Mục từ này cần được bình duyệt
Chán nản
Phiên bản vào lúc 16:55, ngày 9 tháng 12 năm 2020 của Minhpc (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{mới}} Trạng thái cảm xúc khó chịu, nhất thời. Cá nhân chán nản cảm thấy một sự thiếu hứng thú lan tỏa và khó tập…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

Trạng thái cảm xúc khó chịu, nhất thời. Cá nhân chán nản cảm thấy một sự thiếu hứng thú lan tỏa và khó tập trung vào một việc hay một hoạt động nào đó. Chán nản được xem như một phản ứng tiêu cực trong sự đáp lại đánh giá của cá nhân về một tình huống làm việc, diễn biến trong thời gian ngắn hơn so với thái độ (sự hài lòng công việc).

Hiện tượng chán nản được đặc trưng bởi hai dấu hiệu sau: 1) Mất hứng thú đối với công việc, có thể dẫn đến phá hỏng cảm xúc; 2) Nỗ lực một cách vô thức để thay đổi phương thức thực hiện hoạt động.

Các nghiên cứu ban đầu về sự chán nản được thực hiện vào những năm đầu thế kỷ 20, tập trung trong lĩnh vực lao động. Tuy nhiên, cho đến những năm 80 của thế kỷ này, các nhà nghiên cứu đều thấy rằng có rất nhiều chuyên ngành tâm lý học ứng dụng khác nghiên cứu về nguồn gốc và hệ quả của sự chán nản, bao gồm tâm lý học giáo dục, sức khỏe nghề nghiệp, khoa học nghiên cứu về lao động, tâm lý học quân sự, sức khỏe tâm thần và các mối quan hệ liên cá nhân. Trên thực tế, các nghiên cứu ngày nay về sự chán nản không chỉ dừng lại ở lĩnh vực lao động, mà phát triển ở các lĩnh vực tâm lý học lâm sàng và nhân cách.

Chán nản thường được dùng thay thế cho những thuật ngữ có liên quan nhưng không hoàn toàn đồng nhất (sự đơn điệu, sự lặp đi lặp lại, sự buồn chán, và sự buồn tẻ) hoặc những khái niệm hiện tượng có liên quan mang tính giả định hoặc quan sát thấy (mệt mỏi, cáu giận, trầm cảm, sự không hài lòng, sự tuyệt vọng và stress). Các tác giả tiếp cận với thuật ngữ chán nản bằng cách tập trung vào các phương pháp làm giảm thiểu sự chán nản. Trong “đám rối cảm xúc” (affect circumplex), “chán nản” nằm ở các điểm mút tiêu cực của các chiều cạnh trực giao giữa sự dễ chịu, vui vẻ và sự hoạt hóa, đi cùng với sự nhàm chán, mệt mỏi, uể oải và thẫn thờ. Đã có nhiều mô hình khác nhau về sự chán nản có ảnh hưởng lớn tới sự hình thành khái niệm: mô hình tâm lý, mô hình tâm sinh lý và mô hình động lực.

Các mô hình lý thuyết về chán nản:

Mặc dầu đã có hơn một thế kỷ nghiên cứu, nhưng cho tới nay vẫn chưa có một mô hình thống nhất nào về sự chán nản trong công việc. Bốn mô hình được đề cập dưới đây được xem như những mẫu ví dụ về các tiếp cận căn bản giúp hiểu khái niệm này: mô hình tâm động thái (psychodynamic model), mô hình chuẩn văn hóa (cultural normative model), mô hình tâm sinh lý và mô hình nhận thức – cảm xúc.

Mô hình tâm động thái: tiếp cận tâm động thái của Sigmund Freud về các động lực tâm lý vô thức được áp dụng để lý giải sự chán nản trong công việc. Theo đó, chán nản được cho là phản ánh sự bất lực trong việc nhận diện và quy gán ý nghĩa cảm xúc cho hoạt động của một cá nhân nào đó. Như vậy, người lao động né tránh hoặc chối bỏ việc tìm kiếm ý nghĩa cho công việc mà họ đang làm, bởi họ mong đợi rằng công việc cá nhân không có ý nghĩa hoặc không được thiết kế để quy gán ý nghĩa cá nhân. Một công việc hay một hoạt động vô nghĩa được trải nghiệm như một sự chán nản, có thể bị che giấu thông qua sự dồn nén, chối bỏ và các cơ chế phòng vệ, dẫn đến sự căng thẳng (giữa cái mà cá nhân muốn và cái mà cá nhân có được từ công việc) được thể hiện thông qua những phàn nàn về tâm thể, bệnh lý hoặc những phàn nàn tương tự.

