Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Huy hiệu
Huy hiệu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại một vùng nông thôn ở Trà Quế, Hội An.

Huy hiệu là hình thức khen thưởng do cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức xã hội đặt ra để ghi nhận và tặng cho cá nhân (kể cả người nước ngoài) có thành tích phù hợp với những tiêu chuẩn khen thưởng được quy định hoặc có những đóng góp nhất định theo từng lĩnh vực, môi trường công tác trong từng thời gian khác nhau.

Ở Việt Nam, Huy hiệu ra đời từ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, được sử dụng để ghi nhận và tặng cho cá nhân có thành tích, công lao đóng góp trong kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với nội dung, hình thức ngày càng đa dạng. Để ghi nhận việc tham gia trận đánh, chiến dịch có thể có những Huy hiệu tương ứng, như: Huy hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh, Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ, Huy hiệu 5-8; ghi nhận tham gia nhiệm vụ có ý nghĩa lịch sử đối với đất nước, có: Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sơn, Huy hiệu Dũng sĩ giữ nước, Huy hiệu Vì nghĩa vụ quốc tế, Huy hiệu Quyết thắng...; ghi nhận việc tham gia, đóng góp của cá nhân trong một lĩnh vực công tác của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội có Huy hiệu Đảng. Huy hiệu đi kèm với các danh hiệu được tặng, như Huy hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huy hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Huy hiệu Chiến sĩ thi đua...

Trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Chính phủ và Bộ Quốc phòng đã đặt ra Huy hiệu để tặng cho cán bộ, chiến sĩ có thành tích trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, như: Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tặng những cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ (1954); được đặt ra theo quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 12.5.1954.

Huy hiệu 5-8 của Bộ Quốc phòng nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tặng cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vũ trang và Dân quân tự vệ đã trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu chống máy bay và tàu chiến Mỹ xâm lược trong ngày 2.8.1964 và ngày 5.8.1964. Huy hiệu 5-8 được đặt ra theo Quyết định 288/QĐ ngày 12.12.1964 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thực hiện theo Nội quy tặng thưởng số 127/H ngày 8.4.1965 của Tổng cục Chính trị. Sau này, Huy hiệu 5-8 còn dùng để tặng cả những người đã tham gia các trận chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân Mỹ ở miền Bắc Việt Nam trong những năm chống Mỹ.

Huy hiệu Quyết thắng của Bộ Quốc phòng nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tặng cho những quân nhân và công nhân viên quốc phòng trong quân đội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc tế ở Lào và Campuchia, trong và sau kháng chiến chống Pháp, được đặt ra theo Quyết định 288/QĐ (12.12.1964) của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, sau đó được Tổng cục Chính trị ban hành Chỉ thị số 173/H ngày 3.5.1965 hướng dẫn thi hành. Theo đó, thủ trưởng từ cấp trung đoàn đến tổng cục được ký quyết định thưởng Huy hiệu Quyết thắng cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền theo quy định của Bộ Quốc phòng.

Huy hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh của Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng những cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh (năm 1975); được đặt ra theo Quyết định 15/QĐ-QP ngày 24.1.1977 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị ra Chỉ thị hướng dẫn thực hiện số 17/H ngày 26.1.1977. Quyền hạn ký quyết định thưởng Huy hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh dựa theo quy định của Điều Lệnh kỷ luật Quân đội nhân dân Việt Nam.

Huy hiệu Vì nghĩa vụ quốc tế của Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng các quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng trong Quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc tế và những người nước ngoài giúp Việt Nam xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; được đặt ra theo Nghị quyết của Thường vụ Quân ủy Trung ương số 278/QUTƯ ngày 18.10.1980 và Quyết định ban hành của Bộ Quốc phòng số 621/QP ngày 31.10.1980.

Huy hiệu Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam, tặng những đảng viên có nhiều năm tuổi đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V đặt ra theo Thông tri số 40/TT/TƯ ngày 27.12.1984 và Thông tri số 41/TT/TƯ ngày 25.1.1985, nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; có Huy hiệu 30 năm (40 năm, 45 năm, 50 năm, 55 năm...) tuổi Đảng. Việc xét tặng Huy hiệu Đảng được thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.

Hiện nay, việc tặng thưởng Huy hiệu được thực hiện theo Luật Thi đua, khen thưởng (năm 2003; sửa đổi, bổ sung năm 2013) và các nghị định, thông tư, hướng dẫn của Chính phủ. Theo đó, Huy hiệu để tặng cho cá nhân có đóng góp vào quá trình phát triển của tỉnh, thành phố, bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội. Tên Huy hiệu, đối tượng và tiêu chuẩn tặng Huy hiệu do bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định. Huy hiệu phải được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng ở Trung ương. Huy hiệu của tỉnh, thành phố, bộ, ban, ngành do người đứng đầu của tỉnh, thành phố, bộ, ban, ngành ra quyết định tặng thưởng, trực tiếp hoặc ủy quyền trao tặng. Cá nhân được tặng Huy hiệu được nhận giấy chứng nhận, Huy hiệu, số tiền thưởng và có quyền lưu giữ, trưng bày, sử dụng Huy hiệu theo quy định.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển Bách khoa Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2002.
  2. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác thi đua – khen thưởng, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003.
  3. Nguyễn Ngọc Dũng, Hỏi và đáp về Luật thi đua, khen thưởng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.
  4. Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, Cẩm nang về Công tác Thi đua khen thưởng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012;
  5. Luật Thi đua – Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng 2013 và các văn bản hướng dẫn.
  6. Từ điển Bách khoa Britannica, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2014, tr. 1329.
  7. Lê Quang Thưởng, Từ điển Tổ chức và công tác tổ chức, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017.
  8. Thông tư số 151/2018/TT-BQP ngày 11.10.2018, Thông tư Quy định chi tiết và hướng dẫn thi đua khen thưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
  9. Thông tư 57/2020/TT-BQP ngày 13.5.2020, Thông tư Hướng dẫn công tác thi đua khen thương về Dân quân tự vệ.
  10. Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Liên Xô, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1986.