Khi bị cắt bỏ một phần cơ thể (ví dụ như các chi, vú, trực tràng, dương vật, mắt, lưỡi) ở nhiều người bệnh có thể xuất hiện các cảm giác ảo: cảm giác về phần cơ thể bị cắt bỏ, trong đó chủ yếu là cảm giác đau. Trong các tài liệu đề cập đến chủ đề này, hầu hết là nói về các cảm giác liên quan đến chi bị cắt bỏ và cũng chủ yếu bàn đến đau: đau chi ảo (phantom limb pain).
Có ba loại cảm giác đau chi ảo: đau ở mỏm cụt (mặc dù vết thương đã lành thành sẹo) - còn gọi là đau gốc; đau ảo (cảm giác đau từ chi đã bị cắt bỏ) và đau hỗn hợp của cả hai loại. Đau chi ảo được Hiệp hội Nghiên cứu đau Quốc tế định nghĩa là cảm giác đau xuất phát từ chi đã bị cắt bỏ (nó còn có tên gọi là chi ma - phantom limb). Cảm giác đau thường được mô tả dạng như chuột rút, đau nhức, bỏng rát không ngừng. Có đến 80% - 90% số trường hợp cắt cụt chi là có đau chi ảo. Các cơn đau cũng rất khác nhau, có thể kéo dài vài giây cho đến vài ngày, có thể xuất hiện vài lần trong một năm, kéo dài trong nhiều năm. Cảm giác đau chi ảo thường liên tục trong thời gian đầu, sau giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên có khoảng 5% - 10% đau trở thành mạn tính. Đau chi ảo kéo theo những thay đổi tâm lý của người bệnh, từ những phản ứng khó chịu cho đến những rối loạn lo âu hay trầm cảm và làm suy giảm chất lượng cuộc sống của họ.
Cho đến nay, cơ chế hình thành và phát triển đau chi ảo vẫn còn chưa được sáng tỏ. Do đó có thể thấy có nhiều giả thuyết khác nhau tìm cách giải thích cho vấn đề này.
Các giả thuyết về đau chi ảo[sửa]
Ma trận thần kinh. Năm 1990, Melzak đã đưa ra giả thuyết “ma trận thần kinh” (neuromatrix). Trong ma trận nơron có những sự kết nối giữa các vùng não khác nhau, trong đó có vùng vỏ cảm giác cơ thể (somatosensory), vùng vỏ não - đồi thị và hệ viền. Các xung thần kinh từ ngoại vi lên vỏ não đều được đồng thời xử lý ở các tổ chức này và được chia sẻ với các vùng khác của não để có được bức tranh tổng quát về cơ thể. Và do vậy, rất có thể ma trận nơron vẫn còn lưu giữ lại đại diện đến từ chi đã bị cắt bỏ. Mặt khác, sau khi một chi bị cắt bỏ, vỏ não cũng phải tái cấu trúc lại hoạt động.
Khả biến thần kinh (Neuroplasticity). Năm 1994, Ramachandran đã mô tả trường hợp một người đàn ông trẻ bị cụt tay trái do tai nạn giao thông. Sau phẫu thuật 4 tuần, cứ mỗi lần ông chạm nhẹ vào nửa mặt bên trái của người bệnh, người bệnh đều thông báo có hàng loạt cảm giác từ tay trái đã bị mất. Một điểm lưu ý nữa là điểm chạm trên mặt trái khác nhau thì cũng gây ra cảm giác những điểm khác nhau của tay. Ví dụ, chạm vào má gây ra cảm giác ở ngón cái, còn chạm vào hàm dưới lại gây ra cảm giác ở ngón út. Đây không phải là trường hợp duy nhất. Ramachandran còn được nghe kể có một người phụ nữ, cứ mỗi lần quan hệ tình dục lại xuất hiện cảm giác từ chi ảo. Từ những trường hợp này, Ramachandran cho rằng có mối liên kết giữa chi ảo với khả biến thần kinh ở não người trưởng thành. Để kiểm tra giả thuyết của mình, ông đã mời nhiều người bị cắt bỏ chi tham gia vào nhóm nghiên cứu.
Sơ đồ hóa lại vỏ não. Các nhà nghiên cứu cũng như các nhà lâm sàng vẫn đang tiếp tục tranh cãi về cơ chế và vai trò của hệ thần kinh trung ương cũng như hệ thần kinh ngoại vi trong việc hình thành đau chi ảo. Lý thuyết được nhiều người đồng tình nhất hiện nay là lý thuyết sơ đồ hóa lại vỏ não (Cortical Remapping Theory - CRT). Theo lý thuyết này, để đáp lại việc mất chi, bộ não phải tái cấu trúc bản đồ cảm giác cơ thể. Mặt khác, phẫu thuật cũng ảnh hưởng trực tiếp lên hệ thần kinh ngoại vi đồng thời qua đó cũng ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương vì do có sự thay đổi về tín hiệu cảm giác và vận động.
