(Tạo trang mới với nội dung “<indicator name="mới">File:UnderCon icon.svg|40px|link={{TALKPAGENAME}}#Bình duyệt|alt=Mục từ này cần được bình duyệt|Mục từ này…”) |
(Không có sự khác biệt)
|
Phiên bản lúc 09:36, ngày 10 tháng 1 năm 2023
Chùa Bút Tháp(cg.chùa Ninh Phúc, Ninh Phúc thiền tự, chùa Thiếu Lâm) di tích Kiến trúc nghệ thuật, tên chữ Hán: Ninh Phúc tự,tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
CBT tọa lạc trên khu đất cao, rộng, sát bờ Nam sông Đuống, được xây dựng từ thời Trần. Chùa từng là nơi trụ trì của Thiền sư Chuyết Chuyết - tổ thứ 34 của Thiền phái Lâm Tế. Vào khoảng năm 1642 - 1674, chùa được các quý tộc triều Lê cho dựng lại, với quy mô rất lớn, theo kiểu “trăm gian” và có mặt bằng kiến trúc kiểu “nội Công ngoại Quốc”. Ở các giai đoạn sau, chùa được tu sửa nhỏ nhiều lần, nhưng về cơ bản, kiến trúc hiện nay chủ yếu của thế kỷ thứ XVII, gồm các hạng mục: tam quan, gác chuông, tiền đường, thiêu hương, thượng điện, Tích Thiện am, nhà trung, phủ thờ, hậu đường và hai dãy hành lang.
Toàn cảnh chùa Bút Tháp (Ảnh: Hồ sơ tư liệu Cục Di sản Văn hóa)
Tam quan: gồm 3 gian, dài 9m, rộng 5,25m với 4 bộ vì chồng rường, tì lực lên 3 hàng chân cột, mái lợp ngói mũi hài. Các cấu kiện chủ yếu được làm bằng gỗ, bào trơn, đóng bén. Bốn góc của tam quan đều bổ trụ vuông, có đỉnh kết hình đèn lồng. Hai bên hồi xây bít bằng gạch, ở giữa trổ cửa sổ hình chữ Thọ và hình vòng tròn sắc không (niên đại thế kỷ XIX - XX).
Gác chuông: có mặt bằng nền gần vuông, với kết cấu gỗ chồng diêm, gồm 2 tầng, 8 mái, lợp ngói. Tầng trên gác chuông kết cấu bộ vì theo kiểu "giá chiêng để thông khoảng giữa". Trên tầng treo quả chuông lớn “Ninh Phúc tự chung” cao 152cm, đường kính miệng 71cm. Quai chuông là hình 2 con rồng đấu lưng vào nhau. Chuông có 4 núm đánh, hình tròn nổi, phía dưới núm ghi tên 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông… Tiền đường: gồm 5 gian, 2 chái, dài 25m, rộng 10,60m, kết cấu gỗ, mái lợp ngói ta. Phía trước bao bằng hệ thống cửa bức bàn, hai bên là hệ thống ván bưng. Hệ mái tì lực chủ yếu lên 4 hàng chân cột, các bộ vì nóc được kết cấu theo kiểu giá chiêng, liên kết bằng hệ thống xà. Hai gian hồi làm 4 "cốn đốc" theo kiểu chồng rường (thay cho kẻ). Liên kết với những cốn là 4 chiếc bẩy chạm rồng. Các đầu bẩy đều chạm nổi hình rồng và hoa lá cách điệu...
Gác chuông chùa Bút Tháp
(Ảnh: Hồ sơ tư liệu Cục Di sản Văn hóa)
Nhà cầu: nối liền tiền đường và thượng điện, có mặt nền cao hơn mặt nền của tiền đường, 4 phía để trống. Bộ khung dựa trên 4 cột, các vì kèo kết cấu theo kiểu "chồng rường", được liên kết với nhau bởi xà thượng và xà hạ. Khoảng cách giữa 2 xà ở hai bên được nong ván, có chạm rồng, phượng, hoa...
Thượng điện: có nền cao hơn nhà cầu và tiền đường một bậc, gồm 5 gian với chiều dài 19m, rộng 10m60; bộ khung gỗ lim, với 24 cột lớn. Về cơ bản, tòa thượng điện có kết cấu kiến trúc giống tiền đường. Các vì kèo cũng có kết cấu kiểu giá chiêng và có cốn đốc chồng rường. Với việc xuất hiện cốn góc, trong cấu trúc của thượng điện đã không cần đến kẻ góc, làm cho cấu trúc ngoài hiên có một dạng đặc biệt. Nền thượng điện được bó 4 lớp đá khối hình chữ nhật. Bao quanh thượng điện cả 4 mặt là hành lang, với một hàng lan can đá được chạm khắc rất tinh xảo các điển tích cổ.
