Mục từ này cần được bình duyệt
Luật tần số vô tuyến điện
Phiên bản vào lúc 15:37, ngày 10 tháng 1 năm 2023 của Deepmind2 (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “<indicator name="mới">File:UnderCon icon.svg|40px|link={{TALKPAGENAME}}#Bình duyệt|alt=Mục từ này cần được bình duyệt|Mục từ này…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

Luật tần số vô tuyến điện quy định về quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện, thiết bị vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh và quản lý an toàn bức xạ vô tuyến điện, tương thích điện từ, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện.

Luật tần số vô tuyến điện (LTSVTĐ) áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện tại Việt Nam.

LTSVTĐ được Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ sáu thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01tháng 7 năm 2010. Luật gồm tám chương, bốn mươi chín điều.

Chương 1. Những quy định chung, gồm chín điều (từ Điều 1 đến Điều 9), quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước về tần số vô tuyến điện; trách nhiệm quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện; cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện; thanh tra chuyên ngành về tần số vô tuyến điện; hợp tác quốc tế về tần số vô tuyến điện; những hành vi bị cấm.

Chương 2. Quy hoạch tần số vô tuyến điện,gồm ba điều (từ Điều 10 đến Điều 12), quy định về nguyên tắc xây dựng, phê duyệt quy hoạch tần số vô tuyến điện; các loại quy hoạch tần số vô tuyến điện, thẩm quyền phê duyệt và thực hiện quy hoạch tần số vô tuyến điện; thu hồi quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để thực hiện quy hoạch.

Chương 3. Quản lý chất lượng phát xạ vô tuyến điện, an toàn bức xạ vô tuyến điện và tương thích điện từ,gồm ba điều (từ Điều 13 đến Điều 15), quy định về quản lý chất lượng phát xạ vô tuyến điện; quản lý an toàn bức xạ vô tuyến điện; quản lý tương thích điện từ.

Chương 4. Cấp giấy phép và sử dụng tần số vô tuyến điện,gồm mười tám điều (từ Điều 16 đến Điều 33), quy định về giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; nguyên tắc, phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện; cấp giấy phép sử dụng băng tần; cấp giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh; gia hạn, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; cho thuê, cho mượn thiết bị vô tuyến điện; sử dụng chung tần số vô tuyến điện; miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện; quyền và nghĩa vụ của tổ chức được cấp giấy phép sử dụng băng tần; quyền và nghĩa vụ của tổ chức được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh; phí sử dụng tần số vô tuyến điện, lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; chứng chỉ vô tuyến điện viên; sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện trong trường hợp khẩn cấp.

Chương 5. Kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện và xử lý nhiễu có hại,gồm bảy điều (từ Điều 34 đến Điều 40), quy định về đối tượng chịu sự kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện; trách nhiệm về kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện; các hình thức kiểm tra; biện pháp hạn chế nhiễu có hại; nguyên tắc xử lý nhiễu có hại; thủ tục xử lý nhiễu có hại; hành lang an toàn kỹ thuật của đài vô tuyến điện.

Chương 6. Đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh, gồm bốn điều (từ Điều 41 đến Điều 44), quy định về các trường hợp đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh; đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh cho hệ thống vệ tinh; đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số vô tuyến điện cho hệ thống thông tin vô tuyến điện mặt đất; phối hợp tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh trực tiếp với tổ chức sử dụng tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh của nước ngoài.

Chương 7. Quản lý và sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh,gồm ba điều (từ Điều 45 đến Điều 47), quy định về phân bổ tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; quản lý và sử dụng thiết bị gây nhiễu.

Chương 8. Điều khoản thi hành, gồm hai điều (Điều 49, Điều 49), quy định về: hiệu lực thi hành; quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

LTSVTĐ tạo hành lang pháp lý cho quản lý nhà nước và cơ quan quản lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện, thông tin vô tuyến điện; là căn cứ pháp lý cho hoạt động và phát triển ngành vô tuyến điện; điều chỉnh các hoạt động quản lý và sử dụng tần số vô tuyến điện đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo quốc phòng, an ninh, tăng cường bảo vệ chủ quyền quốc gia về tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh.

LTSVTĐ thúc đẩy sự phát triển của thông tin vô tuyến điện, thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên số trong lĩnh vực viễn thông, phát thanh, truyền hình, dẫn đường hàng không, hàng hải, khoa học, công nghiệp, y tế,…; tạo hành lang pháp lý minh bạch, thuận lợi cho phát triển thông tin vô tuyến điện, thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường dịch vụ thông tin vô tuyến; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ vô tuyến mới có hiệu quả sử dụng tần số cao hơn, dành băng tần và các công nghệ dịch vụ mang lại lợi ích xã hội nhiều hơn cho cộng đồng, hạn chế sử dụng băng tần quý hiếm cho các công nghệ lạc hậu kéo dài, gây lãng phí nguồn tài nguyên tần số.

LTSVTĐ góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản thủ tục hành chính; tăng cường bảo đảm an toàn bức xạ vô tuyến điện; tăng cường bảo vệ chủ quyền, quyền lợi quốc gia về tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Xuân Bách, Tần số vô tuyến điện là tài nguyên quốc gia đặc biệt quan trọng, báo Nhân dân,ngày 26.10.2009.
  2. Lê Minh Toàn, Quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông: Dùng cho cán bộ, viên chức, học viên, sinh viên, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009.
  3. Lê Minh Toàn, Quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin: Dùng cho đào tạo cán bộ quản lý và quản trị kinh doanh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.
  4. Giang Đình, Quản lý, sử dụng hiệu quả tần số vô tuyến điện, báo Khánh Hòa,ngày 30.10.2019.
  5. KL, Đề nghị sửa đổi Luật Tần số vô tuyến điện, báo điện tử Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/De-nghi-sua-doi-Luat-Tan-so-vo-tuyen-dien/406839.vgp, ngày 04.9.2020, truy cập ngày 13.10.2020.