Nhân Mã là một trong những chòm sao của hoàng đạo và nằm ở bán cầu Nam. Nó là một trong 48 chòm sao được nhà thiên văn học Ptolemy ở thế kỷ thứ 2 liệt kê và vẫn là một trong 88 chòm sao hiện đại. Tên của chòm sao trong tiếng Latinh có nghĩa là "cung thủ", và biểu tượng của nó là (kí hiệu ♐), hình một mũi tên cách điệu. Nhân Mã thường được miêu tả như một sinh vật nửa người, nửa ngựa đang kéo dây cung. Chòm sao Nhân Mã nằm giữa Chòm sao Bọ Cạp với Chòm sao Xà Phu ở phía tây và Chòm sao Ma Kết với Chòm sao Kính Hiển Vi ở phía đông.
Trung tâm của Dải Ngân hà nằm ở cực tây của Nhân Mã (xem Nhân Mã A).
Hình dung
Khi nhìn từ bán cầu Bắc, chòm sao này có các ngôi sao sáng tạo thành một nhóm sao dễ nhận ra, được gọi là "Ấm trà". [1][2] Các ngôi sao δ Sgr (Kaus Media), ε Sgr (Kaus Australis), ζ Sgr (Ascella), và φ Sgr tạo thành phần thân của cái ấm; λ Sgr (Kaus Borealis) là phần chóp của nắp ấm; [[γ2 Sgr]] (Alnasl) là đầu của vòi ấm; và σ Sgr (Nunki) và τ Sgr là tay cầm. Cũng chính những ngôi sao này hình thành cái cung và cung tên của Nhân Mã.
Đánh dấu phần dưới của "tay cầm" của ấm trà (hay chính là khu vực vai của người bắn cung), là ngôi sao sáng Zetaariesarii (ζ Sgr) (độ sáng biểu kiến 2,59), tên là Ascella, và một ngôi sao mờ nhạt hơn là Tau Sagittarius (τ Sgr). [3]
Để hoàn thiện hình ảnh ẩn dụ ấm trà thì trong điều kiện thời tiết tốt, có thể quan sát thấy một khu vực đặc biệt dày đặc của Dải Ngân Hà vắt qua bầu trời theo hình vòng cung phía tây bắc phía trên vòi của ấm trà, giống như một làn hơi nước bốc lên từ một ấm nước đang sôi.[4]
Toàn bộ chòm sao thường được miêu tả có hình dáng gấp khúc của một cung thủ đang giương cung lên, với các ngôi sao mờ hơn vạch ra đường nét của con ngựa. Chòm sao Nhân Mã nổi tiếng với việc hướng mũi tên của mình vào trái tim của Chòm sao Bọ Cạp, chính là ngôi sao màu đỏ Antares, khi hai chòm sao rượt đuổi nhau quanh bầu trời. Đường thẳng nối Delta Sagittarii (δ Sgr) và Gamma2 Sagittarii (γ2Sgr) hướng gần như trực tiếp đến Antares. Gamma2 Sagittarii hay còn gọi là Alnasl, một từ tiếng Ả Rập có nghĩa là "đầu mũi tên", và Delta Sagittarii được gọi là Kaus Media, "trung tâm của cung", nơi đuôi mũi tên nhô ra. Kaus Media chia đôi Lambda Sagittarii (λ Sgr) và Epsilon Sagittarii (ε Sgr), hai ngôi sao này có tên lần lượt là Kaus Borealis và Kaus Australis, chúng chỉ phần phía bắc và phần phía nam của cung.[5]
Nhân mã là một trong những đặc trưng nổi bật của bầu trời mùa hè ở bán cầu bắc mặc dù ở phía bắc dãy núi Pyrenees ở Châu Âu, nó di chuyển rất thấp dọc theo đường chân trời và khó có thể được nhìn thấy rõ ràng. Ở Scotland và bán đảo Scandinavia còn hoàn toàn không thể nhìn thấy chòm sao Nhân Mã. Ở phía nam Brazil, Nam Phi và miền trung Australia (30 ° nam), Nhân Mã di chuyển ngay trên đỉnh đầu. Nó ẩn sau ánh sáng chói của Mặt trời từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 1 và ở ngay vị trí của Mặt trời vào ngày đông chí (ngày 21 tháng 12). Đến tháng 3, Nhân Mã sẽ mọc lúc nửa đêm. Vào tháng 6, nó đạt đến vị trí xung đối và có thể được quan sát cả đêm. Trăng tròn tháng 6 xuất hiện ở Nhân Mã.
Vào thời Hy Lạp - La Mã cổ đại, chòm sao Ma Kết ở vị trí của Mặt Trời vào ngày đông chí, nhưng do sự tuế sai của điểm phân, hiện tượng này đã chuyển sang Nhân Mã vào thời Đế chế La Mã. Vào khoảng năm 2700 sau Công Nguyên, Mặt Trời sẽ ở chòm sao Thiên Yết vào ngày đông chí.
