Mục từ này cần được bình duyệt
Trung tâm lưu trữ quốc gia II
Phiên bản vào lúc 12:53, ngày 12 tháng 1 năm 2023 của Deepmind2 (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “<indicator name="mới">File:UnderCon icon.svg|40px|link={{TALKPAGENAME}}#Bình duyệt|alt=Mục từ này cần được bình duyệt|Mục từ này…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

Trung tâm lưu trữ quốc gia II một trong bốn Trung tâm Lưu trữ quốc gia trực thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Bộ Nội vụ với tên gọi ban đầu là Kho Lưu trữ Trung ương II (LTTƯ II), được thành lập theo Quyết định số 252/BT ngày 29.11.1976 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng, có trụ sở tại số 2, đường Lê Duẩn, quận I, TP.Hồ Chí Minh.

Tiền thân của Trung tâm Lưu trữ quốc gia II (LTQG II) là Sở Lưu trữ công văn - cơ quan quan chuyên trách lưu trữ đầu tiên và cũng là cơ quan Trung ương đầu tiên của ngành Lưu trữ phía Nam thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CHMNVN), được thành lập theo Quyết định số 09-QĐ/75 ngày 05.8.1975 của Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam.

Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, Nha Văn khố Quốc gia do chính quyền Sài Gòn quản lý. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Ban Thông tin Văn hóa thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN đã tiếp quản toàn bộ tài liệu, cơ sở vật chất, nhân sự của Nha tại trụ sở chính ở 72 Nguyễn Du và hai kho tài liệu tại đường Gia Long cùng các chi nhánh ở Huế và Đà Lạt.

Thời gian đầu, Ủy ban Quân quản TP. Sài Gòn – Gia Định vẫn duy trì tên gọi Nha Văn khố Quốc gia và cơ cấu tổ chức, tiếp tục sử dụng về cơ bản đội ngũ nhân viên của chính quyền cũ nhằm mục đích đảm bảo cho công tác lưu trữ hoạt động có hiệu quả, bảo vệ các nguồn tài liệu có giá trị của đất nước. Thời kỳ này, Nha Văn khố Quốc gia thuộc sự quản lý của Ban Thông tin Văn hóa, Ủy ban Quân quản Sài Gòn – Gia Định thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN. Riêng hai chi nhánh của Nha Văn khố Quốc gia tại Đà Lạt và Huế đến tháng 8.1975 vẫn chưa đủ cán bộ chuyên môn tiếp quản nên tài liệu tại đây đã bị rơi vào tình trạng hư hỏng. Sở Lưu trữ công văn ra đời nhằm khắc phục tình trạng đó.

Theo Quyết định số 30/QĐ-76 ngày 03 tháng 6 năm 1976 của Phủ Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN, Sở Lưu trữ công văn đã nhận bàn giao cơ sở vật chất, kho tàng, tài liệu và nhân viên Văn khố từ Ban Thông tin Văn hóa. Tiếp đó, theo Quyết định số 252/BT ngày 29.11.1976 của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng, Kho LTTƯ II trực thuộc Cục Lưu trữ

Phủ Thủ tướng (tiền thân của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) đã được thành lập trên cơ sở kế thừa tổ chức, cơ sở vật chất và nhân sự của Sở Lưu trữ công văn.

Do các kho bảo quản tài liệu đang còn phân tán nên nhiệm vụ chính của Kho LTTƯ II trong giai đoạn này là thu thập tài liệu của các cơ quan thuộc chính quyền cũ để lại, phân loại chỉnh lý, bảo quản và tổ chức khai thác, sử dụng tài liệu tại chỗ.

