Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bỏ học

Bỏ học là hành vi không tham gia học tập ở bất cứ loại hình trường học nào của trẻ em trong độ tuổi đi học; Hành vi tự ý rời khỏi trường học của người học (học sinh, sinh viên) có trong danh sách nhà trường quản lý, với số buổi nhất định, tính đến thời điểm báo cáo và không còn chịu sự quản lý của nhà trường.

Trong khoa học và trên thực tế, khái niệm bỏ học chưa được xác định rõ ràng, còn tính mơ hồ, bao hàm nhiều tiêu chí/biểu hiện khác nhau.

Các nhân tố ảnh hưởng đến bỏ học[sửa]

Có nhiều nhân tố tác động dẫn đến hành vi bỏ học, đặc biệt, trong hoàn cảnh có nhiều nhân tố kết hợp tác động, hành vi bỏ học càng dễ xảy ra.

Các nhân tố từ chủ thể, bỏ học: có nhiều đặc điểm từ chính bản thân chủ thể tác động đến việc bỏ học như: có vấn đề về học tập, học không được; có vấn đề về sức khỏe, bệnh tật; có vấn đề về tâm lý đối với hoạt động học tập (không xác định được động cơ, mục tiêu học tập, không có hứng thú với học tập, có những yếu tố bên ngoài nhà trường, ngoài hoạt động học tập hấp dẫn, lôi cuốn hơn...).

Các nhân tố từ gia đình của người bỏ học: gia đình có khó khăn về kinh tế, cha mẹ có vấn đề về sức khỏe, không có tiền đóng học phí; người đang đi học phải bỏ học để lao động nhằm có tiền chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu của gia đình; phụ huynh không nhận thức được trách nhiệm phải chăm lo cho con học tập, không nhận thức được tầm quan trọng của học tập, không động viên, khuyến khích, hỗ trợ con học tập; gia đình không hạnh phúc, đặc biệt, trong trường hợp cha mẹ li hôn, trẻ em dễ buồn chán, tự tin với bạn bè, không muốn đi học.

Các nhân tố từ nhà trường và xã hội: chi phí cho học tập lớn, người học không đủ tiền chi trả; nhà trường, giáo viên chưa thực sự quan tâm đến người học, chưa hỗ trợ phù hợp, kịp thời, hoặc có những hình thức kỷ luật chưa phù hợp; chương trình học nặng, khó...

Các nhân tố địa lý: nhà quá xa trường học, đường đến trường quá khó khăn.

Hậu quả của bỏ học[sửa]

Hành vi bỏ học kéo theo nhiều hệ lụy cả trước mắt và lâu dài: Hành vi không tham gia học tập ở bất cứ loại hình trường lớp nào của trẻ trong độ tuổi học sinh phổ thông dẫn đến hạn chế lớn về năng lực nhận thức, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến nghề nghiệp, sự thành công trong cuộc sống và sự hòa nhập cuộc sống xã hội nói chung của họ.

Đối với học sinh bỏ học giữa chừng, khi mới bỏ học, các em thường có tâm trạng buồn chán, bất bình thường, dễ bị kích động, bị lôi kéo vào thực hiện những hành vi không phù hợp với chuẩn mực xã hội (bỏ nhà, tham gia nhóm bạn không chính thức, tiêu cực; thực hiện những hành vi lệch chuẩn/hành vi vi phạm pháp luật (trộm cắp, nghiện hút, chơi cờ bạc...). Về lâu dài, bỏ học có ảnh hưởng đến các em tương tự như học sinh thuộc diện trên.

Đối với sinh viên, bỏ học làm gián đoạn hoạt động học tập, ảnh hưởng đến việc đạt được mục tiêu đã được đặt ra, ảnh hưởng nhất định đến dự định nghề nghiệp của họ.

Đối với gia đình người bỏ học, nhìn chung, phần lớn các gia đình có nguồn lực lao động bị hạn chế về trình độ. Những gia đình có con là sinh viên bỏ học khó tránh khỏi bị thiệt hại về kinh tế.

Đối với nhà trường, hành vi bỏ học của học sinh đã từng được nhà trường quản lý có ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch đào tạo và kế hoạch tài chính của họ.

Đối với xã hội, hành vi bỏ học là một trong những nhân tố dẫn đến trình độ dân trí thấp, ảnh hưởng nhất định chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.

Các biện pháp khắc phục[sửa]

Nâng cao nhận thức của toàn dân về tầm quan trọng của trình độ học vấn trong đời sống của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.

Giáo viên chủ nhiệm phối hợp với các đơn vị chức năng, các đoàn thể trong nhà trường quan tâm, sớm phát hiện học sinh, sinh viên có nguy cơ bỏ học, tìm hiểu nguyên nhân và có những biện pháp giúp đỡ phù hợp, hiệu quả.

Phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, giảm học sinh bỏ học.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
  2. Raymond J. Corsini, Braun, The Dictionary of Psychology; - Brumfield, ML, 1999.
  3. Alan E. Kazdin (Editor in chief), Encyclopedia of Psychology, American Psychological Association, Oxford University Press, Volume 8, 2000.
  4. Bonnie, R. Strickland, The GallEncyclopedia of Psychology, Executive editor, Gale group, 2001.