Charlie Hebdo vụ xả súng tại trụ sở tạp chí Charlie Hebdo (CH) - tờ tạp chí Charlie Hebdo (CH) xuất bản hằng tuần bắt đầu từ năm 1970, chuyên châm biếm về các chủ đề chính trị, xã hội, trong đó có chủ đề liên quan tôn giáo, do các phần tử Hồi giáo quá khích tiến hành vào ngày 07 tháng 01 năm 2015, nhằm trả thù việc CH đã đăng tải các bài, ảnh châm biếm liên quan nhà tiên tri Môhamét và đạo Hồi.
Măng sét tạp chí Charlie Hebdo (Ảnh Tư liệu)
Vụ việc bắt đầu từ năm 2006, khi CH đã đăng lại mười hai bức biếm hoạ của tờ báo Đan Mạch Jylland-Posten nhằm vào nhà tiên tri Môhamét. Số báo phát hành lên đến bốn trăm nghìn bản, gấp hàng chục lần chỉ số phát hành trước đó. Ngay sau vụ việc này, Hiệp hội các tổ chức Hồi giáo tại Pháp và Liên hiệp Hồi giáo thế giới đã khởi kiện ra tòa đòi dừng phát hành tờ báo do kích động phân biệt chủng tộc và chống lại đạo Hồi. Tuy nhiên, cả toà sơ thẩm và phúc thẩm đều bác bỏ đơn kiện với lý do, tranh châm biếm của CH phù hợp với quyền tự do báo chí được quy định trong luật pháp của nước Pháp, mặt khác, CH không châm biếm Hồi giáo mà châm biếm chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Tháng 11 năm 2011, sau khi CH phát hành số báo đặc biệt với nội dung châm biếm chiến thắng của Đảng Phục hưng ở Tunisia trong cuộc bầu cử, trong đó đăng bức biếm họa vẽ nhà tiên tri Môhamét mặc áo choàng trắng, giơ ngón tay chỉ và nói: “Nếu ngươi không cười vỡ bụng sẽ bị đánh 100 roi!”. Sau khi số báo phát hành, toà soạn CH đã nhận được nhiều lời đe doạ và sau đó bị đốt cháy rụi vì bom xăng. Các tổ chức Hồi giáo tại Pháp tiếp tục có đơn kiện song tòa án vẫn bảo vệ CH.
Năm 2012, trong khi bộ phim “Sự ngây thơ của người Hồi giáo” sản xuất tại Mỹ, lưu hành trên Youtube đang chọc giận các tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới, CH cho đăng tải một số bức biếm họa nhằm vào nhà tiên tri Muhammad trong trạng thái không bình thường.
Tháng 01 năm 2013, CH phát hành số báo đặc biệt, trong đó đăng tải toàn bộ truyện tranh của hoạ sỹ Tổng biên tập Charb “Cuộc đời của Môhamét” (La Vie de Mahomet), ngay lập tức tên của Charb được tạp chí Inspire của tổ chức Al-Qaeda đưa vào danh sách mười một nhân vật Phương Tây “bị săn lùng, dù sống hay chết, vì tội ác chống lại Hồi giáo”. Sau vụ việc này, CH đã phải bí mật chuyển trụ sở toà soạn đến số 10 phố Nicolas-Appert, quận 11, Paris, không treo biển tên trước cơ quan và có lực lượng an ninh canh gác suốt ngày đêm. Từ sau số báo năm 2006 đăng lại mười hai bức biếm hoạ của tờ báo Đan Mạch Jylland-Posten, toà soạn CH liên tục nhận được những lời đe dọa khủng bố, tuy nhiên, CH vẫn không ngừng đăng tải các nội dung châm biếm liên quan đến nhà tiên tri Muhammad và đạo Hồi. Và câu chuyển bị đẩy tới đỉnh điểm là vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Pháp kể từ vụ đánh bom chuyến tàu Strasbourg đi Paris ngày 18 tháng 6 năm 1961 làm cho hai mươi tám người thiệt mạng. Vào khoảng 11giờ 30 phút ngày 07 tháng 01 năm 2015, hai anh em người Pháp gốc Algeria là Saiid Kouachi và Chérif Kouachi bịt mặt mặc đồ đen xông vào toà soạn CH với hai khẩu AK-47. Sau khi bắn hạ những nhân viên bảo vệ, hai nghi phạm xông vào phòng họp và xả súng vào những người đang dự cuộc họp của ban biên tập. Trên đường bỏ chạy khỏi trụ sở báo CH, hai kẻ khủng bố cùng nghi phạm thứ ba còn tiếp tục nổ súng, cướp ô tô, hạ sát 1 nhân viên cảnh sát. Hai ngày sau, một nghi phạm đã ra đầu thú và hai anh em Kouachi đã bị cảnh sát Pháp bắn chết sau khi đã cố thủ trong một xưởng in.