Năm 1977, Kho LTTƯ II đã thu thập, thống kê và phân loại được gần mười lăm nghìn cặp, bó, gói tài liệu từ các cơ quan, công sở của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) để lại như Phủ Tổng thống, Bộ Kinh tế, cơ quan Viện trợ Mỹ, Bộ Giao thông Công chánh và các đơn vị thuộc ngành Ngư nghiệp… Ngoài ra, Kho LTTƯ II còn tiếp nhận gần chín nghìn cặp, hơn bảy trăm thùng kẽm, một nghìn bốn trăm cuộn micro phim, bảy mươi mảnh bản đồ và hơn ba nghìn quyển sách là tư liệu của hãng Denis Frères, Nha Nhân viên kế toán, Ngân hàng Bangkok và của các cơ quan khác thuộc Chính quyền VNCH.

Năm 1979, Kho LTTƯ II thu thêm được gần hai nghìn cặp tài liệu của Bộ Lao động, hơn hai trăm bó tài liệu của Bộ Văn hóa và Thông tin, một trăm bốn mươi lăm bó tài liệu của Tổng cục Thể dục Thể thao và Thanh niên của Chính quyền VNCH. Cũng trong năm 1979, Kho LTTƯ II đã tiếp nhận năm trăm bảy mươi hai hòm, một nghìn không trăm bốn mươi tám gói, mười sáu nghìn tám trăm ba mươi sáu hồ sơ tài liệu của các phông lưu trữ thời Pháp (các Fonds Services généraux, Direction des Archives et des Bibliothèques de l’Indochins, Nha Kinh lược Bắc Kỳ, Nha huyện Thọ Xương…) và một nghìn một trăm bảy mươi tám quyển tư liệu của Kho Lưu trữ Trung ương Hà Nội (Dépôt Central de Hanoi). Đây là số tài liệu Pháp định mang về chính quốc trong chiến dịch “hồi hương” (rapatriement) đối với những tài liệu đã được ký kết theo thỏa ước chung ngày 15 tháng 6 năm 1950 giữa chính phủ Bảo Đại và đại diện chính phủ Pháp ở Đông Dương là Cao uỷ Léon Pignon có liên quan đến sự phân chia những tài liệu bảo quản tại Kho Lưu trữ Trung ương ở Hà Nội và Kho Lưu trữ Nam Kỳ ở Sài Gòn nhưng không kịp mang đi nên phải để lại Sài Gòn. Số tài liệu đó đã được Kho LTTƯ II bàn giao lại cho Kho Lưu trữ Nhà nước Trung ương (tiền thân của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I) ở Hà Nội vào năm 1981.

Năm 1980, Kho LTTƯ II tiếp tục thu được chín trăm ba mươi hai cặp tài liệu của Nha Thủy lâm thuộc Bộ Nông cư và chín trăm mười tám cặp tài liệu của Bộ Kinh tế thuộc Chính quyền VNCH; khoảng ba mươi mét khối tài liệu của Tòa đại biểu Trung nguyên Trung phần và khoảng bốn mươi lăm mét khối tài liệu của Tòa Hành chính tỉnh Thừa Thiên do Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên chuyển giao.

Thực hiện Quyết định số 223-CT ngày 08 tháng 8 năm 1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ngày 06 tháng 9 năm 1988, Cục Lưu trữ Nhà nước đã ban hành Quyết định số 385-QĐTC đổi tên Kho LTTƯ II thành Trung tâm LTQG II, đồng thời giao thêm nhiệm vụ:

- Hướng dẫn kiểm tra hồ sơ của các cơ quan có tài liệu lưu trữ thuộc nguồn nộp lưu chuẩn bị tài liệu để giao nộp vào Trung tâm;

- Tổ chức và quản lý công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu và các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nghiệp vụ của Trung tâm theo sự phân cấp của Cục Văn thư, Lưu trữ nhà nước.

