Nguyễn Trãi (hiệu Ức Trai)(1380 -19.6.1442) nhà tư tưởng vĩ đại, nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao kiệt xuất, nhà văn hóa lớn, nhà văn, nhà thơ, nhà tùng thư, danh nhân văn hóa thế giới, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành thư viện Việt Nam.
Nguyễn Trãi (NT) sinh tại dinh quan Tư đồ Trần Nguyên Đán ở Thăng Long, quê gốc xã Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, tức Phượng Nhãn, nay là huyện Chí Linh, tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương), sau dời về làng Nhị Khê, Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội).
Nguyễn Trãi 1380 -19.6.1442
Thời nhỏ, NT sống cùng mẹ ở dinh quan Tư đồ Trần Nguyên Đán trong kinh thành Thăng Long. Năm 1385, Nguyên Đán về ở ẩn trên núi Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương, NT theo mẹ sống cùng ông ngoại. Ít lâu sau, mẹ ông mất. Năm 1390, Trần Nguyên Đán mất, NT trở về Nhị Khê sống với cha là Nguyễn Ứng Long và được cha dạy bảo, kèm cặp. Năm 1400, Hồ Quý Ly mở khoa thi đầu tiên, NT dự thi và đỗ Thái Học sinh (Tiến sĩ) và được bổ chức quan Ngự sử đài chánh trưởng.
Đóng góp của NT trong lĩnh vực văn trị và lĩnh vực thư viện
Khi xâm lược nước ta, tướng nhà Minh là Trương Phụ lấy hết sách vở, cổ kim của ta chuyển về Kim Lăng. Khi Triều ta dẹp loạn, lập lại trị bình, NT cùng Lý Tử Tấn, Phan Phu Tiên sưu tầm các sách vở, giấy tờ còn sót lại. Tiếc là sau cuộc binh hỏa, mười phần chỉ còn lại bốn năm phần.
Dư địa chí của NT viết năm 1435 là tác phẩm địa chí đầy đủ đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu đóng góp to lớn của NT với sự nghiệp thư viện Việt Nam nói chung và công tác địa chí trong thư viện Việt Nam nói riêng. Với phương pháp biên soạn ngắn gọn, súc tích, khắc họa diện mạo đất nước, dân tộc vào thế kỷ XV, Dư địa chí của NT là tài liệu rất giá trị, được coi là một bộ quốc chí mẫu mực, là công cụ tra cứu, quản lý cho nhà vua và các quan lại trong triều và các địa phương thời bấy giờ, cũng như là công cụ tra cứu hiện nay cho những nhà nghiên cứu về đất nước, dân tộc thế kỷ XV. Với bố cục 54 mục, trình bày về địa lý, hình thể sông núi, lịch sử, thổ nhưỡng, đặc sản, một số nghề thủ công truyền thống và tập quán của cư dân các đạo, mỗi đạo có hai phần (phần trước ghi chép sông núi đặc biệt của đạo ấy, phần sau nói về diện mạo địa lý, vị trí, số phủ, huyện, châu rồi đến đất đai, sản vật, phong tục tập quán và khí chất con người cùng các đồ cống tiến vua), đến nay, sách còn nguyên giá trị tra cứu, tham khảo, cũng như giá trị về phương pháp, nguyên tắc viết dư địa chí.
NT còn có nhiều đóng góp trong lĩnh vực văn trị, ông để lại cho đời nhiều tác phẩm văn học có giá trị như: Bình Ngô đại cáo, bản tuyên ngôn của nước Việt Nam độc lập, được người đời vinh danh là thiên cổ hùng văn. Quân trung từ mệnh tập, bộ sách tập hợp những thư từ do ông soạn thảo gửi cho các tướng giặc và những giấy tờ giao thiệp với triều đình nhà Minh nhằm thực hiện chiến lược, sách lược “tâm công” (đánh vào lòng người), là đỉnh cao của dòng văn học luận chiến ngoại giao chống xâm lược. Quốc âm thi tập, gồm hơn 250 bài thơ viết bằng chữ Nôm, là tác phẩm mở đầu nền thơ cổ Việt Nam. Ức Trai thi tập, gồm 105 bài thơ viết bằng chữ Hán, là những vần thơ nặng chất suy tư của một con người suốt đời lo cứu nước, cứu dân. Lam Sơn thực lục là tập sử về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Chí Linh sơn phú là tác phẩm cô đọng về cuộc chiến đấu chống giặc Minh gian khổ và anh hùng của dân tộc.
