Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Dân ca

Dân ca là một hình thức sinh hoạt văn hoá âm nhạc dân gian và là những bài hát và câu hát dân gian trong đó phần lời, phần giai điệu, phương thức diễn xướng, môi trường khung cảnh ca hát đều có vai trò quan trọng đối với việc xây dựng hình tượng của tác phẩm. Nói đến dân ca, người ta nghĩ đến làn điệu và những thể thức hát nhất định.

Chưa xác định chính xác thời điểm ra đời của dân ca, song theo các nhà nghiên cứu thì các bài hát ra đời ngay từ thời kỳ phát triển rất sớm của xã hội người Việt gắn liền với sự ra đời của âm nhạc và nhảy múa, tồn tại trong mối quan hệ hữu cơ giữa hoạt động tinh thần và hoạt động vật chất. Thuật ngữ dân ca chính thức được sử dụng với sự xuất hiện của cuốn sách Tục ngữ và dân ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan biên soạn, in lần đầu năm 1956. dân ca người Việt gồm năm bộ phận: những bài hát lao động, những bài hát lễ nghi – phong tục, những bài hát giao duyên, những bài hát sinh hoạt gia đình và các sinh hoạt khác, những bài hát trẻ em (đồng dao).

Những bài hát lao động có một bộ phận khá lớn được dân gian gọi là hò, nhưng không phải bất cứ một điệu hò nào cũng đều gắn với chức năng cổ vũ và sinh hoạt lao động. Sự phân bố các bài hát lao động giữa các vùng của đất nước không giống nhau. Ở Bắc Bộ những bài hát lao động ít hơn so với miền Trung và miền Nam. Các điệu hò liên quan đến công việc chèo chống trên sông nước (các điệu hò chèo thuyền) và các động tác kéo giật (kéo gỗ, kéo lưới) thì ở miền nào cũng có. Mật độ hò miền Trung là lớn nhất với nhiều những điệu hò liên quan đến những công việc thủ công như giã vôi, giã gạo, xay lúa, giã đậu, mài dừa, giã thuốc…; ở miền Nam thì phổ biến là những bài hò cá nhân, hò tâm tình trên sông nước với những làn điệu khoan thai, phóng khoáng như Hò mái nhì, Hò Đồng Tháp, Hò mái duỗi.... Các bài hát lao động Bắc Bộ là những điệu hò ở vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình như: Hò qua sông hái củi, Hò đò dọc, Hò kéo lưới, bên cạnh đó còn có những bài hò cách điệu (lễ nghi hoá hoặc sân khấu hoá) trong các sinh hoạt ca hát như Hát Xoan, Hát Dô, Hát Chèo Tầu, Hát Dặm… những hình thức bài ca lao động này là nét độc đáo ở Bắc Bộ và có ít hơn ở các vùng khác. Các dân tộc thiểu số ở miền núi cũng có những bài hát lao động nhưng với số lượng rất ít. Đặc điểm chung của những bài hát lao động là được diễn xướng trong môi trường lao động và gắn bó chặt chẽ với nhịp điệu của công việc, vì vậy mỗi điệu hò lại có những đặc trưng khác nhau, ví dụ: nếu như giai điệu Hò dô ta mang tính hát nói, vần điệu kết cấu đơn giản, sự xen kẽ giữa lời "kể" của người điều khiển với lời đáp của tập thể ngắn gọn thì Hò kéo thác, một điệu hát dùng trong lúc kéo gỗ qua thác đèo lại bắt đầu bằng đoạn hát tập thể khoan thai nhịp nhàng kéo dài khoảng 10 nhịp, đây là một trong những điệu hò có phần "xô" dài hiếm có; tuỳ theo lời ca dài ngắn, điệu hò có thể kéo dài với sự thay đổi tuần tự giữa đoạn "xô", "kể" và kết thúc ở đoạn "xô".

