Bưu điện - vô tuyến điện cơ quan Trung ương của ngành Bưu điện Việt Nam (giai đoạn 1951-1955); hình thành trên cơ sở sáp nhập ngành Vô tuyến điện hành chính (Bộ Quốc phòng) vào ngành Bưu điện (Sắc lệnh số31/SL ngày 12.6.1951,do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký); có tên gọi là Nha Bưu điện-Vô tuyến điện; đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Giao thông Công chính.
Tổ chức mạng lưới, gồm nhiều cấp: Trung ương, Liên khu, tỉnh, huyện, xã.Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, tổ chức hoạt động của Nha được bố trí sắp xếp lại, gọn nhẹ hợp lý cho từng bộ phận, từng khâu quản lý, khai thác, vận chuyển bưu chính và vô tuyến điện. Đến cuối năm 1951, ở vùng tự do và khu căn cứ kháng chiến, mạng lưới thông tin đã được tăng cường, phân bổ hợp lý và có hiệu lực. Lực lượng giao thông, đã kết hợp đi bộ, xe đạp,… liên hệ chặt chẽ với lực lượng điện thoại, vô tuyến điện, phục vụ đắc lực cho cuộc kháng chiến và nhân dân. Các đường dây trục từ Trung tâm Việt Bắc tỏa đi các tỉnh, các Liên khu và các đường dây liên tỉnh, nội tỉnh ở vùng kháng chiến được bảo vệ; một số đường dây liên tỉnh, nội tỉnh ở phía Bắc được nối thông với Trung Quốc. Chất lượng thông tin điện thoại được nâng lên; thông tin vô tuyến điện được đảm bảo; các phiên liên lạc dầy hơn và quy trình liên lạc được ấn định thống nhất. Các cơ xưởng bưu điện-vô tuyến điện của Trung ương và các Liên khu được bổ sung máy móc, tự sửa chữa được tổng đài, máy điện thoại, máy vô tuyến điện cung cấp cho địa phương sử dụng. Ở vùng địch hậu, hình thức tổ chức chạy bộ là chủ yếu; các phòng trạm, các tổ chức giao thông bí mật, các đội ZT bán vũ trang, vượt vành đai, vượt sông lớn cùng với giao thông hợp pháp trong các vùng đô thị, dựa vào dân, móc nối đan kết với nhau để gữi vững liên lạc. Tại Đặc khu Hà Nội, đã hình thành đường thư vào phía Bắc và phía Nam ngoại thành, giao thông viên được trang bị vũ khí và vận chuyển theo phương thức tiếp sức, được quy định chặt chẽ trong việc chuyển vận, giao nhận giữa các trạm, nhằm bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn cho cán bộ, công văn, tài liệu. Đường thư lên Trung ương, căn cứ Việt Bắc, được giữ vững. Ở khu vực đồng bằng và Trung du Bắc bộ, có hàng nghìn cán bộ và giao thông viên của các tỉnh đã luồn sâu trong vùng địch, kiên quyết bám trụ, nằm hầm, chống các cuộc càn quét của địch, để gữi vững thông tin liên lạc trong mọi tình huống. Ở Hà Nam, đã tổ chức ba đường trục đi các tỉnh Liên khu 4, Việt Bắc và khu Tả ngạn Sông Hồng; có hàng trăm đường thư từ tỉnh xuống các huyện, xã; đã chuyển được hàng nghìn tấn bưu phẩm, bưu kiện, sách báo, hàng vạn công văn hỏa tốc hẹn giờ và hơn 10.000 tấn lương thực, thực phẩm, hàng trăm tấn vũ khí đạn dược, phục vụ các chiến dịch. Đường thư của các tỉnh được giữ vững, tạo cơ sở cho các đường thư của Liên khu III được củng cố, mở rộng. Đầu năm 1953, phần lớn vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ đã trở thành khu căn cứ du kích, hoạt động của Bưu điện vùng sau lưng địch có nhiều thuận lợi. Trên các đường thư, còn tổ chức vận chuyển lương thực, vũ khí, đưa đón bộ đội, dân công từ vùng sau lưng địch, đi tiếp viện cho mặt trận Điện Biên Phủ. Tại Quảng Ninh, do biến động của tình hình chiến sự, ở cả ba vùng: Đặc khu Hồng Gai, Quảng Yên, Hải Ninh, công tác giao thông liên lạc được tổ chức linh hoạt có nhiều đường thư hỗ trợ nhau; ngoài đường thư trục qua đường số 6, 18A,... đi các tỉnh, lên Việt Bắc, còn các đường thư từ tỉnh đến huyện, xã. Đường thư đi biển (từ Hoành Bồ đến Hồng Gai), bằng thuyền nhỏ, để vận chuyển công văn tài liệu cho các điểm Cái Đá, Hà Tu, Hà Lầm,... Ở vùng miền núi Tây Bắc, đường thư có sự kết hợp chặt chẽ của Ban Giao thông liên lạc thuộc nhiều tỉnh; các phương thức thông tin liên lạc: chạy bộ, điện thoại, vô tuyến điện thường xuyên được giữ vững, bảo đảm liên lạc an toàn, hiệu quả.
