Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Địa đạo Vịnh Mốc
Giao thông hào ở địa đạo Vịnh Mốc
Sơ đồ cấu trúc làng địa đạo Vịnh Mốc
Du khách ở địa đạo Vịnh Mốc
Căn hộ Gia đình

Địa đạo Vịnh Mốc là địa đạo ở thôn Vịnh Mốc và thôn Sơn Hạ, xã Vĩnh Thạch (nay là xã Kim Thạch), huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Từ năm 1956, khi chính quyền Sài Gòn từ chối hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Tổng tư lệnh, quân và dân Vĩnh Linh tiến hành xây dựng hệ thống công sự bằng xi măng cốt thép, đào hầm hào tại những điểm cao và địa bàn trọng yếu có ý nghĩa về mặt quân sự. Khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại, với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “một tấc không đi, một li không rời”, quân và dân Vĩnh Linh quyết tâm vượt mọi khó khăn, chịu đựng hi sinh, kiên cường bám trụ, giữ vững vị trí tiền tiêu, làm chỗ dựa, hậu phương trực tiếp cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Để đối phó với sự đánh phá vô cùng tàn bạo và ác liệt, quân và dân Vĩnh Linh phát động phong trào đào các địa đạo.

Địa đạo được khởi công đào từ tháng 4.1966 và cơ bản hoàn thành vào tháng 12.1967. Tiền đề hệ thống ĐĐVM gồm 3 địa đạo chính: Địa đạo của Đồn Biên phòng 140 (Đồn Biên phòng Cửa Tùng), địa đạo của quân dân Vịnh Mốc và địa đạo của quân dân Sơn Hạ. Do yêu cầu phối hợp chiến đấu và phục vụ chiến đấu nên 3 địa đạo này được nối thông với nhau thành một hệ thống liên hoàn khép kín với quy mô lớn. Trong thời gian gần 2 năm, với 18 ngàn ngày công, khoảng 6.000 m3 đất đá đã được vận chuyển ra bên ngoài tạo thành một hệ thống địa đạo liên hoàn có tổng chiều dài đường hầm là 1.060,25 m với tổng diện tích khoảng 1 km2. Đây là một trong những địa đạo có cấu trúc, quy mô lớn về chiều dài lẫn độ sâu, cách mặt đất từ 10 - 23 m; chiều cao đường hầm từ 1,7 - 1,8 m, rộng từ 0,9 - 1,1 m. Từ trục chính toả ra nhiều nhánh, mỗi nhánh thông với một cửa ra vào. Địa đạo có tất cả 13 cửa ra vào, 7 cửa hướng ra phía biển và 6 cửa thông lên đồi. Hai bên trục đường hầm, cứ cách 3 - 5 m có những ô được đào sâu vào trong vách để tạo ra nơi ở và sinh hoạt cho các gia đình.

Về cấu trúc, địa đạo gồm 3 tầng nằm sâu dưới lòng đất: tầng 1 là nơi sinh sống của nhân dân, có độ sâu cách mặt đất từ 8 - 10 m, chiều dài 421,82 m, rộng 0,9 - 1,1 m, cao 1,6 - 1,75 m, đường hầm có dạng hình vòm; tầng 2 là nơi đóng trụ sở của Đảng uỷ, Ủy ban và Ban Chỉ huy lực lượng vũ trang (Đồn 140), có độ sâu cách mặt đất từ 12 - 15 m, chiều dài 508,08 m; tầng 3 chủ yếu là nơi cất giấu hàng hoá, vũ khí phục vụ cho chiến đấu, chi viện cho đảo Cồn Cỏ và chiến trường miền Nam, có độ sâu cách mặt đất 21 - 22,5 m, chiều dài 130,35 m, có 2 hệ thống cửa thông ra biển. Mặt bằng đường hầm được đào nghiêng từ 2o - 3o để dễ dàng thoát nước. Trung tâm địa đạo có Hội trường với sức chứa khoảng 50 - 60 người, được coi là ngôi nhà chung của “Làng”, dùng cho hội họp, biểu diễn văn nghệ,… Ngoài ra, địa đạo còn có đầy đủ những công trình thiết yếu để ổn định cuộc sống dưới lòng đất trong một thời gian dài như bếp, giếng nước, nhà hộ sinh, trạm cấp cứu, phẫu thuật, nhà trẻ, nhà vệ sinh,… Tất cả đều được bố trí, tạo dựng một cách hợp lý, khoa học. ĐĐVM là hình ảnh thu nhỏ của cộng đồng làng quê được xây dựng trong lòng đất, nơi trú ẩn an toàn cho nhân dân (lúc cao nhất có 1.200 người sống trong địa đạo), vừa là nơi bám trụ chiến đấu, là kho hậu cần phục vụ chiến đấu tại chỗ, chi viện cho đảo Cồn Cỏ và chiến trường miền Nam.

Về điều kiện tự nhiên, ĐĐVM được xây dựng trên một khu vực trong lòng quả đồi đất đỏ bazan rộng hơn 7 ha, có độ cao khá lớn so với mặt nước biển (trung bình 25 m), giáp biển nên dễ thoát nước, lòng đất khô ráo, không bị ẩm ướt, không khí làm cho đất sét trong địa đạo rắn chắc, chịu được sức ép lớn. Việc giáp biển cũng tạo thuận lợi tiếp vận cho đảo Cồn Cỏ mà địch khó phát hiện. Đặc biệt, ĐĐVM còn là nơi tổ chức hàng trăm chuyến thuyền nan cảm tử vượt biển để vận chuyển, cấp cứu thương binh và tiếp vận cho đảo Cồn Cỏ. ĐĐVM là công trình thể hiện trí tuệ, nghị lực phi thường, ý chí và lòng quyết tâm đánh giặc của quân dân Vịnh Mốc, Sơn Hạ và lực lượng Đồn Biên phòng 140. ĐĐVM không chỉ là nơi để con người ẩn nấp phòng tránh bom đạn, mà còn là nơi để nhân dân và các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn có thể vận dụng một cách linh hoạt các hình thức tác chiến để đánh trả các cuộc tấn công của kẻ thù, góp phần cùng với quân và dân cả nước hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước. Đây là công trình mang tính kiến trúc có tính nghệ thuật cao, một di sản lịch sử, văn hóa đặc thù, độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam, có ý nghĩa lớn trong giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng và khai thác du lịch.

Trong 4 năm (1965-1968), không quân Mỹ đã trút hơn 9.000 tấn bom xuống Vịnh Mốc, nhưng không hủy diệt được cuộc sống nơi đây. Trải qua sự đánh phá ác liệt của kẻ thù, sự khắc nghiệt của điều kiện sống, ĐĐVM thể hiện sức sống bền bỉ và sự kiên cường của nhân dân Vĩnh Linh, Quảng Trị nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung. Ngày 21.12.2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2408/QĐ-TTg công nhận “ĐĐVM và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh” là di tích quốc gia đặc biệt. Hiện nay, ĐĐVM trở thành điểm du lịch nổi tiếng cả trong và ngoài nước.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trung tâm bảo tồn di tích và danh thắng Quảng Trị, Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh – System of underground shelters for villages in Vinh Linh, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2008.
  2. Nguyễn Tiến Lực, Hệ thống hầm – hào – địa đạo ở Vĩnh Linh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 5 (409), 2010.
  3. Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Từ điển Lịch sử quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011.
  4. Nghị quyết số: 832/NQ-UBTVQH14, Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2019, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.
  5. Các website: