Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Actiso

Actiso (tên khoa học cynara scolymus L) họ cúc – Asteraceae. Cây Actiso xuất xứ ở vùng Địa Trung Hải, được di thực trồng ở Việt Nam đã trên 100 năm ở vùng khí hậu mát: Đà Lạt, Sapa.

Tập tin:Actiso - Cynara scolymus L.jpg
Actiso - Cynara scolymus L.

Mô tả[sửa]

Từ thế kỷ 17, Actiso đã được biết như “thần dược” mát gan, giải độc gan. Hiện nay, Actiso được xem là một trong những dược liệu quý điều trị nhiều bệnh. Cây thảo cao 1-1,2m, thân cây có lông mềm và có khứa dọc, lá to, dài mọc so le, phía lá ở gốc chia thùy lông chim hai lần, các lá ngọn gần như nguyên, mặt trên màu lục, mặt dưới có lông trắng, cuống lá to và ngắn. Cụm hoa hình đầu ở ngọn các nhánh của thân, gồm nhiều hoa hình ống màu lam tím đính trên một đế hoa nạc đường kính 6 – 15cm, được bao bởi nhiều lá bắc mọc ở gốc, có chóp nhọn. Quả bế nhẵn với các tơ trắng dài hơn quả và dính nhau ở gốc, thành vòng dễ tách ra khi quả chín. Hạt không có nội nhũ. Ra hoa từ tháng 12 đến tháng 2.

Phân bố[sửa]

Atisô có nguồn gốc quanh vùng Địa Trung Hải (vùng phía bắc Châu Phi và phía Nam châu Âu. Ở Châu Âu, Atisô được canh tác đầu tiên tại thành phố Naples của nước Ý vào giữa thế kỷ 15. Nó được Catherine de Medici mang về trông tại nước Pháp vào thế kỳ 16, sau đó người Hà Lan đã mang Atisô điến nước Anh. Thế kỳ thứ 19, người Pháp di cư sang Mỹ và mang theo Atisô định cư tại lãnh thổ Louisiana vào năm 1806, trong khi người Tây Ban Nha mang Atisô đến California (vùng Monterey).

Ngày nay, Atisô được trồng chủ yếu ở Pháp, Ý, và Tây Ban Nha và các nước Châu Mỹ Latin.

Atisô được du nhập vào Việt Nam đầu thế kỷ 20 bởi người Pháp, được trồng ở những nơi có khí hậu cận nhiệt đới, như Sa Pa, Tam Đảo, và Đà Lạt. Có thể trồng được ở đồng bằng.

Bộ phận dùng[sửa]

Toàn cây (lá, thân, rễ, cụm hoa) Thu hái cụm hoa chưa nỡ làm rau ăn. Lá cây thu hái lúc cây sắp ra hoa hay sau khi đã lấy cụm hoa.

Lá tươi và khô, dùng dưới hình thức thuốc sắc (5 – 10 %) hoặc 2 – 10g lá khô/ngày.

Có khi chế thành cao mềm hay khô để chế thuốc viên.

Có khi chế thành cao lỏng đặc biệt dùng dưới hình thức giọt, ngày uống 3 lần, mỗi lần 10 – 40 giọt.

Ngoài ra thân và rễ actiso thái mỏng phơi khô có tác dụng tương tự lá. Tại miền Nam ở các chợ người ta bán cả thân và rễ actiso thái mỏng phơi khô với công dụng như lá. Cây actiso còn non có thể dùng luộc chín, hay nấu canh ăn, những bộ phận thường được dùng làm rau như cụm hoa. Người ta mang về chẻ nhỏ dọc thành 6-8 miếng đem hầm với xương, thịt để ăn.

Thành phần hoá học[sửa]

Trong lá có chứa cynarin (acid 1,3-dicafeyl quinic) và các sản phẩm thủy phân (acid cafeic, acid clorogenic, acid neo clorogenic, các acid khác như acid malic, acid lactic, acid fumaric, acid succinic,….), các flavonoid như: cynarosid(luteolin-7-D-glucopyranosid), scolymosid (luteolin-7-rutinosid), cynarotriosid(luteolin-7-rutinosid-3’-glucosid). Ngoài ra còn có các enzyme, chất vô cơ,….. Hàm lượng hoạt chất cao nhất trong lá lúc cây sắp ra hoa Cụm hoa chưa protid, lipid, đường (11-15%) (chủ yếu là inulin), các chất khoàng như mangan, photpho, sắt, vitamin.

Rễ có nhiều inulin và chất nhày

Tác dụng[sửa]

Theo y học cổ truyền: Lá Actiso có tác dụng lợi mật, chỉ thống, điều trị tiêu hóa kém, viêm gan, viêm túi mật, sỏi mật

Theo y học hiện đại: Lá Actiso có tác dụng lợi mật do cynarin, làm giảm cholesterol máu, bảo vệ gan, làm tăng bài tiết niệu

Sử dụng: Cụm hoa được dùng trong chế độ ăn kiêng của bệnh nhân đái tháo đường vì nó chưa lượng nhỏ tinh bột, phần carbonhydrat gồm phần lớn là inulin.

Lá có vị đắng có tác dụng lợi tiểu, dùng chữa bệnh gan mật, giảm cholesterol trong máu, điều trị bệnh phù và thấp khớp.

Thân rễ Actiso thái mỏng, phơi khô công dụng như lá.

Ngoài dùng đế hoa và lá bắc để ăn, Actiso dùng làm thuốc thông tiểu tiện, thông mật, chữa các bệnh yếu gan thận, viêm thận cấp tính và kinh niên, sưng khớp xương.

Nhuận và tẩy máu nhẹ đối với trẻ em

Chế phẩm[sửa]

Có thể dùng Actiso tươi hay khô, hãm sắc với nước uống hay nấu thành cao lỏng, cao mềm hoặc cồn thuốc. Hiện nay trên thị trường có nhiều chế phẩm, cao Actiso, trà Actiso, viên cynaraphyton, thuốc ngọt cynaraphytol, thuốc nước đóng ống Actisamin,…. Hoặc phối hợp cao khô rau đắng đất, cao khô Actiso với cao khô bìm bìm trong viên Boganic.

Tác dụng phụ[sửa]

Atisô được dung nạp tốt và ít tác dụng phụ ở mức liều đề nghị. Atisô được sử dụng như là rau ăn ở nhiều đất nước qua hàng ngàn năm và được cho là an toàn. Tuy nhiên, các nghiên cứu ở quy mô lớn cho thấy có 1 số tác dụng phụ nhẹ như là đầy hơi thoáng qua.

Đã có trường hợp báo cáo về phản ứng eczecma (chàm, mẩn đỏ) khi tiếp xúc nghề nghiệp và tiếp xúc qua gia với dược liệu tươi hoặc phơi khô. Do đó cần phải thận trọng các phản ứng dị ứng, ngay cả khi không dùng ngoài.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Y tế: Dược điển Việt Nam V, NXB y học, tr 1063
  2. Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc VIệt Nam. NXB y học, 2012, tr.45
  3. Đỗ Huy Bách và cs. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. NXB Khoa học và kỹ thật, tập I, 2014, tr.79
  4. Từ điển bách khoa dược học, NXB Từ điển bách khoa, 1999, tr.15
  5. Andrew chevallier: Dược thảo toàn thư, bản dịch tiếng Việt. NXB tổng hợp tp. Hồ Chí Minh, 2006, tr.275