Hệ thống đài vô tuyến điện được đặt từ Trung ương đến các khu, các tỉnh (Ảnh tư liệu)
Ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên,các Ban Giao liên có nhiều sáng kiến trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ vận chuyển công văn tài liệu, đưa đón cán bộ từ các chiến khu vào các cơ sở ở vùng sau lưng địch, phục vụ sự chỉ đạo của các cơ quan lãnh đạo tỉnh, xây dựng cơ sở chính trị, lực lượng vũ trang và phát triển chiến tranh du kích. Ở Huế, hình thành mạng lưới giao liên liên hoàn giữa các khu phố với các quận, len lỏi trong các trường học, bệnh viện, đình chùa, chợ, bến đò,... Giao liên trong nội thành hoạt động độc lập theo từng tuyến, bí mật, phục vụ cho từng ban, ngành và các đoàn thể quần chúng. Ở vùng giải phóng, Bưu điện áp dụng các nghiệp vụ thể lệ trong khai thác bưu chính, ký nhận sổ sách, đóng túi, tính cước bưu phẩm ghi số.
Ở vùng địch hậu thuộc KhuVvà Nam Bộ,các Ban Giao liên tổ chức liên lạc dựa theo vùng căn cứ du kích và vùng địch kiểm soát, nhằm khai thác tối đa lợi thế mỗi vùng. Ở cấp khu, Ban liên lạc kháng chiến hợp nhất với Bưu điện, gọi là Bưu điện Vận tải khu; cấp tỉnh, có nơi chuyển đổi, gọi là Ty Bưu điện Vận tải. Trong hoạt động, giao thông viên luôn cải tiến, rút ngắn hành trình đường thư. Tại các vùng địch chiếm đóng (Bắc Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận,...) đã hình thành mạng lưới đường thư mới, trong điều kiện địch bắt lính, dồn dân, lập tề,... Ở Khánh Hòa, Phú Yên, Ty Bưu điện-Vô tuyến điện tỉnh phối hợp với đội vũ trang xây dựng miền núi (đội 250), tổ chức hệ thống liên lạc đến tận các xã, buôn làng. Ở tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng, đã hình thành các trạm giao bưu chính; mỗi trạm có hệ thống các trạm phụ, tỏa về các huyện, vùng căn cứ, tạo thành hệ thống giao thông liên lạc liên hoàn. Ban cán sự Nam Trung bộ đã trang bị cho Đà Lạt một đài vô tuyến điện, giúp cho việc chỉ đạo phong trào cách mạng được kịp thời. Ở các tỉnh Nam Bộ, phần lớn là đồng bằng, có nhiều sông rạch, nhiều nơi ở vào thế “cài răng lược”, nên hoạt động giao liên không thành tuyến nhất định; đài vô tuyến điện là phương thức thông tin chủ yếuđảm bảo liên lạc trong mọi tình huống và hỗ trợ rất đắc lực cho lực lượng giao liên, phục vụ sự chỉ đạo của Đảng, chính quyền và quân sự ở mặt trận sau lưng địch.
Đầu tháng 12 năm 1953, Ngành Bưu điện chuẩn bị nhân lực và phương tiện thông tin sẵn sàng phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Các trạm trên dọc đường chiến dịch đã được tăng cường về mọi mặt. Đài Điện báo Trung ương tăng phiên và làm việc với điện đài các địa phương. Khu Bưu điện Tây Bắc được thành lập. Các điện thoại viên thay nhau túc trực ngày đêm; khối lượng điện dồn tới khá lớn, song đều được truyền thông, không ùn tắc. Trên các đường thư, không kể ngày đêm, trời mưa nắng, bom rơi, đạn nổ, cứ đến giờ là giao thông viên khởi hành. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng; trong chiến dịch, các chiến sĩ thông tin bưu điện đều quyết tâm bảo vệ thông tin liên lạc thông suốt. Với những cống hiến của cán bộ công nhân viên Ngành Bưu điện cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Quyết định số 2208/Sl, ngày 18 tháng 12 năm 1954, tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba cho ngành Vô tuyến điện toàn Nam Bộ; Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang trong thời kỳ chống Pháp cho lực lượng giao thông liên lạc tỉnh Hà Nam (ngày 18 tháng 11 năm 2000). Do yêu cầu của thời kỳ mới: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà, hoàn thành Cách mạng Dân tộc dân chủ ở miền Nam, Chính phủ ra Nghị định số 480/TTg, ngày 8 tháng 3 năm 1955, đổi tên Nha Bưu điện-Vô tuyến điện thành Tổng cục Bưu điện, thuộc Bộ Giao thông Bưu điện. Bộ máy hoạt động của Tổng cục Bưu điện, được tổ chức theo Nghị định số 124/NĐ-BĐ, ngày 14 tháng 3 năm 1955 của Bộ Giao thông Bưu điện. Một trang lịch sử mới được mở ra cho Ngành Bưu điện Việt Nam.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), tập 1, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr 159-160.
- Hồ Chí Minh,Toàn tập,tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr 609.
- Lịch sử Bưu điện Việt Nam,tập II (thời kỳ 1954-1976, sơ thảo), Nxb. Bưu điện, Hà Nội, tháng 12.1998.
- Quân khu 3, Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1998, tr.418.
- Lịch sử Bưu điện Việt Nam tập I (thời kỳ 1945-1954) (Tái bản có bổ sung, chỉnh sửa), Nxb. Bưu điện, Hà Nội, tháng 8.2002.
- Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập III, Đảng lãnh đạo kháng chiến và kiến quốc(1945-1954), xuất bản lần thứ hai, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012.