Thanh niên là tờ báo cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, số đầu ra ngày 21 tháng 6 năm 1925, mở đầu cho lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Tháng 11 năm 1924, Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô đến Quảng Châu, một trung tâm cách mạng ở châu Á, theo sự phân công của Bộ Phương Đông, Quốc tế Cộng sản. Việc đến Quảng Châu cũng là nguyện vọng của Nguyễn Ái Quốc với mục đích chuẩn bị “trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”. Với sự giúp đỡ của Lãnh sự quán Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã lập ra tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, lựa chọn những thanh niên yêu nước ưu tú để tổ chức các lớp đào tạo về lý luận và phương pháp công tác cách mạng, chuẩn bị tư tưởng, tổ chức, cán bộ cho sự ra đời của một đảng Mácxít của Việt Nam. Đồng thời với công tác tổ chức, đào tạo cán bộ, Nguyễn Ái Quốc chủ trương xuất bản một tờ báo Thanh niên (TN) - cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, nhằm truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lê nin, lý luận cách mạng, tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức phong trào cách mạng trong nước. Trụ sở báo đặt tại số nhà 13 (nay là số 248 - 250), đường Văn Minh, Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Tham gia làm báo từ những ngày đầu tiên có các nhà cách mạng: Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điếm, Trương Văn Lĩnh... Trong một báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã thông báo: “Ở đây, chúng tôi đã xuất bản tờ báo hằng tuần Thanh niên”.
Báo TN ra số đầu ngày 21 tháng 6 năm 1925 và số 202 - số cuối cùng ngày 14 tháng 02 năm 1930. Măng sét báo có hai chữ Thanh niên bằng tiếng Việt Nam và tiếng Trung Quốc. Chỉ số của mỗi số báo được ghi vào trong hình sao năm cánh ở bên trái và ngày ra báo ghi ở góc dưới bên phải măng sét. Các bài báo đều viết bằng chữ quốc ngữ, riêng đầu đề một số chuyên mục được viết bằng chữ Trung Quốc. Do phẩn lớn các bài báo không ghi tên tác giả, các bài có tên tác giả cũng là bút danh, vì thế khó có thể xác định bài viết nào là của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Thời gian đầu, TN xuất bản hằng tuần vào ngày chủ nhật, in trên khổ giấy không đồng nhất, chủ yếu là 18 cm x 24 cm, mỗi số chỉ vài trăm bản. Số trang của báo không cố định, phần lớn chỉ có hai trang, còn lại là bốn trang và đôi khi lên năm trang. Mỗi trang báo chia làm hai cột. Về sau, do điều kiện khó khăn, TN không còn giữ được định kỳ ổn định, đôi khi ba đến năm tuần mới ra được một số báo. Từ Trung Quốc, báo TN được chuyển về Việt Nam theo những đường dây bí mật. Báo còn được bí mật chuyển tới các tổ chức cách mạng người Việt Nam ở Trung Quốc, Thái Lan, Pháp nhưng không nhiều và không đều đặn.
Trang đầu báo Thanh niên số ra ngày 03-10-1926 (Ảnh tư liệu)
Trên mặt báo TN thường có các mục: Xã luận, Bình luận, Phụ nữ đàn, Vấn đáp, Thơ ca, Phê bình, Trả lời bạn đọc, v.v.. Nội dung của báo tập trung truyên truyền về Chủ nghĩa Mác - Lê nin, kinh nghiệm cách mạng thế giới, phân tích tình hình trong nước và quốc tế, tố cáo chế độ thống trị của thực dân Pháp, khơi dậy truyền thống yêu nước, động viên nhân dân đứng lên đấu tranh giành tự do, độc lập. Nhận xét về báo TN và vai trò của Nguyễn Ái Quốc, Giám đốc Sở Mật thám Đông Dương lúc bấy giờ Louis Marty đã viết trong một báo cáo gửi Bộ Thuộc địa Pháp: “Những tờ Thanh niên đầu tiên nhấn mạnh về sự đoàn kết nội bộ, nhờ đó mà đoàn thể có sức mạnh và những cá nhân trong đoàn thể làm việc có kết quả hơn. Đồng thời, báo cũng cổ vũ tinh thần độc lập dân tộc và lòng yêu nước mà người Việt Nam lúc bấy giờ đang háo hức chờ dịp để thi thố. Sau đó, tờ báo giúp bạn đọc nhận định về tình hình thế giới, đặc biệt là những biến chuyển vừa xẩy ra trong lịch sử các cường quốc... Tờ báo hướng dẫn từ từ cho mọi người hiểu rằng hiện nay trên thế giới đã có nước Nga theo chế độ Xô-viết, dân ở nước Xô-viết ấy sống tự do hạnh phúc. Nguyễn Ái Quốc, người chủ biên báo Thanh niên, tỏ ra kiên nhẫn, suốt trong 60 số báo đầu để cho bạn đọc chuẩn bị tinh thần và tình cảm rồi sau cùng mới bày tỏ công khai chủ trương của mình: chỉ có Đảng cộng sản mới có thể đem lại hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam”.
Nguyễn Ái Quốc là người trực tiếp chỉ đạo tám mươi tám số báo đầu, trong khoảng thời gian từ tháng 6 năm 1925 đến tháng 4 năm 1927. Khi Công xã Quảng Châu bùng nổ vào tháng 4 năm 1927, Chính phủ Tưởng Giới Thạch ra tay đàn áp khủng bố những người cách mạng, Nguyễn Ái Quốc buộc phải rời Quảng Châu đi Liên Xô. Những học trò của Người cũng chuyển đến Hồng Công và tiếp tục xuất bản báo TN tại đây cho đến tháng 2 năm 1930.
Với việc sáng lập báo TN, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở thành người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam. Theo quyết định số 52, ngày 05 tháng 02 năm 1985 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 21 tháng 6 năm 1925 - ngày xuất bản số 1 của báo TN được lấy làm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Hồ Chí Minh: Thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp, Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, tập 1, tr. 208-210.
- Hồ Chí Minh: Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản (Báo cáo của Đông Dương), Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 238-239.
- Nguyễn Thành: Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Văn hóa - Thông tin, HN, 1995.
- Tạ Ngọc Tấn: Nhận diện hoạt động báo chí của Hồ Chí Minh, tạp chí Báo chí và Tuyên truyền, số 3 (tháng 5+6)/2001 và số 4 (tháng 7+8)/2001.