Mục từ này cần được bình duyệt
Cần Thơ
Phiên bản vào lúc 09:00, ngày 10 tháng 1 năm 2023 của Deepmind2 (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “<indicator name="mới">File:UnderCon icon.svg|40px|link={{TALKPAGENAME}}#Bình duyệt|alt=Mục từ này cần được bình duyệt|Mục từ này…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

Cần Thơ nhật báo, cơ quan của Thành ủy thành phố Cần Thơ, một trong những tờ báo đảng địa phương ở vùng Tây Nam Bộ có bề dày lịch sử, mang tính kế thừa và phát triển từ nhiều tờ báo tiền thân trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc ở vùng Tây Nam Bộ và tỉnh Hậu Giang - Cần Thơ. Lao Động là tờ báo đầu tiên của Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Cần Thơ, ra đời vào năm 1928, do đồng chí Hà Huy Giáp phụ trách. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập vào ngày 03 tháng 02 năm 1930, trong giai đoạn 1930-1936, Đặc ủy Hậu Giang xuất bản báo Cùng Khổ. Năm 1938, khi Đặc ủy Hậu Giang chuyển thành Liên Tỉnh ủy Hậu Giang, tờ Tiến Lên, cơ quan ngôn luận của Liên Tỉnh ủy Hậu Giang ra đời. Tháng 3 năm 1945, Đảng bộ Cần Thơ ra báo Dân Chúng Tháng 8 năm 1945, báo Việt Minh - Tiếng nói của chính quyền cách mạng tỉnh Cần Thơ - được phát hành đến các cơ sở cách mạng và nhân dân trong tỉnh. Năm 1946, báo Giết Giặc của tỉnh được phát hành trong vùng giải phóng. Năm 1947, báo Hiệp Nhất, cơ quan của Đảng bộ và Mặt trận Liên Việt tỉnh Cần Thơ ra đời. Cuối năm 1949, báo Hiệp Nhất và tờ tin Cần Thơ Thông Tin Quân Dân Chánh được hợp nhất thành báo Cần Thơ Thông Tin Quân Dân Chánh. Báo tồn tại và phục vụ công cuộc kháng chiến kiến quốc của tỉnh Cần Thơ đến khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Cuối năm 1954, Tỉnh ủy Cần Thơ quyết định ra mắt tờ Hoà Bình Thống Nhất. Từ năm 1959, để bảo toàn lực lượng cách mạng trước sự đàn áp của Mỹ - Diệm, Tỉnh ủy chủ trương thu gọn báo Hoà Bình Thống Nhất, chỉ làm những tờ tin nhỏ và truyền đơn. Tháng 02 năm 1960, báo Hoà Bình Thống Nhất được đổi tên thành báo Tranh Đấu, Cơ quan của Đảng bộ Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam tỉnh Cần Thơ. Quý II - 1961, Tỉnh ủy Cần Thơ đổi tên báo Tranh Đấu thành báo Giải Phóng.




Măng sét báo Cần Thơ ngày nay,(Ảnh tư liệu) Từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, báo Giải Phóng đổi tên thành Cần Thơ Quyết Thắng; đến năm 1972 đổi thành báo Cần Thơ, xuất bản đều đặn đến ngày toàn thắng 30.4.1975.

Đầu năm 1976, Trung ương quyết định sáp nhập tỉnh Cần Thơ, thành phố Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng thành tỉnh Hậu Giang. Tháng 02.1976, báo Hậu Giang, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Hậu Giang, ra mắt bạn đọc. Trong giai đoạn 1976-1992, với ý tưởng phát triển thành tờ báo đảng địa phương ra mau kỳ tiến tới nhật báo, Ban Biên tập báo Hậu Giang xác định đi từng bước chuyển tiếp là tăng kỳ báo. Lúc đầu, báo Hậu Giang ra mỗi tuần một kỳ, sau xuất bản thêm tờ Hậu Giang Chủ nhật tạo được tiếng vang trong vùng Tây Nam Bộ và cả nước.

Thực hiện chủ trương của Trung ương về việc tách tỉnh Hậu Giang thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng, từ tháng 4.1992, báo Hậu Giang chuyển thành báo Cần Thơ (CT), cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Cần Thơ và báo Sóc Trăng, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Sóc Trăng. Từ tháng 4.1992, kế thừa báo Hậu Giang (cũ), báo CT tăng kỳ xuất bản lên hai kỳ/tuần với tám trang, khổ 30 x 40 cm, in hai màu; từ tháng 4.1996, báo tăng lên ba kỳ/tuần. Từ tháng 8.1997, cả ba kỳ báo trong tuần tăng từ tám trang lên mười hai trang, khổ 30 x 40 cm, in hai màu. Từ tháng 01.1999, báo CT tăng thêm kỳ chủ nhật, mười sáu trang, khổ 30 x 40 cm, in bốn màu. Từ tháng 7.2000, báo xuất bản năm kỳ/ tuần. Từ tháng 10.2000, báo CT xuất bản sáu kỳ/ tuần.