Những bài hát lễ nghi – phong tục. Loại bài hát này gắn với nguồn gốc văn minh nông nghiệp của người Việt cổ: trồng lúa nước, hội mùa, tín ngưỡng thờ thần Thành Hoàng, thờ cá voi (ở vùng Duyên Hải) và nhiều tín ngưỡng mang tính địa phương khác. Mỗi hình thức ca hát là những sản phẩm văn hoá lâu đời của mỗi địa phương cụ thể, song do sự trùng hợp tương đối về mặt diễn xướng hoặc sự ràng buộc về bài bản, nghi thức hội hè nên dân ca lễ nghi - phong tục ở Việt Nam nổi lên hai hệ chính: Hệ dân ca phong tục Trung Du và đồng bằng Bắc Bộ bao gồm Hát Xoan, Hát Dậm, Hát Chèo tàu; ở những bài ca này ngoài hình thức giai điệu lời ca có tính chất khẩn nguyện dùng để mở đầu cuộc hát thì còn có nhiều đề tài khác, ví dụ như trong Hát Dậm có lời ca kể chuyện chiến trận trong Mái hò, lời ca sinh hoạt lao động trong các đoạn hát Mắc cửi, Chăn tằm, May áo, Dệt vải, Đi cày... Ở phương diện diễn xướng, nếu trong hệ dân ca nghi lễ phong tục miền trung du và đồng bằng Bắc Bộ, Hát Xoan có sự phát triển quy mô lớn nhất về mặt địa bàn, bài bản, và cách diễn xướng thì Hát Dô, Hát Dậm, Hát Chèo tàu lại chỉ diễn ra ở một địa điểm với số lượng bài ít hơn, giai điệu cũng có phần đơn giản, thô sơ hơn. Hệ dân ca phong tục Đông Anh – Xuân Phả gồm nhánh Đông Anh (Múa đèn, Tiên Cuội, Trống Mõ, Hà lan, Trò Thiếp, Trò Thuỷ, Trò Ngô, Trò Văn Vương, Tú Huần…) và nhánh Xuân phả (Huế lan – tựa như Hà lan ở nhánh Đông Anh, Ải lao, Trò Ngô quốc như trò Ngô ở nhánh Đông Anh, Trò Lục hồn nhung tựa như Tú Huần ở nhánh Đông Anh…); những hình thức này mang tính chất “kịch hoá” khá rõ nét, tuy khác nhau về đề tài, kết cấu, cách thức trình diễn nhưng đều gắn liền với truyền thuyết, thần tích, nghi lễ, phong tục địa phương. Các trò diễn thường có sự phối hợp nhịp nhàng của các nhân vật, ví dụ: Trò Thuỷ lấy đề tài "nước", gồm 6 đoạn lời ca diễn tả sự vui mừng của người dân đối với nguồn nước đem lại mùa màng tươi tốt, được diễn bởi 16 người cầm mái chèo, cầm trống, chiêng, sênh... mỗi khi chuyển đoạn tất cả chiêng trống nổi lên dồn dập rồi lặng dần, các mái chèo thuyền nhịp nhàng theo nhịp gõ của sênh; trò Trống Mõ với 60 làn điệu khác nhau có nội dung phê phán xã hội phong kiến, ca ngợi đức tính cần cù giản dị của người lao động, được diễn bởi 4 nhân vật: Trống, Mõ, Cu Nhớn, Mẹ Mõ, khi diễn trò mỗi nhân vật vừa hát vừa múa, dùng trống, mõ làm nhạc đệm.

Những bài hát giao duyên là bộ phận phong phú nhất của dân ca người Việt bao gồm hai nhóm chính: bài hát giao duyên gắn với tục kết nghĩa, kết bạn (Quan họ Bắc Ninh, Hát Ghẹo Phú Thọ…), có đặc điểm bao trùm là nhiều làn điệu và lấy đối giọng làm phương tiện chính trong diễn xướng, đối tượng ca hát chỉ đóng khung trong những nhóm nam hoặc nữ giữa những làng có kết bạn với nhau, do đó tục kết bạn có tác dụng duy trì và phát triển hình thức ca hát này. Bài hát giao duyên gắn với sinh hoạt hội hè và thời vụ, lao động thủ công trong gia đình, lao động trên sông nước (Trống quân, Ví Giặm, Hát đúm, Hát ví, Hát kết ngãi, các điệu Lý…), đặc điểm chung của lối hát giao duyên này là lấy sự đối lời đối ý làm chính nên chỉ có một làn điệu gốc cho mỗi lối hát cụ thể, cũng là hát đối đáp nam nữ nhưng hình thức ca hát giao duyên này không dựa trên những tổ chức phường họ chặt chẽ có quy củ như Hát Ghẹo Phú Thọ hay Quan họ Bắc Ninh. Bên cạnh phương thức hát đối đáp, vốn là phương thức chủ yếu trong ca hát giao duyên, còn có một số điệu hát nói về tình yêu nam nữ được diễn xướng theo lối tự sự như bài Nhắn cô ở Đông Sơn Thanh Hoá, các bài Lý trong dân ca Trung Bộ và Nam Bộ (Lý cây bông, Lý chiều chiều, Lý thương nhau…)