Đóng góp của NT trong sự nghiệp cứu nước, cứu dân
Từ năm 1407 đến 1418, khi quân Minh xâm lược nước ta, NT ở Thăng Long và có đi một số nơi, vừa nghiên cứu phương sách cứu nước, vừa tìm cơ hội thoát khỏi sự trói buộc của quân Minh. Năm 1416, NT đến Lam Sơn, Thanh Hóa tham gia Hội thề Lũng Nhai của những người yêu nước do Lê Lợi khởi xướng. NT đã trao cho vị chủ soái phong trào Lam Sơn bản Bình Ngô sách, gồm các phương lược đánh quân Minh do ông vạch ra, trong đó ông đề xuất chiến lược “đánh vào lòng người” thay cho chiến lược “đánh vào thành”; Lê Lợi xem thấy hợp ý mình, liền trao ngay cho NT chức Tuyên phụng đại phu Hàn lâm viện thừa chỉ, giữ NT ở bên để cùng mưu tính kế đánh quân Minh. Ngoài ra, suốt thời gian từ 1423 đến 1427, NT còn thay mặt Lê Lợi viết thư trao đổi với các tướng lĩnh của quân Minh như Phương Chính, Sơn Thọ, Vương Thông, Thái Phúc, Lương Minh, Hoàng Phúc, Liễu Thăng, Mộc Thạch,…. Nhờ đường lối ngoại giao kiên trì, quyền biến của NT nên nghĩa quân Lam Sơn thu được thắng lợi to lớn. Trong gần mười năm kháng chiến chống quân Minh, nghĩa quân Lam Sơn chỉ bao vây tiến đánh bốn lần các thành Đa Căng, Khâu Ôn, Xương Giang (hai lần) cũng như một số trận phục kích tiêu diệt viện binh. Tất cả mười một thành khác như Diễn Châu, Nghệ An, Điêu Diêu, Tam Giang, Tân Bình, Thuận Hóa, Tiền Vệ, Hậu Vệ, Tây Đô, Bình Than, Đông Đô đều được giải phóng bằng thư từ ngoại giao thuyết phục của NT. Thể theo Lễ hội thề hòa giải với nghĩa quân Lam Sơn ngày 16 tháng 12 năm 1427, ngày 29 tháng 12 năm 1427, Vương Thông cho quân rút về nước. Khi quân Minh bắt đầu rút, một số tướng sĩ y khuyên Lê Lợi nên đánh thành Đông Quan, giết hết quân Minh trả thù cho muôn dân đau khổ lầm than. NT khuyên Lê Lợi tha tù mười vạn hàng binh để mang lại thái bình muôn thuở; Lê Lợi đồng ý, không những tha hàng mà còn cấp thuyền bè, lương thảo cho quân giặc về nước.
Sau cuộc kháng chiến thắng lợi, ông được ban quốc tính Lê Trãi, được ban tước quan Phục hầu, giữ chức Nhập nội hành khiển kiêm Thượng thư Bộ lại trông nom công việc cơ mật, được tin dùng, nhưng có lúc NT bị Lê Thái Tổ nghi ngờ ra lệnh bắt giam (năm 1429), sau đó lại ra lệnh tha cho ông. Tháng 5.1433, Vua Lê Thái Tổ qua đời, Lê Nguyên Long, lấy hiệu là Lê Thái Tông, lên nối ngôi. Theo lời cha dặn, Vua phong cho NT chức Nhập nội hành khiển môn hạ sảnh tả ty hữu giám nghị đại phu kiêm Hàn lâm viện thừa chỉ học sĩ, Tri tam quán sự. Lúc đó, Lê Thái Tông mới mười một tuổi, toàn bộ quyền hành nằm trong tay bọn quyền thần Lê Sát, Lê Vấn nên mọi kế sách xây dựng đất nước của ông không được thực hiện, vì thế, năm 1439, ông xin về lưu trú ở Côn Sơn. Vua Thái Tông bằng lòng, nhưng không lâu sau, Vua lại vời ông ra đảm nhiệm chức vụ cũ kiêm Trung thư sảnh tam quán sự, coi công việc quân dân ở hai đạo Đông và Bắc (gồm các tỉnh Hải Phòng, Hải Hưng, Hà Bắc, Lạng Sơn, Quảng Ninh) và đặc cách, cho phép ông cứ ở Côn Sơn điều hành công việc. Năm 1442, NT còn được Vua giao làm Chánh chủ khảo ở Kinh đô Thăng Long. Khi ông đang hăm hở mang tài kinh bang tế thế giúp Vua xây dựng đất nước thì Vua đột ngột băng hà ở Trại Vải (Lệ Chi Viên, Bắc Ninh) trên đường vi hành về kinh đô Thăng Long. Những kẻ gian thần trong triều vu cho ông tội mưu giết Vua, khép ông vào tội chu di tam tộc. Ông và cả ba họ bị tử hình ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất, tức ngày 19 tháng 9 năm 1442. Di sản của NT vô cùng quý báu, tiếp tục bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm của dân tộc ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập và tự do, và trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới của nước nhà.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Trần Văn Giáp, Phan Trọng Điềm, Nguyễn Trãi-Quốc âm thi tập, Nxb. Văn Sử Địa, Hà Nội, 1956.
- Nguyễn Lương Bích, Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1973.
- Sáu trăm năm Nguyễn Trãi, Nxb. Tác phẩm mới, Hội Nhà văn Việt Nam, Hà Nội, 1980.
- Trần Đình Hượu, Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1995.
- Trần Huy Liệu, Nguyễn Trãi-Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2000.
- Hoàng Khôi, Nguyễn Trãi toàn tập (Ức Trai thi tập), Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001.
- Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2002.
- Lê Cao Phan, Nguyễn Trãi, Ức Trai thi tập, Nxb. Văn học, Literature Publishers-Editions Litterature, Hà Nội, 2002.
- Xuân Diệu, Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, Nxb. Văn học, 2009.
- Lê Văn Toan, Nghệ thuật ngôn từ trong “Ức Trai thi tập” của Nguyễn Trãi, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2010.