Quá trình tăng kỳ báo được Ban Biên tập báo CT thực hiện song song với việc từng bước hoàn thiện bộ máy nhân sự, trang mục, cơ sở vật chất và thường xuyên điều chỉnh cho phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. Trong quá trình đó, Ban Biên tập chú trọng xây dựngvà từng bước hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy tòa soạn; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo phương châm vừa “sử dụng vừa đào tạo”, “đào tạo thường xuyên qua thực tiễn tác nghiệp” để phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên theo hướng thích ứng với quy trình tác nghiệp của một tờ báo xuất bản hằng ngày. Song song với việc xây dựng và hoàn chỉnh quy trình tác nghiệp của nhật báo, Ban Biên tập báo CT còn cử phóng viên thường trú ở khắp các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (các phóng viên thường trú trực thuộc Ban Đồng bằng sông Cửu Long, sau đó trực thuộc Ban Thư ký Tòa soạn) và đây cũng là cơ quan báo đảng địa phương duy nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có phóng viên thường trú ở các tỉnh trong vùng trong giai đoạn từ 1998 - 2005. Đây được xem là bước tập dượt về nhân lực, quy trình tác nghiệp, cơ cấu bộ máy tòa soạn, cơ sở vật chất cho bước tiến lên thành nhật báo.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2001, báo CT xuất bản hằng ngày, sáu trang, khổ 42 x 58 cm, in hai màu, trở thành nhật báo hiện đại đầu tiên ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ 01 tháng 01 năm 2002, nhật báo CT tăng lên tám trang, khổ 42 x 58 cm, in hai màu. Thực hiện chủ trương của Trung ương về việc tách tỉnh Cần Thơ thành thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang, từ ngày 01 tháng 01 năm 2004, báo CT trở thành cơ quan ngôn luận của Đảng bộ thành phố Cần Thơ. Cũng từ ngày 01 tháng 01 năm 2004, Trang tin Cần Thơ điện tử (CTĐT) phát thử nghiệm trên mạng internet. Ngày 03 tháng 02 năm 2004, Trang tin CTĐT phát chính thức, trở thành trang tin điện tử của báo địa phương đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với báo in, CTĐT dành phần lớn các trang mục để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đồng thời, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân đến các cấp ủy đảng, chính quyền, tạo diễn đàn rộng rãi để các tầng lớp nhân dân trao đổi ý kiến, bàn bạc, hiến kế, góp phần xây dựng đất nước nói chung, thành phố Cần Thơ nói riêng ngày càng phát triển phồn vinh.

Ngày 16 tháng 04 năm 2007, Báo Cần Thơ Khmer Ngữ (CTKMN) chính thức phát hành ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh miền Đông Nam bộ. Từ ngày 22 tháng 12 năm 2007, Trang tin CTKMN điện tử chính thức phát trên mạng internet. Sau khi Dự án báo Cần Thơ điện tử chính thức được Thành ủy Cần Thơ thông qua, ngày 04 tháng 7 năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy phép số 320/GP-BTTT hoạt động báo Cần Thơ điện tử (CTĐT). Từ ngày 02 tháng 9 năm 2017, CTĐT với giao diện trang web mới chính thức vận hành với 3 ngôn ngữ là: Tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Khmer tại địa chỉ truy cập www.baocantho.com.vn.

Ngày 30 tháng 8 năm 2018, phòng thu Báo Cần Thơ (với quy mô và trang thiết bị hiện đại theo công nghệ phòng thu mới nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long vào thời điểm này) chính thức đi vào hoạt động. Báo CT hiện có ba sản phẩm báo chí là báo in CT Việt ngữ xuất bản hằng ngày, báo in CT Khmer ngữ xuất bản hằng tuần và báo CTĐT. Để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thông tin của bạn đọc trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, báo CT xác định tập trung xây dựng tờ CTĐT, song song với việc tiếp tục nâng chất các sản phẩm báo in theo Chiến lược phát triển Báo Cần Thơ giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo theo xu thế hướng tới xây dựng tòa soạn điện tử hội tụ và phát triển thành cơ quan báo chí đa phương tiện.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Phòng Thông tin tư liệu: Thư mục địa chí Cần Thơ (sách, báo, tạp chí), 2016.
  2. Nguyễn Trung Vinh: Địa chí Cần Thơ, Nxb Cần Thơ, 2002.
  3. . Ban Biên tập Báo Cần Thơ: 20 năm Nhật Báo Cần Thơ, Cần Thơ,2021.
  4. Đôi nét về lịch sử Báo Cần Thơ, [[1]]
  5. Báo Cần Thơ điện tử - một chặng đường lịch sử mới, [[2]]