Những bài hát sinh hoạt gia đình và các sinh hoạt khác thường không phụ thuộc vào lịch tiết nông nghiệp, phong tục nghi lễ như nhiều thể loại khác, thường được diễn xướng trong môi trường gia đình và làng xóm, phản ánh mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình hoặc quan hệ xã hội, làng xóm; đó là những lời ca nói về thân phận người phụ nữ, nỗi khổ của những người đi lính, cảnh đi ở rể, thân phận những người nghèo, gái lỡ duyên... Về mặt hình thức nghệ thuật, những bài hát sinh hoạt gia đình phần lớn mang tính chất tự sự, trong nhiều trường hợp, đặc điểm thể loại chỉ được phân biệt ở hoàn cảnh diễn xướng. Các bài hát dân ca sinh hoạt gia đình gồm: Hát ru, các điệu Lý (Lý con chuột, Lý con mèo, Lý con cua, Lý Bình vôi, Lý chúc rượu, Lý chia tay…), Bài Chòi, Vè, Hò lô tô, Hát xẩm, nói thơ…

Những bài hát trẻ em (đồng dao) có ba đặc điểm: bài hát trẻ em thường gắn với một lối chơi, một trò chơi nhất định (bài hát Rồng rắn, Ú tim, Xỉa cá mè…); bài hát trẻ em gắn với những nhip điệu mang tính chu kỳ (Nu na nu nống, Chi chi chành chành, Giung giăng giung giẻ…); bài hát trẻ em dựa trên âm điệu tiếng nói, ngôn ngữ địa phương, trong đó nhiều bài hát giai điệu chỉ là sự cách điệu tiếng nói (Bắc kim thang…). Những đặc điểm này là những tiêu chí phân biệt với loại bài hát cho trẻ em mang tính giáo huấn, kể chuyện do ông bà, cha mẹ, anh chị hát cho các em nghe như: Lý con cua, Lý con mèo…

Các phong cách bao trùm về giai điệu và lối hát dân ca gồm: nói lối, hát nói, kể, ngâm, ca, hát, hô, xướng... Sự hình thành các kiểu giai điệu, lối hát này gắn với cơ sở ngữ âm tiếng Việt và các hình thức thơ ca (thơ ca dân gian và phần nào là thơ ca bác học). Cơ sở nhạc điệu của thành phần thơ ca trong dân ca thấy rõ nhất trong những bài hát mang phong cách nói và ngâm. Hát nói thường mạch lạc, khúc triết, tuân theo những khuôn khổ nhất định được biểu hiện bằng trọng âm (chỗ nhấn). Hát ngâm so với hát nói là một bước phát triển mới trong giai điệu dân ca nhưng không thay thế được những đặc tính thẩm mỹ của hát nói; hát ngâm được dùng trong những bài hát như: Ru con, Đò đưa, Sa mạc, Bồng mạc, nhiều điệu hò trên sông nước, một số điệu hát trong dân ca phong tục (Gài hoa, Hát Đúm trong Hát Xoan, Giọng văn, Giáo đầu, Bỏ bộ trong Hát Dậm)... Sự tổng hợp của hai phong cách hát nói và hát ngâm là hát giai điệu ca xướng; phong cách này có nhịp điệu và cú pháp không mang tính đơn điệu, thô sơ mà linh hoạt, đa dạng; đường nét âm thanh của giai điệu ca xướng có sự uyển chuyển, tinh tế; đặc điểm này tiếp thu từ hát ngâm nhưng khác với hát ngâm, giai điệu ca xướng không phức tạp hoá đường âm, không thiên về sự trau chuốt, tô điểm mà kết hợp với nét thô sơ, mộc mạc của hát nói nhằm diễn tả nhiều sắc thái cảm xúc. Những bài hát giai điệu ca xướng chiếm vị trí chủ đạo trong dân ca

Các thể thơ được sử dụng trong cấu tạo khúc thức lời dân ca gồm: thể 4 chữ dùng nhiều trong những loại hát lễ nghi - phong tục, những bài hát sinh hoạt, bài hát giao duyên cổ; thể 5 chữ dùng phổ biến trong Hát Dặm Nghệ Tĩnh; thể 7 chữ ít dùng trong dân ca (xuất hiện ở cuối bài hát Ba mươi sáu thứ chim trong Quan họ hay đoạn đầu của bài Nói thơ Bạc Liêu...); thể 6-8 là thể thơ phổ biến nhất trong dân ca được sử dụng ở những bài ca có nội dung trữ tình, giao duyên; thể song thất lục bát không phổ biến trong dân ca, nếu có thì thường thuộc bộ phận thơ ca bác học trong dân ca (như trong một số quả cách của Hát Xoan). Ngoài những thể thơ có khuôn khổ ổn định trên, lời của nhiều bài dân ca được kết cấu theo kiểu so le không ổn định, câu thơ có thể từ hai, ba đến mười chữ và thường được kết hợp với thể ổn định khác.

