Mục từ này cần được bình duyệt
Chùa Keo
Phiên bản vào lúc 09:59, ngày 10 tháng 1 năm 2023 của Deepmind2 (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “<indicator name="mới">File:UnderCon icon.svg|40px|link={{TALKPAGENAME}}#Bình duyệt|alt=Mục từ này cần được bình duyệt|Mục từ này…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

Chùa Keo (cg. Nghiêm Quang tự, Thần Quang tự), di tích quốc gia đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật, tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chùa được xây dựng vào thời Lý tại ấp Giao Thủy (tên nôm là làng Keo) ở hữu ngạn sông Hồng. Trận hồng thủy năm Tân Hợi (1611) ở đồng bằng Bắc Bộ đã cuốn trôi chùa. Những hộ dân chuyển vào mạn đông nam sông Hồng lập thành làng Hành Cung, đến đời Minh Mệnh (1820-1840) đổi là Hành Thiện, nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định. Những hộ dân chuyển sang bãi đất bồi bên tả ngạn, lập thành làng Dũng Nhuệ, đến đời Tự Đức (1848-1883) đổi thành Dũng Mỹ, đời Thành Thái (1889-1907) đổi là Hành Mỹ, nay thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Sau khi chuyển cư đến nơi ở mới, cả hai làng Hành Cung và Dũng Nhuệ đều xây dựng lại Chùa Keo (CK), vì thế có hai CK, một ở bên hữu là chùa Keo Hành Thiện (Nam Định), một ở bên tả sông Hồng (từ năm 1890 thuộc tỉnh Thái Bình mới thành lập).

Dân làng Dũng Nhuệ khi xây dựng lại CK bên tả ngạn được Quận công Hoàng Nhân Dũng đỡ đầu. Phu nhân của Quận công là Lại Thị Ngọc Lễ mua 18 mẫu ruộng của làng Dũng Nhuệ làm đất xây chùa và đứng ra đảm nhận việc việc vận động xây dựng, mời cung phi Trịnh Thị Ngọc Trân (vợ lẽ của vua Lê Thần Tông) đứng đầu danh sách khuyến giáo. Văn bia tại chùa ghi rõ họ tên, quê quán 171 người đóng góp ruộng đất, vàng, bạc, tiền, gạo… Công việc khởi đầu từ tháng 8 năm Canh Ngọ (1630) đến tháng 11 năm Nhâm Thân (1632) thì xong, chùa gồm 21 dãy nhà, cộng 154 gian. Bia chùa Thần Quang (Thần Quang tự bi 神光寺碑) dựng năm Đức Long thứ 4 (1632), nay vẫn đặt tại chùa, ghi lại việc gia đình cung phi Trịnh Thị Ngọc Trân có nhiều đóng góp trong việc xây dựng cây hương, tiền đường, hậu đường, hành lang... lại cúng ruộng cho nhà chùa.

Buổi đầu xây dựng đất còn sâu trũng, bà Ngọc Lễ cho đào mương quanh chùa, đắp thành lũy cao 2 mét làm địa giới, tạo cảnh quan. Chùa Hộ, ống muống được nâng dần 3 cấp. Các tòa Giá Roi, Thiêu Hương, Phụ Quốc, Thượng điện cao thêm 3 bậc. Gác chuông cửa tả hữu giật cấp. Dãn cách các khu là các sân chùa, sân đền, sân gác chuông, sân tăng xá, sân hành lang....Tam quan ngoại dựng 4 hàng cột, mái cong, đao guột, thềm cao. Cổng chùa to bằng cả ngôi đình, dân làng Keo vẫn gọi cổng này là "đình".Từ khi tái dựng xong (1632) đến nay, C. K đã qua nhiều lần trùng tu, lớn nhất vào thời Chính Hòa (1680-1705), đến năm 1939-1941, trường Viễn Đông Bác Cổ lại tu bổ. Sau khi miền Bắc được giải phóng, mặc dù kinh tế còn rất khó khăn, năm 1957 nhà nước ta đã chi gần 30 triệu đồng và cử cán bộ về cùng với nhân dân địa phương trùng tu lại gác chuông và sửa chữa những chỗ dột nát. Từ đó đến nay CK vẫn được tu bổ thường xuyên. Theo văn bia và địa bạ cũ, đất chùa gồm 28 mẫu (108.000 m2), chỉ tính phần đất xây dựng 21 công trình gồm 154 gian, cũng đã có diện tích 58.000 m2. Hiện nay, toàn bộ kiến trúc CK còn lại 17 công trình, gồm 128 gian.

CK gồm các công trình chính: Tam quan, chùa Phật, đền Thánh, gác chuông, hành lang và mấy công trình phụ như nhà am, nhà bia... đã hư hỏng. Tam quan hai lớp, bám sát hai mặt hồ phía nam, gồm 3 gian tam quan ngoại, 3 gian tam quan nội và tả môn, hữu môn, tường hoa trụ biểu đối diện nhau qua mặt hồ.


