Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Đá magma

Đá magma (tg.A. Igneous Rock) là tổ hợp khoáng vật được hình thành trong quá trình kết tinh và đông nguội magma (xem mục từ MAGMA) bên dưới hoặc trên bề mặt vỏ Trái đất. Trong tiếng Latin Ignis có nghĩa là lửa. Đá Magma là một trong ba nhóm đá chính tạo nên vỏ Trái đất, hai nhóm còn lại là đá biến chất và đá trầm tích mà về bản chất hai loại đá này cũng có nguồn gốc nguyên thủy là đá magma.

Phân loại[sửa]

Đá magma được phân biệt thành hai loại là đá xâm nhập và đá phun trào dựa vào vị trí hình thành chúng với thành phần khoáng vật chủ yếu là khoáng vật tạo đá thuộc lớp silicat như feldspar, thạch anh, mica, amphibol, pyroxen, olivin,… Việc phân loại đá magma thường dựa vào: kiến trúc - độ hạt, thành phần khoáng vật, thành phần hóa học như silic (SiO2), kiềm (Na2O+K2O),… Cách phân loại thông dụng hiện nay là dựa vào hàm lượng SiO2, theo đó đá magma được phân ra làm 4 nhóm:

  • Đá axit (SiO2 > 65%), đá trung tính (SiO2 từ 52 đến 65%)
  • Đá mafic (SiO2 từ 45 đến 52%) và đá siêu mafic (SiO2 < 45%)
  • Đá giàu silic có tỷ trọng thấp và sáng màu
  • Đá nghèo sillic và giàu các khoáng vật chứa Fe và Mg thì có tỷ trọng cao hơn và sẫm màu.

Đá magma có các dạng biểu hiện khác nhau, phổ biến là thể nền, thể cán, thể tường, thể vỉa. Đối với đá phun trào do hoạt động núi lửa, dung nham chảy ra dưới dạng dòng chảy, lớp phủ, dạng vòm, dạng kim hoặc kiểu ống nổ. Trong tự nhiên, Đá magma có cấu tạo và kiến trúc khác nhau phụ thuộc vào các yếu tố bên trong như đặc điểm kết tinh của đá hay các yếu tố bên ngoài như ảnh hưởng của các quá trình kiến tạo hoặc chuyển động kiến tạo,... Thông thường Đá magma có các cấu tạo phổ biến như: đồng nhất, dị li, cầu, gneiss, bọt, lỗ hổng, hạnh nhân, dải, dòng chảy, định hướng,... Tùy thuộc vào đặc điểm kết tinh, Đá magma có các kiến trúc khác nhau như: toàn tinh, thủy tinh, tha hình,... hay kiến trúc hạt đều, không đều, ban trạng hay porphyr.

Tại Việt Nam[sửa]

Ở Việt Nam, Đá magma rất phổ biến và đa dạng, được thành tạo ở các giai đoạn khác nhau trong lịch sử hình thành và tiến hóa vỏ Trái đất lãnh thổ Việt Nam. Chúng phát triển cả trên lục địa và thềm lục địa Việt Nam, cụ thể:

  1. Nhóm đá xâm nhập và phun trào axit đại diện tương ứng là granit và ryolit được thấy phổ biến, trong đó, đá granit cổ nhất có tuổi 2300 triệu năm phân bố ở tỉnh Yên Bái, Lào Cai. Đá granit trẻ nhất có tuổi 22-24 triệu năm phân bố ở các tỉnh Tây Bắc, Bắc và Trung Trung Bộ
  2. Nhóm đá xâm nhập và phun trào trung tính đại diện tương ứng là diorit và andesit ít phổ biến hơn, chỉ gặp ở một số nơi như Điện Biên, Nha Trang, Bảo Lộc,…
  3. Nhóm đá xâm nhập và phun trào mafic đại diện tương ứng là gabbro và basalt, trong đó gabbro phân bố rất hạn chế, chỉ gặp ở tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên, Thanh Hóa,… với khối lớn nhất là khối Núi Chúa ở tỉnh Thái Nguyên (diện tích khoảng 55 km2). Đá phun trào basalt rất phổ biến, đặc biệt là basalt trẻ có tuổi khoảng 8,7-0,3 triệu năm, phân bố trên đất liền chủ yếu ở Tây Nguyên. Trên thềm lục địa Việt Nam, các lớp phủ basalt trẻ cũng được phát hiện ở đảo Phú Quý, Lý Sơn, Cồn Cỏ
  4. Nhóm đá xâm nhập siêu mafic, đại diện là dunit, peridotit, pyroxenit, lerzolit có diện phân bố rất hạn chế, chỉ gặp ở một số nơi như Cao Bằng, Sơn La, Thanh Hóa, Kon Tum, trong đó khối siêu mafic lớn nhất Việt Nam là khối Núi Nưa ở Thanh Hóa (diện tích khoảng 50 km2).

Đá magma có vai trò như thế nào trong nghiên cứu địa chất?[sửa]

Đá magma có vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu địa chất và trong đời sống con người vì:

  1. Nghiên cứu thành phần khoáng vật và hóa học của đá magma cho phép truy xuất nguồn gốc hình thành cũng như điều kiện nhiệt độ và áp suất thành tạo chúng
  2. Tuổi của đá magma cùng các yếu tố địa chất khác cho phép xác lập bối cảnh địa động lực hình thành chúng
  3. Đá magma được sử dụng làm vật liệu xây dựng, đá trang lát, đá mỹ nghệ; ngoài ra liên quan với các đá magma có rất nhiều mỏ khoáng sản quan trọng như thiếc, wolfram, đất hiếm - phóng xạ (U-Th), cromit, đồng - nikel - bạch kim,…

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Văn Chiển, Trịnh Ích, Phan Trường Thị, Thạch học, Nxb. Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1973.
  2. Winter J.D., An Introduction to Igneous and Metamorphic Petrology, Prentice-Hall Inc. Upper Saddle River, New Jersey 07458, Printed in the United States of America 10 987654321, ISBN 0-13-21*03142-0, 2001.