Mục từ này cần được bình duyệt
Ak
Phiên bản vào lúc 16:54, ngày 9 tháng 12 năm 2020 của Minhpc (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{mới}} (họ súng tiểu liên tự động do LX thiết kế, chế tạo) AK do M.T. Kalashnikov (LX) sáng chế (1943), Liên Xô sản xuất 19…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

(họ súng tiểu liên tự động do LX thiết kế, chế tạo) AK do M.T. Kalashnikov (LX) sáng chế (1943), Liên Xô sản xuất 1947, đưa vào trang bị 1949. Từ mẫu đầu tiên AK-47 phát triển thành AKM và AKMS (1959), có tính năng chiến đấu - kĩ thuật tương đối hoàn chỉnh, có thể bắn được đạn chống tăng AT.

Năm 1969, trên cơ sở AKM-47, Y. Aleksandrov đã thiết kế, chế tạo súng AL-7 với mục đích tận dụng những ưu điểm nổi trội của đạn mới 5,45x39 mm, là để giảm lực giật, tăng độ chính xác bắn và khả năng sát thương của viên đạn. Năm 1974, AKM được nâng cấp thành AK-74, AK-74 có ống phóng lựu 6G-15 và các biến thể AK-74M, AK-74Y đều bắn đạn 5,45x39 mm. Những năm 90 tk 20, trên cơ sở AK-74M, họ AK-100 được chế tạo (AK-101, AK-102, AK-103, AK-104, AK-105) có buồng đạn thích hợp với các loại đạn của khối NATO: 7,62x39 mm, 5,45x39 mm và 5,45x45 mm. AK gồm các bộ phận chính: nòng súng, bộ phận giảm giật, nắp hộp khóa nòng, bệ khóa nòng và pittông, khóa nòng, cơ cấu giảm giật, ống dẫn thoi và ốp tay trên, ốp tay dưới, hộp tiếp đạn, lưỡi lê. AK hoạt động theo nguyên lí trích khí thuốc phóng qua lỗ trích khí ở thành nòng, có thể bắn phát một hoặc liên thanh.

Phát triển mới nhất của AK là AK-107 bắn đạn 5,45x39 mm và AK-108 bắn đạn 5,56x45 mm. So với những loại AK trước đó, AK-107 và AK-108 có hệ thống giảm giật bằng khí, được thực hiện nhờ ray nối của bệ khóa nòng và bánh xe 6 răng. Bánh răng này ăn khớp vào lần đẩy thứ hai của ray nối bệ khóa nòng. Bệ khóa nòng và thanh nối đều có pittông khí, hướng theo hai phía đối nhau. Ống trích khí hình vuông lớn hơn, ôm gọn thanh dẫn bệ khóa nòng, nằm bên trên nòng và mở ra cả hai đầu. Khi bắn, khí thuốc được dẫn từ cửa trích khí của nòng, đi vào ống trích khí để đẩy bệ khóa nòng chạy về phía sau và đẩy ray chống giật về phía trước. Hai lực này có hướng ngược nhau, làm triệt tiêu (giảm) lực giật. Ngay khi bệ khóa nòng và ray dưới đạt điểm dừng thì các lò xo tương ứng kéo chúng chuyển động theo hướng ngược lại, bánh răng cũng đổi hướng quay và đối lực lại xuất hiện. Hành trình của các bộ phận chuyển động qua lại ngắn hơn hành trình của các loại AK trước đó. Vì vậy tốc độ bắn AK-107 và AK-108 đạt tới 800-900 phát/phút (các loại trước chỉ có 600 phát/phút). Ngoài chế độ bắn bán tự động và tự động, AK-107 và AK-108 còn có chế độ bắn loạt 3 viên nhờ có cơ cấu bánh cóc và cam, trong đó cam là thành phần của bệ khóa nòng, bánh cóc thuộc cơ cấu phát hỏa. AK-107 và AK-108 có những ưu điểm nổi trội: tốc độ bắn cao, bảo đảm độ tin cậy và ổn định, độ chính xác tăng 5 lần so với các loại AK trước đó. AK được sản xuất ở Trung Quốc từ 1956 (gọi là tiểu liên K56) và nhiều nước khác. Đưa vào Việt Nam từ những năm 60 thế kỷ 20 và là tiểu liên cơ bản của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Được sử dụng có hiệu quả trong Kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Các bộ phận chính của súng AK

Một số loại súng AK

1. AK-47; 2. AK Rumani; 3. AKM báng gấp; 4. AKMS; 5. AKM có phóng lựu

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1- Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, H.2004.

2- Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Kinh tế, Lịch sử quân giới Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, H.1995.

3- Bộ Quốc phòng Liên Xô, Bách khoa toàn thư quân sự, Nxb Maxcơva, 1989.

4- Kiều Khắc Tuân, Nga cải tiến tiểu liên AK mới nhất, tạp chí Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, số tháng 1 năm 2001.