Qua sân lớn tới khu chùa Phật gồm ba công trình lớn là chùa Hộ 7 gian, dài 24 mét, lòng rộng 6 mét, thờ hai vị Kim Cương cùng Trịnh Thị Ngọc Trân, Lại Thị Ngọc Lễ là hội chủ và tín chủ hưng công xây chùa. Phần trang trọng nhất đặt hai tượng Hộ pháp lớn, một ông khuyến thiện, một ông trừng ác. Tòa thứ hai mở cửa dọc, nối tòa thứ nhất với tòa thứ ba nên gọi là tòa ống muống. Tòa thứ ba là Tam bảo 3 gian, Điện Phật 3 gian bầy tượng chư Phật và đặt bàn thờ Phật. Tiếp qua một sân rộng nữa là khu đền Thánh, thờ Không Lộ. Tòa thứ nhất gọi là tòa Giá Roi 7 gian, có một bàn thờ nhỏ, có hai hàng giá cắm bát bửu, roi hèo, chấp kích, bát xà mâu. Tòa thứ hai gọi là tòa Thiêu hương 7 gian, đặt long đình, Phật đình và các bàn thờ cho khách thập phương thắp nhang cúng lễ bái vọng vào cung cấm. Tòa thứ ba gọi là tòa Phụ Quốc 3 gian, là cung sau, sâu kín nơi đặt ban thờ bài vị thiền sư Không Lộ. Giữa Thiêu hương và tòa Phụ quốc có 2 hồ đắp non bộ. Tòa thứ tư là tòa Thượng điện 3 gian, nơi đặt tượng thánh. Tiếp qua một sân nhỏ là gác chuông lớn, làm kiểu chồng diêm cổ các, 3 tầng cao trên 11 mét; tỷ lệ giữa các tầng cân đối, giữa các bờ nóc, bờ thẳng, bờ mềm hợp lý; độ vươn của bờ nóc góc đao hài hòa trong tổng thể của kiến trúc. Gác chuông CK là công trình kiến trúc đạt trình độ nghệ thuật cao nổi bật nhất của toàn bộ khu kiến trúc, có giá trị nghệ thuật nổi tiếng.

Hầu như toàn bộ CK không sử dụng tường xây, vách ngăn gian toàn dùng gỗ lim ghép ván. Các gian cửa chính được lắp ngưỡng kép, ba mặt dựng bạo, trên chạy cánh cửa ô.


Một góc Chùa Keo (Ảnh: Nguyễn Văn Kự) CK có nhiều hiện vật quý hiếm: Ba bàn thờ tại tòa Phụ quốc làm vào thời Lê, chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng trải mấy trăm năm màu sắc vẫn rực rỡ. 84 con sơn khu vực đền Thánh đã là 84 tác phẩm rồng. Chiếc sập lớn trong tòa Thiêu hương có trên trăm mảng chạm tứ linh, tứ quí. Bộ chân đèn làm vào năm Diên Thành thứ 7 (1584), có giá trị nghệ thuật độc đáo. Thuyền rồng đặt ở tòa Thiêu hương dài 3 mét, 11 khoang, cũng là một tác phẩm nghệ thuật đẹp về tạo dáng, có chiều sâu về trí tuệ. Tại Gác chuông có Khánh đá dài 1,2 mét, treo ở tầng một có giá trị như chiếc đàn, một quả chuông lớn treo ở tầng hai có niên hiệu Chính Hòa thứ 7 (1786), hai quả chuông nhỏ treo ở tầng ba và tầng thượng, bị đục dòng chữ khắc niên hiệu, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn khẳng định được đây là hai quả chuông đúc vào năm Bính Thìn, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ tư (1796). Tượng thờ đều là tượng quí, tượng Tuyết Sơn là một kiệt tác. Tượng đồng Cửu Long làm từ đời Mạc. Tượng Không Lộ bằng gỗ trầm, trải bao thế kỷ còn nức hương thơm. Đồ thờ tự đều là thượng hạng, hạc thờ vượt quá đầu người, khám thờ 4 tầng cửa võng, sập thờ, án thờ đều là cổ vật. Bộ đầu rối và rối bà Chàng là sưu tập đầu rối cổ nhất Việt Nam. Hai cánh cửa chính của tam quan, cao 226 cm, rộng 244 cm, dày 7 cm, có niên đại thế kỷ XVII, được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2017. CK được xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1962, Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012.

Chính hội chùa Keo từ ngày 13 tháng 9 (sinh nhật Không Lộ), kết thúc ngày 16. Trong thực tế, lễ hội diễn ra suốt tháng 9 âm lịch.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bùi Duy Lan và Phạm Đức Duật, Chùa Keo, Ty Văn hóa và Thông tin Thái Bình xuất bản, Thái Bình, 1985.
  2. Trần Lâm Biền, Chùa Việt, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1996.
  3. Bảo tàng Thái Bình, Di tích lịch sử văn hóa Thái Bình, Tập I, Bảo tàng Thái Bình tái bản lần thứ nhất, Thái Bình, 2008.
  4. Nguyễn Quang Ân và Nguyễn Thanh (chủ biên), Từ điển Thái Bình, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2010.
  5. Nguyễn Quang Ân và Phạm Minh Đức (chủ biên), Địa chí Thái Bình, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 2010.
  6. Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long, Chùa Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2013.