Tạo Nha bưu điện miền Nam cơ quan trực thuộc Nha Tổng Giám đốc Bưu điện (giai đoạn 1945-1948),thuộcBộ Giao thông Công chính; trải qua 2 giai đoạn chuyển đổi căn bản về tổ chức, phương thức hoạt động.
Từ tháng 8.1945 đến tháng 6.1947 ngay sau khi thu nhận (8.1945), Chính phủ quyết định giữ nguyên tổ chức bộ máy, tên gọi, chức danh viên chức và các phương thức hoạt động của Ngành Bưu điện, Vô tuyến điện Đông Dương (thuộc chế độ cũ) (xt.: Nha Bưu điện Bắc Bộ). NBĐMN, được xác định giới phận từ vĩ tuyến 16 trở vào (phần thuộc về Việt Nam).
Tổ chức hoạt động nghiệp vụ: để ngành Bưu điện sớm đi vào ổn định, các cơ sở Bưu điện đã động viên viên chức bưu điện cũ ở lại phục vụ cách mạng. Bưu điện nhận phát thư bưu phẩm ghi số, bưu kiện, chuyển tiền, điện báo và tiếp thông đàm thoại trong, ngoài tỉnh,... Ở Bưu cục Sài Gòn-Chợ Lớn có khoảng 100 người (hầu hết là người Việt Nam), bưu cục đã nhanh chóng sắp xếp lại lực lượng, mở cửa giao dịch.
Bưu điện Sài Gòn (Ảnh tư liệu)
Củng cốvà xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc: ngay sau khi quân Pháp nổ súng tập kích các công sở của chính quyền cách mạng tại Sài Gòn (23.9.1945), Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ (UBKCHCNB) đã thành lập các Ban Giao thông liên lạc gọi tắt là Giao liên để chuyến công văn, tài liệu phục vụ chiến đấu ở các mặt trận, gấp rút tổ chức các đường thư ở vùng chiến khu phục vụ kháng chiến lâu dài. Mạng vô tuyến điện được tổ chức để giữ liên lạc với Trung ương và Ủy ban Cách mạng Trung Bộ. Bước vào cuộc kháng chiến, Sở Giao thông liên lạc, trực thuộc UBKCHCNB, được thành lập, có nhiệm vụ: 1) chỉ đạo xây dựng các mạng lưới giao thông liên lạc toàn miền, trực tiếp chuyển giao các công văn tài liệu, sách báo của xứ ủy và các ngành có liên quan đi các nơi; 2) làm nhiệm vụ đưa đường cho cán bộ đi lại công tác kể cả vùng địch hậu. Tại tổng trạm của Sở, có các thùng phát thư, ghi theo địa chỉ các ban ngành (cấp xứ), các đồng chí lãnh đạo chủ chốt từ Bình Thuận trở vào. Mỗi cơ quan có đến hàng chục bí danh, bí số, người phát thư phải nhớ kỹ vì không được ghi vào sổ sách; như:bí danh của Xứ ủy lúc đóng ở Đồng Tháp Mười là “Bộ đội độc lập số 61”; chuyển về Bạc Liêu, gọi là “Ban sanh sản số 36” hay “Ban tự túc số 5”,... Ở Sài Gòn-Chợ Lớn, giai đoạn đầu cuộc kháng chiến, các cán bộ giao liên vừa làm chức năng liên lạc vừa tổ chức hành chính kháng chiến (khởi đầu gọi là Ban Liên lạc hành chính); có nhiệm vụ: 1) chuyển phát công văn, tài liệu từ Thành ủy về Xứ ủy và đi các cơ sở; đưa đón cán bộ; 2) in tài liệu “Công tác kháng chiến” ở một nhà in nội thành rồi chuyển ra căn cứ. Cùng với xây dựng, củng cố và mở rộng mạng lưới giao liên, mạng lưới vô tuyến điện cũng được thiết lập; đã lắp ráp thành công máy thu kiểu Shnell có công suất 2-3W chạy bằng pin và máy phát kiểu Mesny với 2 đèn 6L6 mắc song song. Việc thu phát vô tuyến điện của Xứ ủy và UBKCHCNB đã liên lạc được với nhiều nơi, ra tới Trung ương (căn cứ Việt Bắc). Đến cuối năm 1947, đài Xứ ủy đã có ba bộ máy thu phát đạt chất lượng tốt:Đài VN4 liên lạc với các đài: khu VII (VMA2), Khu 8 (HCM), Khu 9 (VMA, HTP), Liên Khu V( LMN), Ban Ngoại vụ đóng ở Campuchia (XRO), Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng (XGH, XGK), Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Tư lệnh Nam Bộ (DLW), Đài Hải ngoại đóng ở Thái Lan (P3Q). Đài VNZ, liên lạc với Ban cán sự Đảng ở Campuchia, các ban ngành cấp sở trực thuộc như: Kinh tế, Công an, Quân báo,... và một số tỉnh. Đài VNY2, hàng ngày đánh CQ (mật và rõ ) hai lượt cho tất cả các đài vô tuyến điện và Thông tấn xã nhận tin theo giờ và liên lạc với một số tỉnh khác. Đài VNZ, VNY2 liên lạc thường xuyên với hầu hết các tỉnh ở Nam bộ. Các hô hiệu của đài tương đối ổn định, theo mật ước của phiên liên lạc trước. Trường Vô tuyến hành chính Nam Bộđược thành lập, đã đào tạo hàng trăm hiệu thính viên bổ sung cho các đài trong toàn Miền.
