Luật tiếp cận thông tin quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân; nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Luật tiếp cận thông tin (LTCTT) được Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ mười một thông qua ngày 06.4.2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 01.7.2018. Luật gồm năm chương, ba mươi bảy điều.
Chương 1. Những quy định chung, gồm mười sáu điều (từ Điều 1 đến Điều 16), quy định về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin; chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin; thông tin công dân được tiếp cận, không được tiếp cận, được tiếp cận có điều kiện; quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tiếp cận thông tin; phạm vi và trách nhiệm cung cấp thông tin; cách thức tiếp cận thông tin; các hành vi bị nghiêm cấm; chi phí tiếp cận thông tin; giám sát việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin; khiếu nại, khởi kiện, tố cáo; xử lý vi phạm; áp dụng pháp luật về tiếp cận thông tin.
Chương 2. Công khai thông tin,gồm sáu điều (từ Điều 17 đến Điều 22), quy định về thông tin phải được công khai; hình thức, thời điểm công khai thông tin; công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng công báo, niêm yết; xử lý thông tin công khai không chính xác.
Chương 3. Cung cấp thông tin theo yêu cầu, gồm mười điều (từ Điều 23 đến Điều 32), chia thành hai mục:
Mục 1. Quy định chung về cung cấp thông tin theo yêu cầu, gồm sáu điều (từ Điều 23 đến Điều 28), quy định về thông tin được cung cấp theo yêu cầu; hình thức yêu cầu cung cấp thông tin; hình thức cung cấp thông tin theo yêu cầu; tiếp nhận, giải quyết, từ chối yêu cầu cung cấp thông tin.
Mục 2. Trình tự, thủ tục cung cấp thông tin theo yêu cầu, gồm bốn điều (từ Điều 29 đến Điều 32), quy định về trình tự, thủ tục cung cấp thông tin trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin; trình tự, thủ tục cung cấp thông tin qua mạng điện tử; trình tự, thủ tục cung cấp thông tin qua dịch vụ bưu chính, fax; xử lý thông tin cung cấp theo yêu cầu không chính xác.
Chương 4. Trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân,gồm ba điều (từ Điều 33 đến Điều 35), quy định về biện pháp đảm bảo thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân; trách nhiệm của cơ quan cung cấp thông tin; trách nhiệm của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Chương 5. Điều khoản thi hành, gồm hai điều (Điều 36, Điều 37), quy định về điều khoản áp dụng; hiệu lực thi hành.
LTCTT là căn cứ pháp lý đảm bảo thực hiện quyền tiếp cận thông tin với tư cách là quyền cơ bản của công dân được xác định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 1992), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013), phù hợp với Nghị quyết 59 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (năm 1946); Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người (năm 1948), Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị (năm 1966); Công ước UNECE về Tiếp cận thông tin; Công ước Aarhus (năm 1998) về tiếp cận thông tin, sự tham gia của công chúng trong việc ra quyết định và tiếp cận tư pháp về các vấn đề môi trường; Công ước Rio de Janeiro về Môi trường và Phát triển (năm 1992); Công ước của Liên hợp quốc về Chống tham nhũng (UNCAC, năm 2003) và các công ước, văn bản quốc tế khác liên quan đến quyền tiếp cận thông tin. LTCTT là tiền đề, điều kiện cho việc đảm bảo các quyền con người khác mà Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã quy định như quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, quyền bầu cử, ứng cử, quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, quyền khiếu nại, quyền tố cáo, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, các quyền kinh tế và xã hội, văn hóa…
LTCTT là cơ sở pháp lý đảm bảo thực hiện quyền tiếp cận thông tin, giúp người dân thực hiện quyền làm chủ của mình; tác động tích cực đến sự tuân thủ pháp luật của cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp; tạo sự công bằng trong tiếp cận thông tin, giảm thiểu độc quyền thông tin, tăng cường khả năng cạnh tranh lành mạnh trong xã hội, tăng cường dân chủ, tạo sự đồng thuận, ổn định chính trị - xã hội, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững đất nước. LTCTT góp phần tăng cường và nâng cao tri thức, hỗ trợ các hoạt động sản xuất và kinh doanh, giúp nâng cao chất lượng sản xuất sản phẩm và dịch vụ, thúc đẩy đầu tư, giảm tham nhũng,… thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng.
LTCTT tác động tích cực đến việc hình thành cơ chế giám sát có hiệu quả từ công chúng đến các hoạt động của cơ quan công quyền, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan công quyền, khắc phục tệ quan liêu của bộ máy hành chính, thúc đẩy cải cách hành chính, xây dựng văn hóa ứng xử tốt đẹp; tăng tính trách nhiệm của công dân cũng như của các cơ quan công quyền; củng cố và tăng cường mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân; tạo cơ chế dân chủ, hài hòa trong quan hệ giữa nhân dân và Nhà nước; nâng cao tính minh bạch, tính hiệu quả của quản lý nhà nước, góp phần tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hiến pháp năm 1992 và các Luật Tổ chức Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993.
- Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013).
- Đào Mộng Điệp, Quyền tiếp cận thông tin của người lao động trong pháp luật Việt Nam, tạp chí Luật học, 2014, số 9, tr.10-15.
- Nguyễn Minh Thuyết, Vũ Công Giao, Nguyễn Trung Thành (đồng chủ biên), Quyền tiếp cận thông tin: Lý luận và thực tiễn, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2016.
- Phí Thị Thanh Tuyền, Nguyên tắc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin theo tinh thần của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 17 (393), tháng 9-2019, tr.12-16.
- Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Tiếp cận thông tin, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2017.