Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cách mạng xã hội chủ nghĩa
Lenin diễn thuyết kêu gọi nhân dân lao động đứng lên làm cách mạng, tháng 5 năm 1917

Cách mạng xã hội chủ nghĩa (hay Cách mạng vô sản) là cuộc cách mạng xã hội sâu sắc và triệt để, đánh dấu bước chuyển từ hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa sang hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là xã hội xã hội chủ nghĩa.

Cách mạng xã hội chủ nghĩa là bước nhảy vọt trong quá trình phát triển của xã hội loài người, bao gồm một loạt những cải biến cách mạng có tính chất quyết định trong cơ cấu chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Nhiệm vụ cơ bản đầu tiên của Cách mạng xã hội chủ nghĩa là giành chính quyền, phá bỏ bộ máy chuyên chính tư sản, xác lập bộ máy chính quyền của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, xây dựng chế độ mới có nền kinh tế phát triển trên cơ sở chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu, loại bỏ mọi đối kháng giai cấp, xóa bỏ mọi áp bức và bóc lột, phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa, công bằng xã hội và xây dựng nền văn hóa mới. Cách mạng xã hội chủ nghĩa gồm nhiều giai đoạn khác nhau trong sự phát triển của chế độ xã hội và kinh tế mới. Những mâu thuẫn toàn diện và gay gắt trong lòng chế độ tư bản chủ nghĩa là tiền đề khách quan của Cách mạng xã hội chủ nghĩa. Sự liên minh chính trị của giai cấp công nhân với các giai cấp và tầng lớp nhân dân lao động là lực lượng cơ bản để giành thắng lợi. Trong quá trình tiến hành Cách mạng xã hội chủ nghĩa nhân tố chủ quan (sự lãnh đạo của chính đảng tiên phong của giai cấp công nhân) giữ vai trò chủ yếu, quyết định. Tùy theo điều kiện lịch sử cụ thể, nhất là thái độ chính trị của giai cấp thống trị, Cách mạng xã hội chủ nghĩa có thể diễn ra bằng phương thức hòa bình hoặc bạo lực. Điều cơ bản là phải dựa vào đông đảo quần chúng dưới sự lãnh đạo của chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân, có ý chí tiến công và sẵn sàng sử dụng các phương thức thích hợp để giành lấy chính quyền.

Cách mạng xã hội chủ nghĩa là một quá trình có tính chất thế giới nảy sinh từ những mâu thuẫn của chủ nghĩa đế quốc. Do sự phát triển không đều của chủ nghĩa tư bản nên Cách mạng xã hội chủ nghĩa có thể nổ ra và thắng lợi không cùng một lúc ở các nước khác nhau, thậm chí ở trong một nước riêng biệt. Cách mạng xã hội chủ nghĩa mang tính chất phức tạp, lâu dài với những phong trào cách mạng đa dạng về nội dung và hình thức. Một số phong trào tự nó không phải là Cách mạng xã hội chủ nghĩa nhưng đã góp phần phá hủy nền tảng của chủ nghĩa đế quốc, hòa vào quỹ đạo chung của quá trình cách mạng thế giới một cách khách quan. Ở các nước chậm phát triển, các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, nhiệm vụ chính trị trước mắt của Cách mạng xã hội chủ nghĩa là lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và phong kiến, thực hiện các nhiệm vụ của cách mạng dân chủ tư sản. Cách mạng tháng Mười Nga (năm 1917) là cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên trong lịch sử, mở ra thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

Sau Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga, đặc biệt là sau Chiến tranh thế giới lần thứ Hai ở một số nước châu Âu, châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin, giai cấp công nhân đã trưởng thành về chính trị có thể lãnh đạo quần chúng thực hiện nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân chủ tư sản, thành lập nhà nước cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân, chuyển lên Cách mạng xã hội chủ nghĩa, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa như Cách mạng Việt Nam, Cách mạng Cuba...

Tiến trình Cách mạng xã hội chủ nghĩa là một quá trình lịch sử lâu dài, khó khăn và gian khổ, thậm chí có lúc tạm thời thất bại. Điều cơ bản là sau khi giành được chính quyền, đảng tiên phong của giai cấp công nhân phải kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa, nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của Chủ nghĩa Mác - Lênin, không ngừng bổ sung, phát triển cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mỗi nước và tình hình biến đổi của thời đại, khắc phục sự giáo điều, trì trệ, chủ quan, duy ý chí; đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, hữu khuynh dưới mọi màu sắc, giữ vững quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân và luôn gắn bó với nhân dân, với dân tộc để thực hiện triệt để và sáng tạo, cuộc cải biến cách mạng toàn diện nhằm xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa.

Ngày nay, cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc đang diễn ra gay go, phức tạp, chủ nghĩa xã hội đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co, song loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội theo quy luật khách quan của lịch sử.

Ở Việt Nam, từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn dân Việt Nam đoàn kết trong một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, mở đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là một quá trình cải biến xã hội lâu dài, sâu sắc, toàn diện và triệt để. Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một chế độ xã hội mà mục tiêu phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh; do nhân dân lao động làm chủ; có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng nhau và giúp đỡ lẫn phát triển; có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Từ điển chủ nghĩa xã hội khoa học, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1986, tr. 30.
  2. Tìm hiểu một số thuật ngữ, khái niệm trong các môn Lý luận Mác – Lênin, Nxb Tư tưởng văn hóa, Hà Nội, 1992, tr. 19.
  3. Cung Kim Tiến, Từ điển triết học, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2002, tr. 140.
  4. Từ điển Bách khoa thế giới, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2003, tr. 95.
  5. Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  6. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển Bách khoa Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa; H, 2007.
  7. Giáo trình “chủ nghĩa xã hội khoa học, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015.
  8. Báo Nhân Dân Ngày 16.5.2021, Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: Một số vấn đề về lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
  9. Từ điển triết học, Nxb Tiến Bộ Matxcơva, 1986, tr. 65.