Mô hình chuẩn văn hóa: mô hình này giả định rằng quá trình xã hội hóa ban đầu khiến người lao động phụ thuộc hoàn toàn vào người có uy quyền trong việc quy gán ý nghĩa cho công việc của họ. Các quy chuẩn tại nơi làm việc được phát triển và khiến người lao động chấp nhận mà không nghi ngờ về sự chán nản trong công việc. Theo đó, sự chán nản bị phủ nhận và bị xóa bỏ ở nơi làm việc. Người lao động không được tự do chia sẻ hoặc tranh luận về những nhận thức hay cảm xúc của họ bởi những áp lực mang tính quy chuẩn này. Thay vào đó, họ sẽ bị chuyển tới làm những công việc nhàm chán và vô nghĩa.

Mô hình tâm sinh lý: mô hình tâm sinh lý về sự chán nản trong công việc cho thấy rằng hệ thần kinh của con người là một công cụ dò tìm linh hoạt, hơn là một nơi tiếp nhận thụ động, sự kích thích của môi trường. Chán nản được gây ra bởi tác hại của sự kích thích giác quan tẻ nhạt, đơn điệu hoặc lặp đi lặp lại. Nhìn chung, mô hình tâm sinh lý cho thấy nếu các cá nhân không thể bù đắp cho kích thích không thích ứng từ một công việc nào đó bằng cách gia tăng sự nỗ lực của bản thân, thì sự chán nản sẽ xảy ra.

Mô hình nhận thức – cảm xúc: mô hình này được Hill và Perkins đề xuất năm 1985 khi thừa nhận rằng chán nàn là một hiện tượng tâm lý (đối lập với quan điểm tâm sinh lý). Nếu kích thích giác quan từ công việc không đủ để có được các nhu cầu hoặc mong đợi của người lao động và người lao động không có khả năng bổ sung thêm công việc thông qua các kích thích bổ trợ hoặc thay thế, sự hụt hẫng (cảm xúc tiêu cực) sẽ xảy ra, dẫn đến một trải nghiệm bao trùm về chán nản.

Đo lường sự chán nản:

Những đánh giá ban đầu về chán nản tại nơi làm việc thường chủ yếu dựa vào quan sát, các bản tự báo phi cấu trúc hoặc sự suy luận về chán nản dựa trên các mẫu trả lời các câu hỏi có liên quan trong những bản khảo sát có cấu trúc. Có một số thang đo được sử dụng để đo lường sự chán nản như: thang đo về sự chán nản trong công việc của Lee (1986) (Job Boredom Scale) gồm 17 tiểu mục liên quan đến sự hài lòng, sự hứng thú, sự liên hệ với công việc. Các thang đo phổ biến được kể đến gồm: Thang đo trạng thái chán nản của Farmer và Sundberg (Boredom Proneness Scale, 1986), thang đo tìm kiếm cảm giác của Zuckerman, Eysenck và Eysenck (Sensation Seeking Scale, 1978).

Các nguyên nhân được giả định là gây ra sự chán nản bao gồm: nhiệm vụ được giao, môi trường làm việc và cá nhân người lao động.

Tài liệu tham khảo

Vũ Dũng (chủ biên), Từ điển Tâm lý học, NXB Từ điển bách khoa, Hà Nội 2008.

Eastwood, J.D., Frischen, A., Fenske, M.J. & Smilek, D. The unengaged mind defining boredom in terms of attention. Perspect. Psychol. Sci. 7, 2012, pp. 482-495.

Spielberger, C. Encyclopedia of Applied Psychology, Vol. 1, Ed. Elsevier Academic Press, 2004, pp. 289-294.