Mục từ này cần được bình duyệt
Chiến trường Điện Biên Phủ
Phiên bản vào lúc 09:20, ngày 10 tháng 1 năm 2023 của Deepmind2 (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “<indicator name="mới">File:UnderCon icon.svg|40px|link={{TALKPAGENAME}}#Bình duyệt|alt=Mục từ này cần được bình duyệt|Mục từ này…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

Chiến trường Điện Biên Phủ bằng chứng lịch sử về chiến thắng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, về ý chí quyết tâm của cả dân tộc trước một lực lượng quân sự hùng mạnh với phương tiện chiến tranh hiện đại; nằm tại địa phận thành phố Điện Biên, huyện Điện Biên và huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên ngày nay, tổng diện tích các khu vực bảo vệ rộng gần 26km2, trong đó diện tích khu vực bảo vệ I là hơn 1.2km2.

Di tích CTĐBP chia thành hai hệ thống: 1. Hệ thống di tích Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ do Pháp xây dựng, gồm 16 điểm di tích: Phân khu Nam(cg. Phân khu Hồng Cúm, Isabelle): cách trận địa trung tâm khoảng 6km về phía Nam, bao gồm cụ cứ điểm Isabelle; vừa có nhiệm vụ bảo vệ khu vực phía nam, vừa chi viện cho phân khu Trung tâm của Tập đoàn cứ điểm, đồng thời, giữ đường liên lạc với Thượng Lào. Phân khu Bắc: cách trận địa trung tâm từ 2-3km về phía bắc và đông bắc, gồm: đồi Him Lam (cg. Béatrice), đồi Độc Lập (cg. Gabrielle)đồi Bản Kéo (cg. Anne Marie) - trung tâm đề kháng, tuyến phòng thủ vòng ngoài bảo vệ Tập đoàn cứ điểm ở cả ba phía bắc, đông bắc và tây bắc.


Di tích hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát (Ảnh Tư liệu)

Phân khu Trung tâm: Hầm Đờ Cát: Sở Chỉ huy của Tập đoàn cứ điểm do tướng De Castries đứng đầu. Hầm dài 20m, rộng 8m, phía trên chất đầy các bao cát, mái cong, chia thành 4 gian, vừa là nơi ở, vừa là nơi làm việc. Hầm có hệ thống thông tin liên lạc kết nối tới các cụm cứ điểm và hệ thống giao thông hào; Hệ thống cao điểm phía Đông: nằm trong dãy đồi liên hoàn phía đông, giữ vai trò quan trọng trong hệ thống phòng thủ của Tập đoàn cứ điểm; là vành đai phòng thủ vững chắc bảo vệ phân khu Trung tâm, trực tiếp khống chế phân khu Trung tâm và sân bay Mường Thanh; gồm các cứ điểm đồi A1 (Eliane 2), đồi C1 (cg. Éliane 1), đồi C2 (cg. Éliane 4), đồi E1, đồi D (gồm D1, D2 và D3) và đồi F (cg. đồi Tưởng tượng, mont Fictif); Điểm Pháo 105mm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ: nằm gần Sở chỉ huy của Tập đoàn cứ điểm, rộng khoảng 250m2; Đồi Cháy (cg. đồi Trọc, đồi Hói đầu): nằm cách đồi A1 khoảng 300m, nơi quân ta đặt trận địa cối và Sở chỉ huy của Trung đoàn 174 khi chuẩn bị tấn công đồi A1; Đồi E2: nơi quân ta chọn làm địa điểm xây dựng Sở chỉ huy tiền phương của Đại đoàn 312. 2. Hệ thống di tích của Quân đội nhân dân Việt Nam, gồm 19 điểm di tích: Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng: nơi diễn ra những cuộc họp mang tính quyết định trong quá trình tấn công Tập đoàn cứ điểm, nơi tổ chức chỉ huy và hợp đồng tác chiến, theo dõi tình hình quân Pháp, tổ chức vận chuyển lương thực, thực phẩm và vũ khí, khí tài, đạn dược từ hậu phương ra tiền tuyến. Sở chỉ huy có hệ thống đường hầm xuyên núi dài 97m, cao 1,7m nối từ lán làm việc của đồng chí Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh chiến dịch tới lán làm việc của đồng chí Hoàng Văn Thái - Tổng Tham mưu trưởng. Sở chỉ huy còn có lán làm việc của Ban Chính trị, Ban Hậu cần, Ban Tác chiến, Ban Thông tin… và Cố vấn Trung Quốc. 18 điểm di tích còn lại là Đài quan sát Chiến dịch tại Mường Phăng; Sở chỉ huy Chiến dịch ở hang Thẳm Púa (trụ sở đầu tiên, hoạt động từ 17.12.1953-17.01.1954); Sở chỉ huy Chiến dịch ở Hang Huổi He (trụ sở thứ hai, hoạt động từ 18-30/01/1954); Sở chỉ huy Trung đoàn 98, Đại đoàn 316; Trụ sở Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Lai Châu; Tòa soạn tiền phương của Báo Quân đội Nhân dân; Sở chỉ huy tiền phương của Tổng Cục cung cấp; Trận Hậu cần hỏa tuyến Nà Tấu; Đèo Pha Đin (con đường vận chuyển huyết mạch nối liền tiền tuyến với hậu phương, “túi bom” của quân Pháp); Đường Kéo pháo bằng tay (được mở bằng những công cụ thô sơ như dao, rìu, cuốc, xẻng, xà beng…); Địa điểm anh Bế Văn Đàn hy sinh; Trận địa cao xạ 37mm của Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367, Đại đoàn 351ở bản Mển và bản Tâu; Trận địa cao xạ 37mm của tiểu đoàn 383, Trung đoàn 367, Đại đoàn 351 ở bản Hồng Líu; Trận địa pháo 105mm của Đại đội 806, Tiểu đoàn 594, Trung đoàn 54, Đại đoàn 351 ở xã Thanh Minh; Trận địa pháo H6 của tiểu đoàn 224, Trung đoàn 675, Đại đoàn 351 ở xã Thanh Minh; Trận địa pháo của Đại đội 815, Tiểu đoàn 383, Trung đoàn 367, Đại đoàn 351 ởbản Púng Tôm; Khu vực tập kết hậu cần tại ngã ba Tuần Giáo. Thu đông 1953 - 1954, cục diện chiến trường Đông Dương đã hoàn toàn thay đổi theo hướng có lợi cho ta. Để vãn hồi tình hình, thực dân Pháp với sự hỗ trợ của Mỹ đã đề ra Kế hoạch Navarre, nhằm bình định Đông Dương trong vòng 18 tháng. Điện Biên Phủ được lấy làm tâm điểm của kế hoạch này, với mưu đồ sau khi giành thắng lợi sẽ xây dựng nơi đây thành căn cứ quân sự để khống chế vùng Bắc bộ Việt Nam, Thượng Lào và Nam Trung Quốc.

