Trận Trân Châu Cảng là trận tập kích của không quân hải quân Nhật Bản vào căn cứ chính Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tại Trân Châu Cảng thuộc quần đảo Hawaii diễn ra ngày 7 tháng 12 năm 1941, mở đầu cuộc chiến tranh Nhật-Mỹ ở Thái Bình Dương trong Chiến tranh thế giới lần thứ Hai.
Đến đầu năm 1941, căng thẳng Mỹ-Nhật đạt đến đỉnh điểm. Nguyên nhân là do quân đội Nhật đánh chiếm hầu hết Trung Quốc, mở rộng chiến tranh sang Đông Dương nhằm khai thác nguồn nguyên, nhiên liệu phục vụ chiến tranh. Trước tình hình đó, đầu năm 1941, Mỹ quyết định ngừng xuất khẩu dầu, thép và một số nguyên liệu thiết yếu sang Nhật Bản, đồng thời phong tỏa toàn bộ tài sản của Nhật tại Mỹ. Nhật coi đó là hành động khiêu chiến nên lên kế hoạch tiến công Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, trọng tâm là căn cứ Trân Châu Cảng, nhằm hai mục đích: tiêu diệt lực lượng trọng yếu Hạm đội Thái Bình Dương, giành quyền khống chế trên biển, sau đó mở rộng chiến tranh xuống Đông Nam Á.
Trước khi bị quân Nhật tiến công, Trân Châu Cảng là căn cứ hải quân lớn trên đảo Oahu trong quần đảo Hawaii, cách Nhật Bản 3.358 hải lí (hơn 6.200 km). Với diện tích 22,7 km2, tổng chiều dài các cầu cảng 12 km. Tại đây, Mỹ bố trí 93 hạm tàu, trong đó có 9 tàu thiết giáp, 8 tàu tuần dương, 29 tàu khu trục, 5 tàu ngầm, 9 tàu rải mìn, 10 tàu quét mìn. Các sân bay trên đảo Oahu và các đảo lân cận có 390 máy bay; hệ thống phòng không có 188 pháo cao xạ, hơn 100 ụ súng cối và 5 trạm rada. Tổng số quân Mỹ trên đảo có khoảng 42.959 quân. Cảng được phòng thủ bằng hệ thống vật cản dưới nước, kết hợp với cảnh giới bằng tàu tuần tiễu ở phía nam và máy bay trinh sát thường xuyên trên không phận.
Chuẩn bị cho việc tiến công Trân Châu Cảng, từ đầu năm 1941, Nhật Bản đã cho thành lập Hạm đội liên hợp gồm 33 tàu chiến, trong đó có 6 tàu sân bay chở 420 máy bay, 2 tàu thiết giáp, 3 tàu tuần dương, 1 phân đội tàu hộ tống gồm 11 tàu khu trục và phóng lôi, 3 tàu ngầm, 8 tàu chở dầu, do phó đô đốc T. Narumo chỉ huy. Ngoài ra, Nhật còn thành lập Hạm đội tàu ngầm với 27 tàu lớn nhỏ. Toàn bộ lực lượng quân Nhật tham gia tiến công Trân Châu Cảng đặt dưới sự chỉ huy của Đô đốc Yamamoto Isoroku. Bên cạnh chuẩn bị về quân sự, đầu tháng 11 năm 1941, một phái đoàn ngoại giao Nhật đến Washington đàm phán với chính phủ Mỹ về giải quyết những bất đồng giữa hai nước. Lấy cớ làm cho mối bang giao Mỹ - Nhật bớt căng thẳng, phái đoàn Nhật đề nghị cho tàu buôn Nhật được cập bến một số cảng của Mỹ, bao gồm Trân Châu Cảng, được phía Mỹ chấp nhận. Lợi dụng cơ hội đó, ngày 1 tháng 11 năm 1941, một tàu buôn Nhật cập cảng Honolulu, thủ phủ của Hawaii; tổng lãnh sự Nhật tại Hawaii đã bí mật chuyển về nước các tin tức tình báo, trong đó sơ đồ bố trí lực lượng quân Mỹ tại Trân Châu Cảng.
