Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Di sản địa chất

Di sản địa chất là một phần tài nguyên địa chất có giá trị nổi bật về khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và kinh tế. Đó có thể là địa điểm, cảnh quan cụ thể trên Trái đất, nơi lưu giữ những bằng chứng, dấu ấn của quá trình hình thành và phát triển Trái đất, lịch sử tiến hóa sự sống của một vùng, một khu vực trên hành tinh. Một số thí dụ như các cảnh quan địa mạo, các di chỉ cổ sinh, hoá thạch, các miệng núi lửa đã tắt hoặc đang hoạt động, các hang động, hẻm vực sông, hồ tự nhiên, thác nước, các diện lộ tự nhiên hay nhân tạo của đá và quặng, các thành tạo, cảnh quan còn ghi lại những biến cố, bối cảnh địa chất đặc biệt, các địa điểm mà tại đó có thể quan sát được các quá trình địa chất đã và đang diễn ra hàng ngày,... Những địa điểm, khu vực như vậy rất có giá trị khoa học, giá trị thẩm mỹ, giá trị lịch sử và tiềm năng thu hút khách du lịch. Chúng được gọi chung là di sản địa chất. - dạng di sản quan trọng hàng đầu trong số các di sản thiên nhiên. Cũng như các loại hình di sản khác, di sản địa chất là tài nguyên không tái tạo nên cần được bảo tồn, khai thác và sử dụng bền vững.

Di sản địa chất rất đa dạng về quy mô, kích cỡ và phong phú về kiểu loại. Trên cơ sở “Công ước về bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới”, những năm 1989-1990 Ủy ban Di sản Thế giới (WHC) của UNESCO đã khởi xướng việc chuẩn bị Danh sách Dự kiến Toàn cầu các Vị trí Địa chất (có giá trị nổi bật) (Global Indicative List of Geological Sites - GILGES) để hỗ trợ việc xét công nhận các di sản Thế giới theo các tiêu chí địa chất-địa mạo và cảnh quan. Ủy ban này sử dụng “Tiêu chuẩn phân loại tạm thời các di sản địa chất” với 10 kiểu di sản, bao gồm:

  1. . Kiểu A - Cổ sinh
  2. . Kiểu B - Địa mạo
  3. . Kiểu C - Cổ môi trường
  4. . Kiểu D - Đá
  5. . Kiểu E - Địa tầng
  6. . Kiểu F - Khoáng vật/khoáng sản
  7. . Kiểu H - Địa chất kinh tế
  8. . Kiểu I - Kiến tạo/Địa chất lịch sử
  9. . Kiểu K - Các vấn đề vũ trụ
  10. . Kiểu L - Các đặc trưng địa chất tầm cỡ lục địa/đại dương.

Năm 1996, Hiệp hội Khoa học Địa chất Quốc tế (IUGS) cũng đưa ra một Khung phân loại chung để đánh giá các vị trí địa chất có giá trị (các điểm di sản địa chất) tiềm năng, bao gồm 11 kiểu:

  1. . Địa tầng
  2. . Cổ môi trường
  3. . Cổ sinh
  4. . Các loại đá magma, biến chất, trầm tích chứa dầu, cấu tạo và kiến trúc
  5. . Khoáng vật/khoáng sản/địa chất kinh tế
  6. . Cấu trúc
  7. . Đặc tính địa mạo/xói mòn và tích tụ/cảnh quan, hình thái vị trí
  8. . Các vấn đề vũ trụ (Astroblemes)
  9. . Các đặc tính lục địa/đại dương liên quan đến địa động lực và kiến tạo mảng
  10. . Thềm lục địa
  11. . Địa chất lịch sử/các mặt cắt chuẩn có giá trị trong Địa chất học.

Ở Việt Nam hiện nay thường áp dụng bảng phân loại GILGES (vd. Thông tư số 50/2017/TT-BTNMT ngày 30.11.2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định nội dung công tác điều tra, đánh giá di sản địa chất và công viên địa chất).

Việc phân loại, đánh giá, xếp hạng di sản địa chất nhằm xác định nội dung của công tác bảo tồn và phát huy giá trị của chúng sau này. Ngoài ra, một trong những điều kiện tiên quyết để một công viên địa chất có thể được xem xét, công nhận là công viên địa chất Toàn cầu UNESCO là khu vực đó phải có một số di sản địa chất có tầm quan trọng và ý nghĩa quốc tế. Để đánh giá, xếp hạng di sản địa chất, hiện nay trên thế giới vẫn chưa có một hệ thống đánh giá thống nhất và mỗi nước thường phải quy định một hệ thống đánh giá của riêng mình. Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các nhà khoa học Việt Nam đã đề xuất, áp dụng thử nghiệm một hệ thống đánh giá, xếp hạng di sản địa chất định lượng và nội dung chính của nó cũng được thể hiện trong Thông tư kể trên. Cụ thể, các di sản địa chất được cho điểm theo 6 tiêu chí là:

  1. Giá trị khoa học và giáo dục (40-4 điểm), bao gồm tính toàn vẹn (10-1 điểm), mức độ hiếm gặp (10-1 điểm), tính đại diện (10-1 điểm) và mức độ điển hình (10-1 điểm)
  2. Tính đa dạng địa chất (10-÷1 điểm)
  3. Giá trị cảnh quan, thẩm mỹ (10-1 điểm)
  4. Giá trị văn hóa, xã hội, lịch sử (10-1 điểm)
  5. Các mối đe dọa và nhu cầu bảo tồn (10-2 điểm), bao gồm các mối đe dọa và nhu cầu bảo tồn (5-1 điểm) và hiện trạng pháp lý của công tác bảo tồn (5-1 điểm)
  6. Tiềm năng khai thác, sử dụng (20-4 điểm), bao gồm mức độ nổi trội, dễ nhận biết (5-1 điểm), vị thế địa lý (5-1 điểm), điều kiện đi lại (5-1 điểm) và triển vọng tạo việc làm mới (5-1 điểm).

Theo đó, các di sản địa chất cùng kiểu loại của từng khu vực được chuyên gia cho điểm trên cơ sở so sánh tương đối giữa chúng với nhau và với các di sản địa chất ở các khu vực khác. Tổng số điểm tối đa một di sản địa chất có thể đạt là 100. Trên cơ sở điểm đánh giá, các di sản địa chất được đề nghị xếp hạng thành: di sản địa chất cấp quốc gia (>50 điểm) và cấp tỉnh (<50 điểm). Trong số các di sản địa chất cấp quốc gia, những di sản địa chất nào có tổng số điểm của các tiêu chí 1 (giá trị khoa học và giáo dục) và 2 (tính đa dạng địa chất) ≥ 35 điểm có thể đề nghị xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt hoặc quốc tế.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Thông tư số 50/2017/TT-BTNMT ngày 30/11/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định nội dung công tác điều tra, đánh giá DSĐC, CVĐC.
  2. Website về CVĐC Toàn cầu UNESCO. http://www.unesco.org/new/en/ natural-sciences/environment/earth-sciences/unesco-global-geoparks/.