"Khôn Nguyên Chí Đức đại bi" là bảo vật quốc gia, hiện vật độc bản, được công nhận năm 2014, hiện được bảo quản, lưu giữ tại Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh.
Bia Khôn Nguyên Chí Đức Đại Bi (BKNCĐĐB) đặt trên lưng rùa, được làm bằng đá xanh, nguyên khối, màu xám xanh, nhẵn, đỉnh trán bia hình vòng cung, thân bia hình chữ Nhật. Diềm bia ở mặt trước khắc nổi 24 rồng yên ngựa kẹp giữa các hàng gờ chỉ. Phần đứng nhỏ, mỗi bên khắc 9 rồng, miệng nhả “ngọc” hợp cùng 6 rồng ở đỉnh bia chầu vào mặt nguyệt. Dưới chân bia khắc 6 rồng, mỗi bên 3 rồng đuôi chầu vào mặt nguyệt xen lẫn hình vân mây và các đao lửa. Phần chính của trán bia, ở giữa khắc rồng, mặt hướng ra phía trước, thân có vẩy, bàn tay rồng lộ rõ 5 móng. Hai bên khắc 2 rồng nhỏ hơn trong tư thế vươn cao chầu vào rồng trung tâm tạc trong khung vuông, giữa thân rồng khắc lồng vân mây, phía ngoài vân mây trang trí hình lá đề móc câu, chóp lá đề trang trí hoa cúc dây cách điệu. Nội dung văn bia viết theo lối chữ Khải chân phương khoảng 70 dòng, 3.000 chữ, ghi về gia tộc, ngày sinh, ngày mất và sự nghiệp, công lao của Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, đức độ sánh ngang với trời đất, công lao rạng danh 3 đời vua.
Văn BKHCĐĐB do Nguyễn Bảo, chức Hữu thị lang bộ Lễ, Đạt tín đại phu, kiêm Hàn lâm viện Thị độc, Chưởng Hàn lâm viện sự; Nguyễn Xung Xác chức Đạt tín đại phu, Hàn lâm viện Thị độc, Chưởng Hàn lâm viện soạn; Niên đại được xác định vào năm Cảnh Thống thứ I (1498), thời vua Lê Hiến Tông.
Giá trị tiêu biểu của BKHCĐĐB, nghệ thuật chạm khắc tinh xảo thời Lê Sơ. Một mặt nó kế thừa những tinh hoa truyền thống trong mỹ thuật thời Lý, Trần. Mặt khác do sự thay đổi hoàn cảnh của xã hội thời Lê Sơ, nên ở Bia mang một phong cách riêng biệt, là tiền đề cho một thời đại huy hoàng của nghệ thuật cung đình. BKHCĐĐB được các nhà nghiên cứu Văn hóa đánh giá là một tấm bia tiêu biểu đại diện cho người phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay, là tài liệu vô cùng quý giá, nó không chỉ mang tính giáo dục truyền thống lưu truyền cho hậu thế, mà còn là một trong những tài liệu quý khi nghiên cứu về lịch sử mỹ thuật Việt Nam thời Lê Sơ.
Tài liệu tham khảo:[sửa]
- Nguyễn Quốc Thắng và Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992.
- Ngô Sĩ Liên. Đại Việt sử ký toàn thư - Tập 2, Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu dịch, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2017.
- Trần Thị Kim Anh, Tư liệu về Quang Thục Hoàng Thái hậu qua văn bia lăng Khôn Nguyên Chí Đức, Viện nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, 2018.