Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Eleanor Emmons Maccoby
Phiên bản vào lúc 15:15, ngày 16 tháng 11 năm 2022 của Deepmind (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “thumb|ELEANOR EMMONS MACCOBY (1916 - 2018){{sơ}}'''Eleanor Emmons Maccoby''' (1916 - 2018) là một Nh…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)
Tập tin:ELEANOR EMMONS MACCOBY (1916 - 2018).jpg
ELEANOR EMMONS MACCOBY (1916 - 2018)

Eleanor Emmons Maccoby (1916 - 2018) là một Nhà tâm lý học và giáo dục học người Mỹ, chuyên gia nổi tiếng về Tâm lý học khác biệt giới tính.

Eleanor Emmons sinh ngày 15 tháng 5 năm 1916 tại Tacoma, Washington. Bà kết hôn với Nathan Maccoby năm 1938, nhận bằng cử nhân của Đại học Washington vào năm 1939, sau đó đi đến Washington D.C., nơi bà đã dành những năm trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai để làm việc cho một cơ quan chính phủ. Sau chiến tranh bà trở lại học tại Trường Đại học ở Michigan. Maccoby lấy bằng thạc sĩ vào năm 1949 và bằng tiến sĩ vào năm 1950. Bà đã dành tám năm tại Đại học Harvard trước khi chuyển đến Đại học Stanford ở California. Ở đây bà đạt được học hàm giáo sư và Trưởng khoa Khoa Tâm lý học từ năm 1973 - 1976.

Hoạt động khoa học chính của Maccoby là nghiên cứu các yếu tố xã hội ảnh hưởng đến sự phát triển của con người, bên cạnh đó bà cũng nghiên cứu về các vấn đề khác như vấn đề sinh học và quy trình nhận thức của con người. Maccoby đã tiến hành một nghiên cứu có quy mô lớn là điều tra hành vi thực hành của cha mẹ có liên quan đến những nét tính cách đặc trưng của trẻ. Kết quả của nghiên cứu này dẫn tới xuất bản cuốn sách Patterns of Child Rearing. Trong công trình nghiên cứu này Maccoby tin rằng sự nhận biết là biến đổi quan trọng của sự phát triển nhân cách. Bà quan tâm đến trẻ em và nghiên cứu với tâm huyết lớn. Bà đã nghiên cứu về ảnh hưởng của truyền hình đến trẻ em, đánh giá sự hình thành các hoạt động của trẻ khi gia đình mua ti vi, nghiên cứu tỷ lệ phạm pháp của trẻ ở các vùng lân cận có thu nhập thấp. Bà cho rằng ở các vùng lân cận có thu nhập thấp tỷ lệ trẻ vị thành niên phạm pháp có quan hệ với sự liên kết của các gia đình với nhau.

Sự hợp tác giữa Maccoby và Carol Nagy Jacklin trong nghiên cứu sự khác biệt và giống nhau ở trẻ em trai và trẻ em gái đã làm cho Maccoby được nhiều người biết đến. Cuốn sách The Psychology of Sex Differences xuất bản năm 1974 của Jacklin và Maccoby là một nghiên cứu quan trọng trong lĩnh vực khác biệt về giới tính. Cuốn sách này đã gây ra một số cuộc tranh luận. Jacklin và Maccoby đã bị chỉ trích vì quá nhấn mạnh đến yếu tố sinh học.

Các tác phẩm đã xuất bản của Maccoby phản ánh sự quan tâm thường xuyên của bà đối với sự phát triển xã hội của trẻ em và sự khác biệt giữa hai giới. Maccoby đã nhận được nhiều danh hiệu và giải thưởng trong sự nghiệp của mình: Giải thưởng Gores cho sự xuất sắc trong giảng dạy của Đại học Stanford (1981); Giải thưởng của Hiệp hội Nghiên cứu giáo dục Hoa Kỳ (1984); Giải thưởng của Hiệp hội Nghiên cứu Phát triển trẻ em (1987) và Giải thưởng của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (1988) do có thành tích khoa học xuất sắc. Maccoby được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia năm 1993.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, 2008, tr. 158 - 159.
  2. Maccoby, E., Social Development: Psychological Growth and the Parent-Child Relationship, New York: Harcourt, Brace and Jovanovich, 1980.
  3. Maccoby, E., Eleanor E. Maccoby, In A History of Psychology in Autobiography, 2. G. Lindzey, ed. Stanford, CA: Stanford University Press, 1989.
  4. Maccoby, E., and R.H. Mnookin, Dividing the Child: Social and Legal Dilemmas of Custody, Cambridge, MA: Harvard University Press, 1992.
  5. Kazdin A.E. (Editor in chief), Encyclopedia of Psychology: 8 volume set, APA Publishing, Oxford University Press, Vol. 7, 2000, pp. 87 - 91.
  6. Strickland B. (Executive editor), The Gale Encyclopedia of Psychology, Gale Group, 2001, pp. 199.
  7. Freedheim D.K., Handbook of Psychology, Vol. 1, History of Psychology, John Wiley & Sons, 2003, pp. 124 - 125.