Trước tình hình này, ngày 06 tháng 12 năm 1953 Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm chọn Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến chiến lược giữa ta và thực dân Pháp, đồng thời, quyết định thành lập Bộ Chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng.

Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu vào ngày 13 tháng 3 năm 1954, kết thúc bằng thắng lợi của ta vào ngày 07 tháng 5 năm 1954, là chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn nhất của quân đội ta, góp phần quyết định làm phá sản kế hoạch Navarre, có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp, buộc Pháp và Mỹ phải đặt bút ký Hiệp định Genève, lập lại hòa bình ở Đông Dương.


Bàn làm việc cũng là nơi tiếp khách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại căn cứ Mường Phăng (Ảnh Tư liệu) Chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến công vĩ đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng và sức mạnh Việt Nam, có tác dụng cổ vũ phong trào chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc trên thế giới.

Với ý nghĩa và tầm vóc đặc biệt, CTĐBP đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2009, loại hình di tích lịch sử, đặt dưới sự quản lý của Ban quản lý di tích tỉnh Điện Biên, trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Giai đoạn 2009-2014, có tổng cộng 23 điểm di tích được bổ sung vào Di tích lịch sử CTĐBP.

Từ năm 2003, nhiều điểm di tích tại CTĐBP đã được trùng tu, tôn tạo, như: Sở chỉ huy Chiến dịch Mường Phăng, Hầm Đờ Cát, Đồi A1, Đường kéo pháo bằng tay, Tượng đài chiến thắng…

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Viện KHXH Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên, Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước 1954-2004, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Điện Biên, 2004.
  2. Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008.
  3. Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hồ sơ Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ (Hồ sơ lưu tại Cục Di sản văn hóa), Điện Biên, 2009-2014.
  4. Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Di tích lịch sử và văn hóa Điện Biên Phủ, Tài liệu lưu hành nội bộ, Điện Biên, 2014.
  5. Hoàng Minh Phương, Sức mạnh Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014.
  6. Nhiều tác giả, Điện Biên Phủ qua những trang tư liệu, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014.
  7. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018.