Âm điệu có ý nghĩa đặc trưng nhất trong dân ca người Việt là âm điệu bốn, năm, âm điệu bảy thứ và một phần âm điệu sáu; trong đó âm điệu bốn chiếm vị trí lớn nhất trong các âm điệu đặc trưng. Nhịp điệu trong dân ca thuộc loại nhịp điệu của nhạc hát, song không mang ý nghĩa thuần tuý âm nhạc mà có tác động của nhịp điệu thơ ca. Ở những dạng khúc thức dân ca có sự thống nhất giữa nhịp điệu âm nhạc và nhịp điệu thơ thì sự ngắt nhịp của thơ và nhạc thường gần giống nhau; ở những bài dân ca có nhịp điệu âm nhạc phát triển ra ngoài khuôn khổ nhịp điệu thơ thì nhịp điệu thơ trở thành trụ khung làm chỗ dựa cho nhịp điệu âm nhạc; bên cạnh việc ngắt nhịp trong câu thơ, nhịp điệu thơ còn tác động đến nhịp điệu nhạc qua sự gieo vần; vần của thơ (dù vần lưng hay vần chân, vần giữa câu hay vần cuối) thường dễ tạo ra những trọng âm trong tuyến nhịp đặc biệt là đối với loại giai điệu ngâm. Nhịp điệu dân ca chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của những điều kiện khách quan trong đời sống xã hội, vì vậy, nhịp điệu của các bài hát thường gắn với tính chất bối cảnh nảy sinh lời ca, ví dụ: công việc chèo chống ở những đoạn sông khác nhau với những cường độ và sự tiêu hao năng lượng khác nhau tạo nên các làn điệu hò khác nhau trong hệ thống Hò Sông Mã ở Thanh Hoá, hay tính chu kỳ gắn với các lối chơi của trẻ em tạo nên những nhịp điệu đặc trưng trong kết cấu lời ca khiến nhịp điệu trở thành đặc điểm quan trọng nhất trong các bài hát trẻ em

Bên cạnh dân ca người Việt, dân ca các dân tộc thiểu số cũng có số lượng phong phú. Đó là những bài tự sự hay đối đáp trong tình duyên lứa đôi, trong lao động sản xuất, trong dịp quan trọng của cuộc sống như mừng năm mới, mừng sản xuất, cưới xin, làm nhà mới, lễ cầu an, tang lễ, những bài ca ngợi quê hương đất nước, hay những than vãn về cảnh ngộ éo le, đáng thương của những phận người côi cút, bị ép duyên, làm dâu bị chồng ghét bỏ hành hạ, hay bị chịu cảnh bất công trong xã hội. Về cơ bản dân ca các dân tộc thiểu số gồm các bộ phận: dân ca lao động, dân ca nghi lễ, dân ca sinh hoạt; trong đó dân ca lao động là các bài hát nhằm bày tỏ tình cảm của người hát trong môi trường lao động (khi săn bắn, trồng cấy…), các bài hát nông lịch; dân ca sinh hoạt là các lời hát ru, hát vui chơi, hay bày tỏ tình cảm với quê hương đất nước hoặc tình yêu lứa đôi; dân ca nghi lễ là các lời hát của người thực hành nghi lễ trong đám cưới, đám tang, đám cầu cúng, chúc tụng, những lời hát này trở thành một bộ phận hữu cơ của các nghi lễ đó. Các loại lời hát lao động, sinh hoạt, nghi lễ của các dân tộc thiểu số xuất hiện trong những môi trường diễn xướng cụ thể, gắn liền với đời sống phong tục, tín ngưỡng và văn hoá tộc người.

Dân ca gắn với đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Sự phong phú về thể loại, bài bản, làn điệu thể hiện nét đặc trưng của văn hoá Việt. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử dân tộc, dân ca đã thể hiện được sức sống lâu bền và là chất liệu dân gian cho các sáng tác âm nhạc hiện đại, góp phần lưu giữ bản sắc và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của dân tộc.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Văn học dân gian, tập 2, Nxb Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, 1991
  2. Tú Ngọc, Dân ca người Việt, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1994
  3. Đặng Nghiêm Vạn (chủ biên), Tổng tập văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2002
  4. Nguyễn Xuân Kính, Thi pháp ca dao, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006
  5. Trần Thị An (chủ biên), Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam, Tập 17, Dân ca, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008