến trúc mô hình hóa ngữ nghĩa, kiến trúc mô hình hóa dữ liệu, kiến trúc che giấu dữ liệu, kiến trúc dữ liệu tham chiếu và kiến trúc dữ liệu vận động. Kiến trúc dữ liệu tham chiếu bao gồm quản lý tài sản dữ liệu, quản lý bảng mã hóa dữ liệu, quản lý tệp tin ngoài, quản lý tổng thể sản phẩm, quản lý tổng thể khách hàng và quản lý tổng thể nhà cung cấp. Kiến trúc dữ liệu vận động bao gồm kiến trúc trực quan hóa dữ liệu, kiến trúc tuyến dịch vụ doanh nghiệp, kiến trúc ELT (trích chọn, tải và chuyển dạng dữ liệu) và kiến trúc sự kiện phức tạp.

• Kiến trúc vòng đời.

Sự đa dạng các KTHTTT trong thực tế được phản ánh trong kết luận của J. A. Zachman [5] đối với câu hỏi “Kiến trúc các HTTT là gì?” sẽ là “Không có một KTHTTT mà có một tập các KTHTTT”. Mỗi kiểu HTTT (xt. Hệ thống thông tin) cụ thể có KTHTTT tương ứng.

Vào thập niên 1980, kiến trúc phần mềm và KTHTTT được coi là đồng nghĩa. Tới thập niên 1990, việc vận dụng các khái niệm hiện có tại thời điểm đó không còn phù hợp để thiết kế các HTTT. Khung Zachman [5] phát tín hiệu quan trọng đầu tiên cho thấy kiến trúc phần mềm (trình diễn chi tiết hóa nội tại hệ thống, chẳng hạn, sử dụng sơ đồ E-R và DFD) là không đủ để mô tả các KTHTTT hướng tâm điểm vào các quy trình kinh doanh mức cao [4]. Tiếp theo khung KTHTTT Zachman, các khung KTHTTT được tích hợp trong khung kiến trúc tổ chức xuất hiện (chẳng hạn, các khung KTHTTT CEO [4], ARIS [2] và TOGAF [3]). Khung KTHTTT hiện đại là một thành phần cốt lõi của khung kiến trúc tổ chức [1].

KTHTTT có vai trò chính trong việc triển khai HTTT, đóng góp tích cực vào việc liên kết kinh doanh và CNTT - đảm bảo các HTTT mạnh mẽ, độc lập CNTT, linh hoạt và thích ứng với nhu cầu kinh doanh [1,2,3].

KTHTTT tạo liên kết tốt hơn giữa kinh doanh và CNTT, giảm chi phí tích hợp và giao diện, chia sẻ dữ liệu mạch lạc và giảm chi phí bảo trì CNTT.

Ngày nay, KTHTTT được coi là một yếu tố thành công quan trọng để thực hiện chiến lược kinh doanh của tổ chức, là yếu tố quyết định, yếu tố phân biệt người chiến thắng với người thua cuộc, người thành công và kẻ thất bại [5].

KTHTTT là một chủ đề nghiên cứu luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng nghiên cứu triển khai. Hội nghị quốc tế thường niên về KTHTTT do Đại học Khoa học và Công nghệ Wrocław (Ba Lan) tổ chức từ các năm 1970 cho tới nay. Hội nghị thảo luận về các khái niệm và ứng dụng HTTT cũng như các kiến trúc và công nghệ hỗ trợ các HTTT đương đại và các kiến trúc kinh doanh đa dạng tương ứng.

Ngày nay, KTHTTT được tích hợp trong kiến trúc doanh nghiệp [1], do đó các nghiên cứu về KTHTTT được bao gói trong các nghiên cứu về kiến trúc doanh nghiệp, chẳng hạn, các công bố khoa học về kiến trúc doanh nghiệp của Peter Bernus (https://dblp.org/pers/hd/b/Bernus:Peter). một chuyên gia hàng đầu về KTHTTT thể hiện điều đó.

Kiến trúc phần mềm là một chủ đề nghiên cứu đã nhận được sự quan tâm từ cộng đồng CNTT Việt Nam. Tuy nhiên, KTHTTT và kiến trúc tổ chức/doanh nghiệp chưa nhận được sự quan tâm tương xứng. Tồn tại mối liên quan mật thiết giữa KTHTTT và quản lý quy trình kinh doanh. Ngày nay, chiến lược phát triển tổ chức của tổ chức bất kỳ chỉ được thực thi thành công khi có một KTHTTT đúng đắn và hoạt động quản lý quy trình kinh doanh hiệu quả.

Ở Việt Nam, từ năm 2014, trong nhiều nghị quyết của Chính phủ về tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia (bốn nghị quyết số 19/NQ-CP các năm 2014-2017, nghị quyết số 19-2018/NQCP, nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019) đều nhấn mạnh tới giải pháp nâng cao hiệu quả của các quy trình nghiệp vụ. Điều đó có nghĩa là các HTTT tại các cơ quan chính quyền cần có KTHTTT hiện đại.

Thông tin bổ sung

Theo Hội đồng kinh tế Liên hợp quốc đối với châu Âu, KTHTTT của một tổ chức là một khung hệ thống chung, trong đó các HTTT thành phần đa dạng đóng vai trò tương ứng của chúng và tương tác với nhau. KTHTTT của một tổ chức là một khung để cấu trúc và phối hợp: (i) Các hệ thống con và các thành phần của các ứng dụng HTTT riêng lẻ; (ii) Sự tương tác giữa các ứng dụng HTTT khác nhau (bao gồm các ứng dụng bên ngoài tổ chức); (iii) Các hệ thống con và các thành phần của cơ sở hạ tầng HTTT; (iv) Sự tương tác giữa các ứng dụng và cơ sở hạ tầng. Nói một cách ngắn gọn, theo A. Vasconcelos và cộng sự, KTHTTT trình diễn cấu trúc của các thành phần, các mối quan hệ của chúng, các nguyên lý và chỉ thị của chúng nhằm mục đích chính là trợ giúp kinh doanh [1, 4].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. James Luisi. Pragmatic Enterprise Architecture: Strategies to Transform Information Systems in the Era of Big Data. Morgan Kaufmann, 2014.

2. August-Wilhelm Scheer. ARIS - Business Process Frameworks (3rd edition). Springer, 1999.

3. The Open Group. The Open Group Architecture Framework (TOGAF) Version 9.2, C182. The Open Group. 2018

4. André Vasconcelos, Pedro Sousa, José Tribolet. Information System Architectures Representation, Planning and Evaluation. Systemics, Cybernetics And Informatics, 1(6): 78-84, December 2003.

5. J. A. Zachman. A framework for information systems architecture. IBM Systems Journal, Vol 26. No 3, 276-292, 1987.