Đặc điểm nổi bật
Ngôi sao
α Sgr (Rukbat, nghĩa là "đầu gối của cung thủ") mặc dù có ký hiệu "alpha" nhưng nó không phải là ngôi sao sáng nhất của chòm sao, độ sáng biểu kiến chỉ là 3,96. Nó nằm về phía trung tâm bên dưới cùng của bản đồ như hình. Thay vào đó, ngôi sao sáng nhất là Epsilon Sagittarii (ε Sgr) ("Kaus Australis," hay "phần phía nam của cung"), có độ sáng biểu kiến là 1,85.
Sigma Sagittarii (σ Sgr) ("Nunki") là ngôi sao sáng thứ hai của chòm sao này với độ sáng biểu kiến 2,08. Nunki là một ngôi sao B2V cách chúng ta khoảng 260 năm ánh sáng. "Nunki" là một cái tên tiếng Babylon có nguồn gốc không chắc chắn, nhưng được cho là đại diện cho thành phố Eridu thiêng liêng của Babylon trên sông Euphrates, điều này khiến Nunki trở thành tên ngôi sao lâu đời nhất hiện đang được sử dụng.
Zeta Sagittarii (ζ Sgr) ("Ascella"), với độ sáng biểu kiến 2,61 của quang phổ A2, thực ra là một sao đôi quang học có hai thành phần có độ sáng biểu kiến là 3,3 và 3,5.[6]
Delta Sagittarii (δ Sgr) ("Kaus Meridionalis"), là một ngôi sao quang phổ K2 với độ sáng biểu kiến 2,71 cách Trái đất khoảng 350 năm ánh sáng.[6]
Eta Sagittarii (η Sgr) là một sao đôi quang học với các độ sáng biểu kiến thành phần là 3,18 và 10, trong khi Pi Sagittarii (π Sgr) ("Albaldah")[7] thực ra là một hệ ba sao mà các thành phần có độ sáng biểu kiến là 3,7, 3,8 và 6,0.[6]
Theo định danh Bayer, Beta Sagittarii (Beta Sgr, β Sagittarii, β Sgr) gồm hai hệ thống hai sao, β¹ Sagittarii, với độ sáng biểu kiến 3,96 và β² Sagittarii, độ sáng biểu kiến 7,4. Hai ngôi sao này cách nhau 0,36 ° trên bầu trời và cách trái đất 378 năm ánh sáng. Beta Sagittarii, nằm ở vị trí liên quan đến chân trước của nhân mã, có tên cổ là Arkab, có nghĩa là "gân".
Nova Sagittarii 2015 số 2 được phát hiện vào ngày 15 tháng 3 năm 2015, bởi John Seach ở Đảo Chatsworth, NSW, Úc. Nó nằm gần trung tâm của chòm sao. Nó đạt độ sáng biểu kiến cực đại là 4,3 trước khi mờ dần.
Thiên thể sâu trong vũ trụ
Dải Ngân hà có mật độ dày đặc nhất gần Nhân Mã, vì đó chính là vị trí của trung tâm thiên hà. Do đó chòm sao Nhân Mã chứa nhiều cụm sao và tinh vân.
Đám mây sao
Nhân Mã chứa hai đám mây sao nổi tiếng, cả hai đều là những vật thể có thể quan sát tốt bằng ống nhòm.
Đám mây sao Nhân Mã Lớn là vùng có thể nhìn thấy sáng nhất của Dải Ngân hà. Nó là một phần của phần phình ra trung tâm của thiên hà được nhìn thấy xung quanh lớp bụi dày của Great Rift, và là cấu trúc thiên hà trong cùng có thể được quan sát ở bước sóng nhìn thấy được. Nó có một số cụm nhúng và tinh vân tối xếp chồng lên nhau.
Tham khảo
- ↑ McClure, Bruce (ngày 19 tháng 8 năm 2019), "Find the Teapot, and look toward the galaxy's center", Earth Sky, truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2020
- ↑ McClure, Bruce (ngày 1 tháng 8 năm 2017), "Sagittarius? Here's your constellation", Earth Sky, truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2020
- ↑ "The bow and arrow of Sagittarius", www.ianridpath.com
- ↑ P.K. Chen (Sky Publishing 2007) A Constellation Album: Stars and Mythology of the Night Sky (ISBN 978-1931559386).
- ↑ Ridpath, Ian (2018), Star Tales, Lutterworth Press, tr. 154–156, ISBN 978-0718894788
- ↑ a b c Baker, David (1978), The Henry Holt Guide to Astronomy, New York, NY: The Hamlyn Publishing Group, Ltd., tr. 132, ISBN 0805011978
- ↑ Naming Stars, IAU.org, truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2018