Từ tháng 6.1947 đến tháng 5.1948, để thống nhất lực lượng, tăng cường sức mạnh phục vụ yêu cầu kháng chiến chuyển sang giai đoạn mới, Bộ Giao thông Công chính đã ban hành Nghị địnhsố 335/NĐ, ngày 26.6.1947, tiến hành tổ chức lại ngành Bưu điện. Ở Trung ương có Nha Tổng Giám đốc, dưới Nha Tổng Giám đốc có ba Nha Giám đốc ở ba miền: Nha Giám đốc Bắc bộ(đã thu hẹp phạm vi phụ trách ),Nha Giám đốc Trung bộ(thành lập mới, địa phận phụ trách từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế) và Nha Giám đốc Miền Nam (giữ nguyên phạm vi phụ trách). NBĐMN đã phát huy được lực lượng giao thông chạy bộ, củng cố mạng lưới vô tuyến điện, điện thoại, đảm bảo giao thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu tại các căn cứ kháng chiến, các địa phương và liên khu. Sau chiến dịch Thu-Đông năm 1947, Bộ Giao thông Công chính đã thực hiện việc chuyển đổi theo hướng mới, đưa ngành Bưu điện tổ chức hệ thống dọc, theo phân chia khu kháng chiến của Chính phủ. Đầu năm 1948, bãi bỏ ba Nha Bưu điện (Bắc Bộ, Trung Bộ, Miền Nam), thành lập các Liên khu Bưu điện; Ty Bưu điện tỉnh đều trực thuộc Khu Bưu điện. Tổ chức bưu điện cũ đã hoàn toàn thay đổi; phương pháp chỉ đạo chuyên môn và phương pháp làm việc từ Nha Bưu điện đến các khu, tỉnh chặt chẽ hơn, thích hợp với hoàn cảnh kháng chiến. Tháng 5.1948, Bộ Giao thông Công chính thực hiện việc hợp nhất tổ chức Bưu điện với Ban Giao thông Trung ương, lấy tên là Nha Bưu điện Việt Nam nhằm cải tổ cơ cấu bộ máy Bưu điện, thực hiện sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với ngành Bưu điện; làm cho ngành Bưu điện trở thành một cơ quan đủ tư cách đại diện Nhà nước thống nhất quản lý, điều hành ngành thông tin liên lạc trong cả nước. Nha Tổng Giám đốc Bưu điện và các đơn vị trực thuộcđã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Ghi nhận sự đóng góp to lớn của NBĐMN, Đảng và Chính phủ đã tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho ngành Giao bưu liên lạc Nam Bộ (ngày 30.12.1949) và Huân chương Độc lập hạng Ba cho ngành Vô tuyến điện toàn Nam Bộ(ngày 18.12.1954).
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), tập 1, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr.159, 160.
- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.733, 742.
- Lịch sử Bưu điện Việt Nam (thời kỳ 1954-1976), tập II(sơ thảo),Nxb. Bưu điện, Hà Nội, tháng 12.1998.
- Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2001, tr. 33,34.
- Lịch sử Bưu điện Việt Nam (thời kỳ 1945-1954) (tái bản có bổ sung, chỉnh sửa),tập I, Nxb. Bưu điện, Hà Nội, tháng 8.2002.