Quân nhân dự bị là những công dân phục vụ trong ngạch dự bị của quân đội, được phong, thăng quân hàm và thực hiện các chế độ chính sách theo quy định của nhà nước.
Quân nhân dự bị được tập trung huấn luyện, kiểm tra theo định kỳ (trong thời bình) hoặc được gọi nhập ngũ theo lệnh động viên (trong thời chiến). Hiện nay, nhiều nước trên thế giới có xu hướng giảm quân đội thường trực, đồng thời tăng cường nâng cao quân số, chất lượng quân nhân dự bị nhằm sẵn sàng bổ sung cho quân thường trực đối phó với tình trạng khẩn cấp (nếu xảy ra). Trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân nhân dự bị bao gồm sĩ quan dự bị, quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị.
Sỹ quan dự bị[sửa]
Sĩ quan dự bị bao gồm các đối tượng:
- sĩ quan, cán bộ là quân nhân chuyên nghiệp khi thôi phục vụ tại ngũ còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện của sĩ quan dự bị.
- quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan khi thôi phục vụ tại ngũ và hạ sĩ quan dự bị đã được đào tạo sĩ quan dự bị.
- cán bộ, công chức ngoài quân đội và những người tốt nghiệp đại học trở lên có chuyên môn phù hợp với yêu cầu của quân đội, đã được đào tạo sĩ quan dự bị. Tuổi phục vụ của sĩ quan dự bị phụ thuộc vào cấp bậc quân hàm, hạn tuổi cao nhất của sĩ quan dự bị quy định cấp úy 51 tuổi; thiếu tá 53 tuổi; trung tá 56 tuổi; thượng tá 57 tuổi; đại tá 60 tuổi; cấp tướng 63 tuổi.
Quân nhân chuyên nghiệp dự bị[sửa]
Quân nhân chuyên nghiệp dự bị bao gồm các đối tượng:
- quân nhân chuyên nghiệp thôi phục vụ tại ngũ còn trong độ tuổi phục vụ trong ngạch dự bị.
- hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp yêu cầu của quân đội.
- công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự chưa phục vụ tại ngũ, tốt nghiệp đào tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học và có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp yêu cầu của quân đội. Tuổi phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp dự bị phụ thuộc cấp bậc quân hàm, hạn tuổi cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp dự bị quy định cấp úy 54 tuổi; thiếu tá, trung tá 56 tuổi; thượng tá 58 tuổi.
Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị[sửa]
Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị bao gồm các đối tượng:
- công dân nam hết độ tuổi gọi nhập ngũ nhưng chưa phục vụ tại ngũ.
- công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân.
- công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây: hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ; quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng thôi phục vụ trong Quân đội nhân dân và thôi phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; công dân thôi phục vụ trong Công an nhân dân. Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị được chia thành hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạng một và binh sĩ dự bị hạng hai.
Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạng một gồm có:
- Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị xuất ngũ đã phục vụ tại ngũ đủ 06 tháng trở lên; Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị xuất ngũ đã qua chiến đấu
- Công dân nam thôi phục vụ trong Công an nhân dân, đã có thời gian phục vụ từ 20 tháng trở lên
- Công dân nam là quân nhân chuyên nghiệp thôi phục vụ tại ngũ
- Công dân nam là công nhân, viên chức quốc phòng được chuyển chế độ từ hạ sĩ quan, binh sĩ đã thôi việc
- Dân quân tự vệ nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, trong đó có ít nhất 12 tháng làm nhiệm vụ dân quân tự vệ thường trực hoặc đã qua huấn luyện tập trung đủ 03 tháng trở lên
- Công dân là binh sĩ dự bị hạng hai đã qua huấn luyện tập trung đủ 06 tháng trở lên
- Công dân hoàn thành nhiệm vụ tham gia công an xã liên tục từ đủ 36 tháng trở lên
Binh sĩ dự bị hạng hai gồm có:
- Công dân nam là binh sĩ xuất ngũ, đã phục vụ tại ngũ dưới 06 tháng
- Công nhân, viên chức quốc phòng đã thôi việc
- Công dân nam thôi phục vụ trong Công an nhân dân đã có thời gian phục vụ dưới 12 tháng
- Công dân nam hết độ tuổi gọi nhập ngũ chưa phục vụ tại ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân
- Công dân nữ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định
Độ tuổi phục vụ trong ngạch dự bị của hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị được quy định như sau:
- Công dân nam đến hết 45 tuổi
- Công dân nữ đến hết 40 tuổi
Tuổi phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị được chia thành hai nhóm:
- Nnhóm A gồm những công dân nam đến hết 35 tuổi, công dân nữ đến hết 30 tuổi
- Nhóm B gồm những công dân nam từ 36 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ 31 tuổi đến hết 40 tuổi
Quân nhân dự bị[sửa]
Quân nhân dự bị là thành phần chủ yếu của lực lượng dự bị động viên, góp phần quyết định việc tổ chức đơn vị dự bị động viên. Độ tuổi sĩ quan dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 2014. Độ tuổi quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên được quy định như sau:
- Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị không quá 40 tuổi; hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 35 tuổi được sắp xếp vào đơn vị chiến đấu
- Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 45 tuổi; nữ Quân nhân dự bị không quá 40 tuổi được sắp xếp vào đơn vị bảo đảm chiến đấu.
Việc sắp xếp Quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên bảo đảm nguyên tắc:
- Sắp xếp Quân nhân dự bị đủ tiêu chuẩn về sức khỏe, có chuyên nghiệp quân sự đúng với chức danh biên chế; gắn địa bàn tuyển quân với địa bàn động viên; trường hợp thiếu thì sắp xếp Quân nhân dự bị có chuyên nghiệp quân sự gần đúng với chức danh biên chế.
- Sắp xếp quân nhân chuyên nghiệp dự bị, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị được thực hiện theo thứ tự quân nhân chuyên nghiệp dự bị, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạng một trước, trường hợp thiếu thì sắp xếp binh sĩ dự bị hạng hai.
- Sắp xếp Quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên thuộc đơn vị bộ đội chủ lực trước, đơn vị bộ đội địa phương sau.
Đăng ký, quản lý Quân nhân dự bị, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã thực hiện đăng ký Quân nhân dự bị cho công dân cư trú tại địa phương. Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thực hiện đăng ký Quân nhân dự bị cho công dân đang lao động, học tập, làm việc tại cơ quan, tổ chức. Trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban chỉ huy quân sự thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức cho công dân đang lao động, học tập, làm việc tại cơ quan, tổ chức thực hiện đăng ký Quân nhân dự bị tại nơi cư trú. Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã thực hiện quản lý Quân nhân dự bị cư trú tại địa phương. Ban chỉ huy quân sự cấp huyện phối hợp với cơ quan, tổ chức quản lý Quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc tại cơ quan, tổ chức trên địa bàn. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đăng ký Quân nhân dự bị. Chế độ phục vụ, nghĩa vụ và quyền lợi của Quân nhân dự bị được quy định trong Luật lực lượng dự bị động viên năm 2019 và các văn bản pháp luật khác.
Thấy rõ tầm quan trọng và vị trí chiến lược của Quân nhân dự bị, các cấp các ngành ở địa phương và đơn vị thường trực đang cố gắng làm tốt công tác đăng kí, quản lí và sắp xếp Quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên, đồng thời thực hiện nghiêm chính sách đối với Quân nhân dự bị, để không ngừng xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của động viên khi cần thiết. (1.573 chữ)
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
- Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015.
- Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015.
- Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 2019.
- Luật Lực lượng dự bị động viên 2019.