Cùng thời gian vụ xả súng ở trụ sở báo CH, Amedy Coulibaly một người Pháp gốc Senegal, đã xông vào một siêu thị của người Do thái ở vùng phía đông Paris, bắt con tin và đòi bảo vệ an toàn cho anh em Kourachi - những kẻ xả súng ở tòa soạn CH. Sau khi không thể thuyết phục đầu hàng, cảnh sát đã can thiệp, bắn hạ Amedy Coulibaly, bốn con tin cũng bị thiệt mạng. Vụ xả súng đã làm mười bảy người thiệt mạng, mười một người bị thương, trong đó có bốn người bị thương nặng. Trong số người chết có tám nhà báo, biên tập viên của CH, bao gồm các họa sỹ: Stephane Charbonnier (bút danh là Charb), Bernard Verlhac (bút danh là Tignous), Georges Wolinski, Jean Cabut (bút danh là Cabu), Philippe Honore, Bernard Maris (bút danh là Encle Bernard), biên tập viên ngôn ngữ Mustapha Ourrad và nhà tâm lý Elsa Cayat. Vị khách mời đặc biệt của Ban biên tập CH Michel Renaud cũng chung số phận.
Ngay sau vụ việc, những nhân viên sống sót của CH vẫn tiếp tục ra số báo 1.178 với trang bìa có bức biếm họa vẽ nhà tiên tri Môhamét đang khóc và cầm trên tay tâm biển ghi dòng chữ: “Je suis Charlie” (Tôi là Charlie). Số báo được phát hành với số lượng kỷ lục - gần 8 triệu bản.
Vụ xả súng ở trụ sở tạp chí CH đã dẫn đến những phản ứng khác nhau trên thế giới. Ở Paris và các thành phố lớn của châu Âu như Brussel, Berlin, London, Roma, Madrid... hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình, bày tỏ lòng tiếc thương các nạn nhân, tinh thần đoàn kết với những người làm báo CH, ủng hộ quyền tự do báo chí và phản đối chủ nghĩa khủng bố. Trong khi đó, các tín đồ Hồi giáo ở nhiều nước trên thế giới cũng tổ chức những cuộc biểu tình rầm rộ để phản đối tờ CH và một bộ phận báo chí châu Âu châm biếm, xúc phạm sự linh thiêng và đức tin Hồi giáo.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Michael Martinez, Dominique Debucquoy-Dodley và Ray Sanchez: “Vignettes: More about the 17 killed in French terror attacks”, CNN, https://edition.cnn.com/2015/01/10/ world/france-paris-who-were-terror-victims/index.html.
- RFI tiếng Việt: Năm năm sau vụ Charlie Hebdo, Pháp vẫn sống với đe dọa khủng bố, đăng ngày: 10/01/2020 - 09:31, sửa đổi ngày: 10/01/2020 - 09:35; phần âm thanh 9:33 Podcast.
- Thành Huy Long: Giải mã vụ khủng bố đẫm máu tại Tạp chí Charlie Hebdo Pháp, [[1]], ngày 07/07/2016, 14:22.
- Vũ Anh (tổng hợp): Bài toán an ninh từ vụ tiến công Charlie Hebdo, [[2]] Thứ Tư, 15-01-2020, 17:31.