Sau khi có được sơ đồ bố trí lực lượng, đêm 17 rạng ngày 18 tháng 11 năm 1941, toàn bộ Hạm đội liên hợp Nhật về tập kết tại căn cứ hải quân Tacon trên quần đảo Curin; ngày 25 tháng 11, xuất phát tiến về Trân Châu Cảng. Trong hành trình đến mục tiêu, các tàu chiến Nhật không liên lạc bằng vô tuyến điện (chỉ dùng cờ, đèn, pháo hiệu); tiến hành hoạt động nghi binh để đối phương nhầm lẫn các tàu Nhật vẫn đang di chuyển trong hải phận Nhật Bản. Sau gần nửa tháng hành quân, ngày 6 tháng 12 năm 1941, Hạm đội tàu ngầm Nhật đã tiếp cận và khống chế các lối ra vào đảo Oahu; ngày 7 tháng 12, các tàu sân bay đến vị trí tập kết cách đảo Oahu khoảng 450 km. Do ngày 7 tháng 12 là Chủ nhật nên một bộ phận sĩ quan và binh sĩ Mỹ về nhà hoặc lên bờ; máy bay vì không được báo động thường xuyên nên mất nhiều thời cất cánh; lực lượng trinh sát đường không hoạt động cầm chừng nên phát hiện mục tiêu không kịp thời. Lợi dụng cơ hội đó, đúng 7 giờ 55 phút ngày 7 tháng 12, lực lượng không quân Nhật bất ngờ tập kích các mục tiêu tại Trân Châu Cảng. Cuộc tập kích diễn ra hai đợt.
- Đợt 1, đúng 7 giờ 55 phút (giờ Hawaii), Nhật sử dụng 183 máy bay, trong đó có 40 máy bay phóng lôi, 100 máy bay ném bom, 43 máy bay tiêm kích từ các tàu sân bay chia làm 4 tốp lần lượt tiến công vào các tàu chiến, máy bay Mỹ ở Trân Châu Cảng và các sân bay Ew Ford Island, Hickam, Kaneohe và Wheeler, phá hủy và phá hỏng phần lớn tàu chiến và máy bay Mỹ.
- Đợt 2 từ 8 giờ 40 phút đến 9 giờ 15 phút, Nhật sử dụng 167 máy bay đánh phá tiếp các mục tiêu còn lại; ngoài ra, còn sử dụng các tàu ngầm, trong đó có các tàu ngầm loại nhỏ lọt qua các lưới chống ngầm luồn sâu vào cảng tham gia đánh phá. Trong quá trình tiến công, máy bay Nhật làm chủ tuyệt đối trên không, tiêu diệt phần lớn các mục tiêu còn lại. Quân Mỹ bị động đối phó, chống trả yếu ớt.
Kết thúc hai đợt không kích, hải quân Nhật đánh chìm và phá huỷ 18 tàu chiến (4 thiết giáp hạm bị đánh chìm, 4 chiếc khác hư hỏng nặng), phá huỷ và phá hỏng 270 máy bay; tiêu diệt, làm bị thương khoảng 4.500 người. Phía Nhật mất 29 máy bay (phần lớn bị tai nạn khi hạ cánh trên tàu sân bay), 6 tàu ngầm, trong đó có 5 tàu loại nhỏ; thương vong khoảng 100 quân.
Thắng lợi của Nhật Bản trong Trận trân châu cảng là kết quả của việc lập kế hoạch cụ thể, sử dụng lực lượng hợp lí, giữ bí mật tuyệt đối trong hành quân chiến đấu; kết hợp khôn khéo giữa hoạt động quân sự với hoạt động ngoại giao. Thất bại của Mỹ trong trận đánh này là do chủ quan mất cảnh giác, không sẵn sàng chiến đấu, tổ chức trinh sát, phòng thủ chưa chặt chẽ. Sau thắng lợi trong Trận Trân Châu Cảng, quân Nhật giành quyền chủ động trên chiến trường Thái Bình Dương, tiến xuống đánh chiếm các nước: Malaysia, Singapore (tháng 2), Indonesia (tháng 3), Myanmar, Philippines (tháng 5 năm 1942), uy hiếp Ấn Độ, Australia buộc Mỹ phải trực tiếp tham gia chiến tranh chống phát xít.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam. Quyển 1, Lịch sử quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.2015, tr. 1072-1073
- Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam,Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.1996
- AMANACH những nền văn minh thế giới, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.1996, tr.180-182
- Военнаяэнциклопедия, ToM 2, Bоениздат, M. 1995, c.335
- Encyclopedia of Worl War II, Nxb A.B.C CLIO, 2005, p.1162-1169