Mục từ này cần được bình duyệt
Bảo tàng tỉnh Thái Bình
Phiên bản vào lúc 15:22, ngày 9 tháng 1 năm 2023 của Deepmind2 (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “<indicator name="mới">File:UnderCon icon.svg|40px|link={{TALKPAGENAME}}#Bình duyệt|alt=Mục từ này cần được bình duyệt|Mục từ này…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

Bảo tàng tỉnh Thái Bình là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình, thành lập theo Quyết định số 116/QĐ-UBND, ngày 01-04-1986 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, được công nhận Bảo tàng hạng II tại Quyết định số 2795/QĐ-CT, ngày 07-12-2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình. Bảo tàng có chức năng: Nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người và môi trường sống của con người trên địa bàn tỉnh Thái Bình nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân trong tỉnh Thái Bình và khách tham quan du lịch. Thực hiện những hoạt động nghiệp vụ trên các lĩnh vực bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Bảo tàng tỉnh Thái Bình tọa lạc trên diện tích gần 14.000m2, đường Phan Đình Phùng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Công trình kiến trúc nhà Bảo tàng tỉnh Thái Bình hoàn thành năm 2002; với tổng diện tích mặt sàn gần 3.000 m2, gồm 3 tầng; diện tích xây dựng gần 1.500 m2; diện tích sử dụng trưng bày trên 3.000 m2.

Đầu năm 2003, Bảo tàng tỉnh Thái Bình khánh thành và bắt đầu phục vụ nhân dân. Hiện nay Bảo tàng tỉnh Thái Bình đang lưu giữ trên 30.000 tài liệu hiện vật và hình ảnh; gồm phần trưng bày trong nhà, trưng bày ngoài trời và lưu tại kho bảo quản.

Phần trưng bày tại tầng 2 nhà Bảo tàng gồm các chủ đề: Lịch sử tự nhiên - sự hình thành đất đai và dân cư; Đời sống văn hóa của con người tỉnh Thái Bình; những mốc son tiêu biểu trong lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ quê hương của con người tỉnh Thái Bình. Ngoài ra còn có các phòng trưng bày chuyên để phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong những ngày lễ trọng đại của đất nước.

Phần trưng bày ngoài trời gồm các loại hiện vật thể khối lớn gắn với những sự kiện và nhân vật lịch sử tiêu biểu của tỉnh Thái Bình trong các cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc. Như máy bay Mig 21 do Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân đã từng lái bắn rơi máy bay B52 Mỹ; xe tăng 843 do Bùi Quang Thận chỉ huy và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Phần trưng bày ngoài trời còn có vườn cây lưu niệm và tượng danh nhân tiêu biểu của tỉnh Thái Bình; khu trưng bày kiến trúc nhà ở của các tầng lớp xã hội ở Thái Bình trước năm 1945. Theo thống kê đến cuối 2018, tỉnh Thái Bình có 2969 thiết chế văn hóa, tín ngưỡng được kiểm kê (chưa kể hơn 700 cơ sở thờ tự Thiên chúa giáo); trong đó 681 di tích và khu di tích đã được xếp hạng các cấp, gồm 2 di tích quốc gia đặc biệt, 115 di tích cấp quốc gia và 564 di tích và khu di tích cấp tỉnh.

 Ngày 19-5-2009, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ra Quyết định số 1065/QĐ-UBND kiện toàn bộ máy tổ chức, tách chức năng quản lý di tích ra khỏi Bảo tàng tỉnh Thái Bình; ngày 20-11-2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ra Quyết định số 3016/QĐ-UBND sáp nhập Ban quản lý Di tích vào Bảo tàng tỉnh Thái Bình. 

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Vũ Đức Thơm (Chủ biên), Đỗ Quốc Tuấn - Vũ Thị Hợi, Bảo tàng tỉnh Thái Bình, Thái Bình, 2010.
  2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình, Quyết định số 286/QĐ-SVHTTDL ngày 12 tháng 10 năm 2020 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bảo tàng tỉnh thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình, Thái Bình, 2020.
  3. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình, Từ điển Thái Bình (Tái bản có bổ sung), Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2020.
  4. Bảo tàng tỉnh thái Bình. Báo cáo tổng kết công tác năm 2020 và phương hướng nhiệmvụ năm 2021, Thái Bình, 2020.