Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chủ nghĩa cá nhân

Chủ nghĩa cá nhân là tư tưởng dẫn dắt cuộc sống theo cách của mình mà không quan tâm đến người khác.

Những người theo chủ nghĩa cá nhân chủ trương không hạn chế mục đích và ham muốn cá nhân. Họ phản đối sự can thiệp từ bên ngoài đến sự lựa chọn của cá nhân – cho dù sự can thiệp đó là của xã hội hay của nhà nước.

Khái niệm chủ nghĩa cá nhân lần đầu tiên được các nhà xã hội Pháp theo đuổi học thuyết của Saint-Simon sử dụng để mô tả cái mà họ tin là nguyên nhân của sự phân cách xã hội Pháp sau Cách mạng 1789. Trong tiếng Anh, khái niệm này lần đầu được sử dụng là bởi các nhà theo thuyết của Owen vào những năm 1830. Tại Anh, chủ nghĩa cá nhân được sử dụng với ý nghĩa tích cực hơn trong các tác phẩm của James Elishama Smith.

Đặc điểm của chủ nghĩa cá nhân[sửa]

Chủ nghĩa cá nhân đối lập với chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa cộng đồng. Chủ nghĩa cá nhân có mối quan hệ phức tạp với chủ nghĩa vị kỷ (sự ích kỷ). Mặc dù một số nhà cá nhân chủ nghĩa cũng là những người vị kỷ, các nhà cá nhân chủ nghĩa thường không tranh luận rằng ích kỷ về bản chất là tốt vốn có ngay từ khi sinh ra. Thay vào đó, họ tranh luận rằng các cá nhân không có trách nhiệm ràng buộc nào đối với các áp đặt của xã hội (đạo đức). Họ quan niệm rằng, các cá nhân cần được tự do lựa chọn theo đuổi cách sống ích kỷ, cũng như bất kỳ cách sống nào khác phù hợp với mong muốn của họ.

Chủ nghĩa cá nhân thường tương phản với tính hợp tác và khả năng cạnh tranh. Tính hợp tác có thể được định nghĩa là tin tưởng và hành xử thể hiện những nỗ lực và mục tiêu đạt được của một người liên quan đến những nỗ lực và mục tiêu đạt được của những người khác. Chủ nghĩa cá nhân so sánh với tính hợp tác, có xu hướng liên quan đến các yếu tố sau: (1) cá nhân thích được yêu thích, chấp nhận, ủng hộ và hỗ trợ bởi người khác; (2) ít tìm kiếm thông tin từ những người khác và sử dụng các thông tin vì lợi ích của chính mình; (3) động lực và định hướng lớn hơn là hướng tới phần thưởng bên ngoài; (4) ít liên quan đến cảm xúc trong nỗ lực để đạt được mục tiêu của một người; (5) thành tích thấp hơn; (6) khả năng nhận thức về quan điểm của những người khác thấp hơn; (7) các quy trình kém lành mạnh hơn để thu được kết luận về giá trị bản thân; (8) sức khỏe tâm lý thấp hơn được phản ánh trong bệnh lý tâm lý như sự non nớt về tình cảm, sự bất bình trong xã hội, sự tự ái, tự từ chối, thiếu tham gia các hoạt động xã hội, cơ bản không tin tưởng vào người khác, bi quan và không có khả năng giải quyết xung đột giữa nhận thức của bản thân và thông tin bất lợi về bản thân và (9) ít thích người khác và tiêu cực hơn mối quan hệ giữa các cá nhân.

Chủ nghĩa cá nhân có thể đem lại cho con người những hậu quả tiêu cực. Con người đơn độc trốn tránh mối quan hệ và liên minh với những người khác. Xã hội hóa hiệu quả mang lại ý thức rằng một người không thể đạt được mục tiêu cuộc sống của mình một mình. Một người cần sự giúp đỡ và nguồn lực của người khác. Sức khỏe tâm lý đòi hỏi cá nhân nhận thức rằng mục tiêu của một người và mục tiêu của người khác, nỗ lực của một người và nỗ lực của người khác và thành công của một người và thành công của nhiều người khác nhau, là tất cả đều liên quan và phụ thuộc lẫn nhau.

Chủ nghĩa cá nhân thường dẫn tới các hậu quả sau: (1) cảm giác xa lánh, cô đơn, cô lập, thấp kém, vô dụng, trầm cảm và thất bại; (2) thái độ phản ánh bản thân thấp kém, sự nhấn mạnh vào sự hài lòng ngắn hạn và niềm tin rằng không ai quan tâm đến khả năng của một hoặc một người và (3) các mối quan hệ được đặc trưng bởi tính bốc đồng, phân mảnh, sự rút lui và sự vô cảm với chính mình và nhu cầu của người khác.

Chủ nghĩa cá nhân được cho là đang gia tăng ở các nước phương Tây. Tuy nhiên những nghiên cứu mới cho thấy xu hướng này diễn ra trên toàn cầu.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Deutsch, M., Cooperation and trust: Some theoretical notes, In M. Jones (Ed.), Nebraska symposium on motivation, Lincoln: University of Nebraska Press, 1962.
  2. Claeys, Gregory, “Individualism”, “Socialism”, and “Social Science”: Further Notes on a Process of Conceptual Formation, 1800 - 1850, Journal of the History of Ideas, 47 (1), 1986, 81 - 93.
  3. Johnson, D. W. & Johnson, R., Cooperation and competition: Theory and research, Edina, MN: Interaction Book Company, 1989.
  4. Johnson, D. W. & Johnson, R., Learning together and alone: Cooperative, competitive, and individualistic learning (5th ed.), 1999.
  5. Inglehart, Ronald F., Chapter 3, Global Cultural Patterns, Cultural Evolution: People's Motivations are Changing, and Reshaping the World, Cambridge University Press, 2018, pp. 40.
  6. Beugelsdijk, S., & Welzel, C., Dimensions and dynamics of national culture: Synthesizing Hofstede with Inglehart, Journal of Cross-Cultural Psychology, 49 (10), 2018, 1.469 - 1.505.