Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Hiệp ước Miến Điện - Anh (1826, 1853, 1862, 1867)

Hiệp ước Miến Điện - Anh (1826, 1853, 1862, 1867) bao gồm các hiệp ước được ký kết giữa triều đình Miến Điện và thực dân Anh trong giai đoạn từ năm 1826 đến năm 1862, từng bước xác nhận sự thôn tính của Anh đối với các vùng đất của Miến Điện và cuối cùng là biến Miến Điện trở thành một tỉnh của Ấn Độ thuộc Anh.

Hiệp ước Yandabo 1826[sửa]

Sau cuộc Chiến tranh Anh - Miến Điện lần thứ nhất (1782-1826), quân Anh đã thu được nhiều thắng lợi tại nhiều chiến trường khác nhau tại vùng biên giới Ấn Độ và kiên quyết tiến về kinh đô, uy hiếp triều đình Ava và yêu cầu vua Miến phải ký Hiệp ước Yandabo.

Hiệp ước Yandabo được ký ngày 24.2.1826 với các nội dung sau:

  1. Miến Điện phải nhượng cho Anh một phần đất đai rộng lớn, bao gồm các công quốc Ấn Độ là Atxam, Maipua; Cắt cho Anh 2 tỉnh giàu có là Aracan và Tenatxêrim ở miền duyên hải phía nam.
  2. Miến Điện phải bồi thường chiến phí cho Anh với một lượng khổng lồ bằng rupi (vì Miến Điện không có đồng tiền riêng va thu nhập của Hoàng gia chủ yếu là bằng hiện vật). Khoản bồi thường này sẽ được trả làm bốn lần, trong vòng hai năm.
  3. Triều đình Ava phải hứa tuyệt đối sẽ không can thiệp vào các xứ ở vùng biên giới phía đông bắc Ấn Độ thuộc Anh. Miến Điện phải nhận một đại diện thường trú Anh tại kinh đô Amarapura của Miến Điện và cử một đặc sứ Miến Điện đến Calcutta.
  4. Hai bên ký hiệp ước buôn bán và trao đổi đại diện. Hiệp ước còn quy định sẽ lập tức tiến hành các cuộc đàm phán về một hiệp định nhằm điều hành quan hệ thương mại.

Như vậy, sự thất bại của Miến Điện trong cuộc chiến tranh với Anh đã dân đến sự ký kết Hiệp ước Yandabo với nhiều bất lợi cho Miến Điện. Bản Hiệp ước quy định một loạt các đặc quyền cho thực dân Anh. Do đó, nhân dân Miến Điện kiên quyết chống lại các điều khoản của hiệp ước này. Đây là nguyên nhân làm bùng lên phong trào kháng chiến chống xâm lược ở những vùng đất bị cai trị. Khoản tiền bồi thường quá lớn đã vượt qua khả năng thanh toán của Miến Điện, làm cạn kiệt ngân khố. Trên thực tế, năm 1827, phái đoàn Miến Điện phải sang Calcutta xin hoãn trao trả đợt chiến phí thứ 3 và thứ 4. Tuy Miến Điện vẫn giữ ba cảng chính là Bassein, Rangoon và Martaban nhưng họ đã mất hai tỉnh duyên hải lớn cho Anh. Cũng từ đây, Anh có hành động bành trướng ngày càng lớn, can thiệp sâu hơn vào Miến Điện nhằm thực hiện chính sách chia để trị.

Hiệp ước 1853[sửa]

Trong Chiến tranh Anh – Miến Điện lần thứ hai (1852-1853), thực dân Anh đã liên tiếp mở rộng vùng chiếm đóng tại Miến Điện. Trước khi chiến tranh nổ ra, Phó Tư lệnh hải quân Anh đã gửi tối hậu thư cho triều đình Miến Điện, đưa ra nhiều đòi hỏi phi lý, đòi hỏi triều đình Miến Điện phải bồi thường cho Anh khoản tiền 1 triệu Rupi (tương đương với 1 triệu bảng Anh). Vào cuối năm 1852, sau khi chiếm Rangoon và Martaban và Bassein, quân Anh đã tiếp tục chiếm đánh chiếm Pegu. Sau khi sáp nhập Pegu, Anh tìm cách ép triều đình Ava ký hiệp định cắt đất, nhưng vẫn không nhận được câu trả lời. Đến tháng 3.1853, triều đình Miến Điện phải tiến hành đàm phán với Lambert. Hai bên thỏa thuận tạm ngừng chiến sự vào ngày 30.6.1853. Sau khi bị thôn tính, Pegu trở thành một cao ủy riêng trực thuộc toàn quyền. Tỉnh Pegu bị chia thành năm huyện đặt dưới quyền các phó cao ủy.

