Mục từ này cần được bình duyệt
Hiệp định élysée
Phiên bản vào lúc 16:54, ngày 9 tháng 12 năm 2020 của Minhpc (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{mới}} văn kiện ngoại giao được ký kết ngày 8.3.1949 giữa Bảo Đại, “Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam” và Vincent Auriol,…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

văn kiện ngoại giao được ký kết ngày 8.3.1949 giữa Bảo Đại, “Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam” và Vincent Auriol, Tổng thống Cộng hòa Pháp kiêm Chủ tịch Liên hiệp Pháp dưới hình thức trao đổi thư, tiếp theo Hiệp định Hạ Long được ký kết ngày 5.6.1948 giữa Nguyễn Văn Xuân, Thủ tướng cái gọi là “Chính phủ Trung ương lâm thời Việt Nam” và Bollaert, Cao ủy Pháp tại Đông Dương.

Hiệp định Élysée gồm ba văn kiện:1) Thư của Tổng thống Pháp, gửi Bảo Đại, nói về các vấn đề thống nhất, ngoại giao, nội chính, tư pháp, văn hóa, quân sự, kinh tế, tài chính của “Quốc gia Việt Nam” trong Liên hiệp Pháp; 2) Thư của Bảo Đại gửi tổng thống Pháp xác nhận đã tiếp nhận và đồng ý về nội dung của văn thư trên; 3) Thư của tổng thống Pháp gửi Bảo Đại theo lời yêu cầu của Bảo Đại bổ sung các điểm liên quan đến vấn đề thống nhất của Việt Nam, vấn đề ngoại giao và việc trao đổi đại sứ.

Hiệp định được ký kết trong một bối cảnh rất phức tạp. Ở châu Âu, chiến tranh lạnh diễn biến căng thẳng đến đỉnh điểm. Ở Châu Á, dưới sức ép của Mỹ, Anh phải trao trả độc lập cho Myanmar (1946), Ấn Độ (1947), Hà Lan cho In đô nê xia (1949) trong khi mà nội chiến ở Trung Quốc diễn biến rất bất lợi đối với Tưởng Giới Thạch. Ngày 22.1.1949 Quân Giải phóng Trung Quốc giải phóng Bắc Kinh.

Tại Việt Nam, cuộc gặp trực tiếp diễn ra ngày 12.5.1947 ở Thái Nguyên giữa Hồ Chủ tịch và Paul Mus, cố vấn của Cao ủy Émile Bollaert là cuộc tiếp xúc ngoại giao cuối cùng giữa Chính phủ VNDCCH và Chính phủ Pháp cho đến Hội nghị Genève năm 1954, đã không đem lại bất cứ kết quả nào vì những đòi hỏi vô lý của Pháp. Thất bại trong kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” với trọng tâm là chiến dịch Việt Bắc- Thu Đông năm 1947 nhằm đánh vào đầu não Chính phủ kháng chiến của Việt Nam, Pháp buộc phải chuyển sang thực hiện chính sách xây dựng chính quyền bù nhìn, “dùng người Việt đánh người Việt” và quyết định sử dụng “con bài Bảo Đại”. Thêm vào đó, Mỹ cũng thúc ép Pháp thực hiện “giải pháp Bảo Đại” để dễ bề can thiệp vào cuộc chiến tranh Đông Dương, triển khai chiến tranh lạnh ở Đông Nam Á. Trong các ngày 6 và 7.12.1947, Cao ủy Bollaert gặp Bảo Đại tại Vịnh Hạ Long, hứa hẹn “trao trả độc lập cho Việt Nam trong Liên hiệp Pháp” và hối thúc thiết lập các mối quan hệ giữa Bảo Đại và các phần tử “quốc gia” thân Pháp.

Trong cuộc gặp thứ hai tại Vịnh Hạ Long ngày 5.6.1948, Nguyễn Văn Xuân, trước sự chứng kiến của Bảo Đại (và sau đó Bảo Đại tiếp ký) đã ký với Bollaert Tuyên bố Hạ Long trong đó Pháp “ thừa nhận độc lập của Việt Nam”. Song, trên thực tế mọi việc không hề đơn giản như vậy, dù rằng đây chỉ là sự thừa nhận độc lập giả hiệu. Ngay ngày 8.6.1948 Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Coste-Floret đã tuyên bố: hiệp định được ký kết tại vịnh Hạ Long không bao hàm việc Pháp thừa nhận sự thống nhất ba Kỳ của Việt Nam. Về phận mình, Bảo Đại cũng tỏ ra “cứng rắn” và được Mỹ hậu thuẫn đã tiến hành thương lượng trực tiếp với Pháp tại Paris. Ngày 12.2.1949, một Hội đồng hỗn hợp Pháp Việt được thành lập và đến ngày 28.2.1949 đã hoàn tất Hiệp định Élysée.

Với Hiệp định Élysée, Pháp “công nhận nền độc lập của Việt Nam”, nhưng “nền độc lập của Việt Nam không có một giới hạn nào khác, ngoài giới hạn mà Liên hiệp Pháp dành cho mình”, một liên hiệp không hề có bình đẳng dưới quyền lãnh đạo của Pháp. Cụ thể, việc thống nhất Việt Nam sẽ thông qua trưng cầu dân ý, nhưng phải được Quốc hội Pháp chấp thuận; hoạt động đối ngoại của Việt Nam chỉ trên danh nghĩa vì hoàn toàn phụ thuộc vào ngoại giao của Liên hiệp Pháp; “Nhà nước Việt Nam” có quân đội riêng nhưng do Pháp huấn luyện và toàn quyền điều động; đồng tiền Việt Nam nằm trong khu vực đồng Franc của Pháp.

Ngày 8.3.1949, trả lời điện phỏng vấn của tờ Dân quốc nhật báo, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đối với dân Việt Nam, đó chỉ là một tờ giấy lộn. Thứ thống nhất và độc lập giả hiệu ấy chẳng lừa bịp được ai. Ngay nhân dân Pháp và dư luận thế giới cũng đã hiểu rõ và tố cáo điều đó. Lúc nào quân đội thực dân Pháp hoàn toàn rút khỏi đất nước Việt Nam, thì mới có thống nhất và độc lập.” Ngày 2.9.1949, Bộ Ngoại giao Việt nam Dân chủ Cộng hòa cũng ra tuyên bố khảng định Chính phủ của Bảo Đại và Nguyễn Văn Xuân không đại diện cho Việt Nam, Chính phủ Hồ Chí Minh được lập ra sau cuộc tổng tuyển cử 1946 là chính phủ duy nhất hợp pháp.

Ngày 16.6.1949 Bảo Đại về nước, ngày 1.7 trở thành Quốc trưởng kiêm Thủ tướng Quốc gia Việt Nam. Trên thực tế, kể từ đây Việt Nam đã gắn vào quỹ đạo chiến tranh Lạnh ở châu Á do Mỹ điều khiển.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ ngoại giao, Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002.

2. Devilliers , Philippe: Paris – Sài Gòn – Hà Nội, Tài liệu lưu trữ của cuộc chiến tranh 1944-1947, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1993.

3. Tài liệu lưu tại Lưu trữ Bộ Ngoại giao, tháng 3-4 năm 1949.

4. Vũ Dương Ninh, Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam 1940-2010, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014.

5. https://www.lemonde.fr/archives/article/1948/06/09/le-texte-officiel-de-l-accord-de-la-baie-d-along_1916039_1819218.html

6. https://www.emile-bollaert.fr/chapitre-9-tentatives-de-paix-au-vietnam/