Tích Thiện am: là kiến trúc đặc biệt nhất của chùa Bút Tháp, kết cấu theo kiểu chồng diêm. Tầng 1 có 5 gian, tầng 2 còn 3 gian, tầng ba thu lại 1 gian, kết cấu khung dựa chủ yếu trên 4 cột cái và 4 cột trốn nhỏ, bộ vì kiểu chồng rường, giá chiêng. Ở 4 góc mái của tầng 3 có 4 thanh ruỗi, chống 4 kẻ góc, ăn chân vào các cột cái. Tất cả các thanh ruỗi này đều chạm hình rồng, mây cuộn, người và thú. Trong Tích Thiện am ở gian giữa đặt Cối kinh - “Cửu phẩm liên hoa” hình bát giác, cao 7,8m, xếp 9 tầng theo kiểu tòa sen, thể hiện 9 kiếp tu của đức Thích Ca Mâu Ni. Chín tầng Cối kinh tạc hàng trăm tượng Phật, hoa lá, chim muông, tập trung chủ đề khuyến thiện trừ ác, giới thiệu hành trang các vị tổ Thiền tông, các đại sư, các cấp độ thăng hoa trên đường lên cõi Niến bàn. Tòa Cửu phẩm liên hoa là tháp gỗ 8 mặt, 9 tầng, được đỡ bởi các hàng chấn song con tiện. Tám mặt của 9 tầng có gắn phù điêu gắn với Phật giáo.
Nhà trung: gồm 5 gian, dài 16,30m, rộng 8,60m, kết cấu mái theo kiểu "tàu đao lá mái", 4 hàng chân cột, các bộ vì kết cấu theo kiểu giá chiêng.
Phủ thờ: gồm 5 gian, dài 16,50m, rộng 9m, kiến trúc cơ bản giống nhà trung, nhưng làm kẻ suốt chạy từ đầu cột trốn đến đầu cột quân ra ngoài.
Hậu đường: gồm 13 gian, kết cấu gỗ, mái lợp ngói mũi hài, gồm: 7 gian thờ Mẫu, 3 gian bên phải và 3 gian bên trái là tăng phòng, hiện vẫn còn một bộ vì được kết cấu theo kiểu giá chiêng, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII.
Hành lang: nối từ đầu hồi tiền đường đến hậu đường gồm 26 gian, dài 70m, rộng 4m. Ở phía đầu mỗi dãy có 1 nhà bia.
Toà Tổ đệ Nhất: gồm 5 gian, là nơi thờ Thiền sư Chuyết Chuyết; phía sau có tháp Báo Nghiêm, phía trước là giếng đá. Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có hệ thống tháp, gồm tháp Tôn Đức, tháp Tâm Hoa, tháp Ni Châu, tháp Mộ và một số công trình phụ trợ khác…
Ngoài giá trị về mặt kiến trúc, chùa hiện còn lưu giữ hàng trăm hiện vật, với nhiều loại chất liệu, có niên đại từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX, gồm: hệ thống sập thờ, nhang án, hoành phi, câu dối, tháp cửu phẩm, hệ thống tượng, đặc biệt là pho “Phật bà Nghìn tay Nghìn mắt” - tác phẩm kiệt xuất của nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVII đã được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2011.
CBT được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2013, hiện đặt dưới sự quản lý của Ban Quản lý di tích, trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh.
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Hồng Kiên, Chùa Bút Tháp, Trung tâm Tu bổ Di tích Trung ương, Hà Nội, 1993.
- Phan Cẩm Thượng, Bút Tháp, Nxb Mỹ Thuật, Hà Nội, 1996.
- Đại Việt sử ký toàn thư, quyển XVIII tờ 27a, bản tiếng Việt, Tập III, Nxb. Khoa học xã hội. Hà Nội, 1998, tr.229.
- Hoàng Giá, Phan Cẩm Thượng, Phạm Thuận Thành, Huyền tích chùa Bút Tháp, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2005.
- L.Bezacier, La Pagode bouddhique de Ninh Phuc à But-Thap, L'art vietnamien, Ed.de l'Union Française, Paris. 1955.