Hiệp định thương mại 1862[sửa]

Năm 1862, ba xứ Arakan, Tenasserim và Pegu được sáp nhập và gọi chung là Miến Điện thuộc Anh (British Burma), trong đó Rangoon được lấy làm thủ phủ và Phayre được làm chánh cao ủy đầu tiên. Chính phủ Anh ở Ấn Độ cử Phayre đi công du sang Mandalay. Nhà vua Mindon coi Phayre là một người bạn cũ. Phayre đã thuyết phục được vua ký Hiệp định thương mại, trên nguyên tắc có đi có lại:

  1. Thuế hải quan đánh vào các loại hàng hóa của các thuyền xuôi sông Irrawaddy được xóa bỏ trong vòng 1 năm. Theo đó, gạo được nhập vào Miến Điện mà không phải đóng thuế. Thương nhân người Anh sẽ được hoạt động dọc theo chiều dài con Sông Irrawaddy tại vùng Thượng Miến Điện.
  2. Ngược lại, Anh cam kết các thương nhân Miến Điện cũng được hoạt động buôn bán trên Sông Irrawaddy thuộc lãnh thổ Anh.
  3. Anh cử một đại diện thường trú tại Mandalay. Bác sĩ Clement Williams được cử sang làm đại diện của Chánh cao ủy tại triều đình Ava. Khi nhận nhiệm vụ tại Mandalay, Williams đã thuyết phục nhà vua cho phép ông nghiên cứu vùng thượng lưu Sông Irrawaddy. Nhưng mọi cố gắng tiến hành nghiên cứu của ông đã bị cản trở bởi chính quyền Ava. Triều đình Ava đã luôn tìm lí do để trì hoãn phần nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện hiệp định về xóa thuế hải quan.

Hiệp ước 1867[sửa]

Tháng 3.1867, Fytche sang Miến Điện thay cho Phayre. Tác động đầu tiên của ông là nối lại các cuộc đàm phán mà Phayre đã bỏ dở trước đó. Trong giai đoạn này, nhà vua Miến Điện đang cần vũ khí để chống lại các cuộc nổi loạn mới. Vì vậy, nhà vua đã đồng ý ký Hiệp ước với các điều khoản có nhiều thay đổi so với Hiệp ước cũ:

  1. Nhà vua hứa từ bỏ chế độ độc quyền của mình, trừ các độc quyền châu, ngọc, dầu lửa và gỗ; Giảm tất cả các loại thuế xuống bằng 5% giá trị của hàng hóa.
  2. Đại diện của Anh ở Miến Điện được hưởng quyền tài phán đầy đủ trong các vụ kiện dân sự giữa các thần dân Anh tại kinh đô.
  3. Quan chức Anh và một quan chức Miến Điện sẽ có mặt tại các trạm hải quan của Anh.

Bên cạnh đó, nhà vua còn cho phép một đại diện của Anh sẽ thường trú tại Bhamo, tàu thủy của Anh được phép đi lại trên Sông Irrawaddy.

Như vậy, sau các cuộc chiến giữa Anh - Miến Điện và các Hiệp định được ký kết, triều đình Miến Điện dần mất đi vị thế, ngày càng bị thực dân Anh thao túng. Sự nhu nhược và bất hòa trong nội bộ triều đình đã tạo cơ hội cho thực dân Anh ép buộc triều đình ký các hiệp ước bất bình đẳng. Sự bất bình đẳng này được mở đầu bằng Hiệp ước Yandabo năm 1826 và kết thúc bằng Hiệp ước năm 1867. Người Anh không chỉ được hưởng nhiều quyền lợi về buôn bán mà còn được hưởng nhiều đặc quyền trên lãnh thổ Miến Điện. Sau năm 1885, Miến Điện trở thành một tỉnh của Ấn Độ thuộc Anh.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. D. G. E. Hall, Bùi Thanh Sơn, Nguyễn Thái Yên Hương, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Vũ Tùng, Đoàn Thắng dịch, Lịch sử Đông Nam Á, Hà Nội,1997.
  2. Phan Ngọc Liên (chủ biên), Nghiêm Đình Vỳ, Đinh Ngọc Bảo, Lược sử Đông Nam Á, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1999.
  3. Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Hồng, Lịch sử thế giới cận đại, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2000.
  4. Lương Ninh (chủ biên), Đỗ Thanh Bình, Trần Thị Vinh, Đông Nam Á lịch sử từ nguyên thủy đến ngày nay, Hà Nội, 2015.