Về mặt tổ chức, lúc mới thành lập, Kho LTTƯ II gồm Ban Giám đốc và các đơn vị trực thuộc được tổ chức thành các Phân kho:

- Phân kho tài liệu Phong kiến – Pháp thuộc quản lý khối tài liệu Châu bản, Địa bạ, tài liệu của các cơ quan Trung ương thời Pháp thuộc;

- Phân kho tài liệu thời kỳ VNCH quản lý khối tài liệu của các cơ quan thuộc chính quyền VNCH trước 1975 ở miền Nam;

- Phân kho tài liệu thời kỳ cách mạng quản lý khối tài liệu của các cơ quan chính quyền cách mạng như Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (DTGPMNVN), Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN…

Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm LTQG II gồm chín đơn vị chuyên môn: Phòng Thu thập và Sưu tầm tài liệu; Phòng Chỉnh lý tài liệu; Phòng Bảo quản tài liệu; Phòng Công bố và Giới thiệu tài liệu; Phòng Tin học và Công cụ tra cứu tài liệu; Phòng Đọc; Phòng Hành chính - Tổ chức; Phòng Kế toán; Phòng Bảo vệ và Phòng cháy chữa cháy.

Trung tâm LTQG II có nhiệm vụ thu thập, chỉnh lý, bảo quản an toàn và tổ chức sử dụng tài liệu, tư liệu lưu trữ thời kỳ phong kiến, Pháp thuộc xứ Nam Kỳ; tài liệu của chính quyền thân Pháp có trụ sở trên địa bàn Nam phần từ 1946-1954; tài liệu của các cơ quan, tổ chức Trung ương của chế độ VNCH; các cơ quan, tổ chức của Mỹ và chư hầu có trụ sở đóng tại miền Nam Việt Nam; các cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc GPMNVN, Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN trước 30.4.1975; các cơ quan, tổ chức Trung ương của nước Việt Nam DCCH, CHXHCN Việt Nam và tài liệu, tư liệu của các nhân vật lịch sử, cá nhân, gia đình, dòng họ tiêu biểu trên lãnh thổ từ Quảng Trị trở vào phía Nam.

Hiện nay Trung tâm LTQG II đang bảo quản:

- Khối tài liệu trước năm 1945 gồm hai sưu tập tài liệu thời kỳ phong kiến và hai mươi lăm phông tài liệu thời kỳ Pháp thuộc;

- Khối tài liệu sau năm 1945 gồm ba phông tài liệu thời kỳ Chính phủ Quốc gia Việt Nam; bảy mươi mốt phông tài liệu thời kỳ VNCH; mười sáu phông tài liệu thuộc thời kỳ Cách mạng;

- Khối tài liệu nghe nhìn gồm bốn bộ sưu tập;

- Khối tài liệu Khoa học kỹ thuật và Bản đồ gồm hai phông và một bộ sưu tập;

- Khối tài liệu cá nhân, gia đình, dòng họ gồm sáu bộ sưu tập;

- Khối tư liệu gồm bốn bộ sưu tập sách, công báo, báo cắt và tạp chí.

Vì những thành tích trong công tác của mình, Trung tâm LTQG II đã được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước tặng thưởng năm 2001; Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch nước tặng thưởng năm 2006 và Huân chương Độc lập hạng Ba do Chủ tịch nước tặng thưởng năm 2011.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Các Lưu trữ quốc gia Việt Nam, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2018.
  2. Sách chỉ dẫn các phông, sưu tập lưu trữ bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2007.
  3. PGS. TS Trần Nam Tiến, Nghiên cứu đánh giá nguồn tư liệu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II – thành phố Hồ Chí Minh. Kỷ yếu hội thảo khoa học: “Nguồn tư liệu về lịch sử Việt Nam ở trong và ngoài nước: tiềm năng và vấn đề sưu tầm, khai thác” (tài liệu lưu hành trong phạm vi nội bộ Đề án Khoa học Xã hội cấp quốc gia: Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam), Đại học KHXH&NV – Đại học Quốc gia Hà Nội, tháng 9.2018.
  4. Nguyễn Văn Thâm - Vương Đình Quyền - Đào Thị Diến - Nghiêm Kỳ Hồng, Lịch sử Lưu trữ Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2010.
  5. https://luutru.gov.vn/co-cau-to-chuc/trung-tam-luu-tru-quoc-gia-ii.htm
  6. http://luutruvn.com/index.php/trung-tam-luu-tru-quoc-gia-ii/