Dưới vỏ. Phẫu thuật cắt bỏ chi không chỉ ảnh hưởng đến vỏ cảm giác cơ thể và vỏ vận động mà còn có thể ảnh hưởng đến cả các tổ chức dưới vỏ, trong đó có cả đồi thị và rất có thể các tổ chức này cũng được cấu trúc lại. Và hệ quả là cũng làm thay đổi những kết nối li tâm của đồi thị với các tổ chức bên dưới đồng thời cũng ảnh hưởng ngược lên vỏ não. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng còn phát hiện ra rằng đồi thị cũng còn là tổ chức tự khởi động được cảm giác đau.
Trí nhớ bản thể. Một lý thuyết khác cho rằng rất có thể trí nhớ bản thể cũng đóng vai trò trong cảm giác chi ảo. Trí nhớ bản thể giúp cho não nhận biết được vị trí của cơ thể, trong đó có chi (trước khi bị cắt bỏ) trong không gian ba chiều. Sau phẫu thuật, cấu trúc hình ảnh bản thể vẫn còn đủ, kể cả chi bị cắt bỏ, trong đó có các những vận động chủ ý và vận động tự động.
Mất kết nối giữa cảm giác bản thể và vận động. Để vận động được chi, đòi hỏi sự phối hợp hoạt động của cả hai hệ thống: thị giác và cảm giác bản thể. Cụ thể, thị giác đảm bảo cho vận động của chi đạt được mục tiêu. Ví dụ, khi tay vận động, não luôn nhận được thông tin phản hồi về vị trí của tay trong sơ đồ cơ thể và sử dụng thông tin này để điều phối vận động của nó. Khi bị cắt bỏ, không còn thông tin phản hồi từ tay nhưng vẫn còn thông tin từ tay còn lại. Có thể xảy ra là trí nhớ/ký ức về tay bị mất vẫn còn hoặc là chỗ đầu dây thần kinh còn lại được hoạt hóa. Có thể xảy ra xung đột giữa những tín hiệu phản hồi thị giác và trí nhớ về chi bị cắt bỏ dẫn đến hiện tượng cảm giác ảo.
Các yếu tố tâm lý[sửa]
Có nhận định cho rằng chi ảo và đau chi ảo có liên quan đến nỗi buồn bị mất chi và cùng với một số nét nhân cách tiền bệnh lý có thể chuyển thành rối loạn tâm - thể. Do vậy đau chi ảo, đó là “ở trong đầu”. Tuy nhiên nhiều người đồng tình với nhận định rằng các yếu tố tâm lý chỉ đóng vai trò kích hoạt. Ví dụ, các nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa stress và mức độ đau chi ảo. Sự liên quan này rất có thể là thông qua hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, làm tăng sự căng cơ.
Các yếu tố nhận thức cũng có liên quan đến đau chi ảo. Ở những người không có những chiến lược ứng phó hợp lý với đau và luôn sợ những điều tồi tệ, thường than phiền về những cơn đau nhiều hơn so với những người có chiến lược ứng phó phù hợp với những vấn đề của họ. Các biến số tâm lý khác trước phẫu thuật cũng có tác dụng dự báo về đau chi ảo. Những người ít nhận được sự hỗ trợ tâm lý trước phẫu thuật thì than phiền nhiều hơn về các cơn đau chi ảo.
Trị liệu đau chi ảo[sửa]
Trị liệu y sinh: Do chưa xác định được rõ nguyên nhân cũng như cơ chế hình thành đau chi ảo, trong lâm sàng có rất nhiều biện pháp điều trị y sinh đã được sử dụng như dùng thuốc, châm cứu, điện châm, phẫu thuật… nhưng chưa có một phương pháp nào khẳng định được hiệu quả bền vững của mình.
Trị liệu tâm lý: Cũng như trị liệu y sinh, có nhiều phương pháp trị liệu tâm lý được ứng dụng để hỗ trợ người bệnh quản trị đau chi ảo: hành vi - nhận thức, vận động mắt, giải mẫn cảm, chánh niệm… Ngoài ra cũng có các kỹ thuật khác như kỹ thuật soi gương và thực tế ảo cũng được nhiều tài liệu đề cập.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Flor H., Phantom-limb pain: characteristics, causes, and treatment, The Lancet Neurology, Vol. 1, 2002, pp. 182 - 189.
- Craighead W.E., Nemeroff C.B., The Concise Corsini Encyclopedia of Psychology and Behavioral Sciences, 3rd Ed., John Wiley & Sons, Inc., 2004, pp. 48 - 49.
- Stirling J., Introducing Neuropsychology, Taylor & Francis Inc., 2005, pp. 65 - 72.
- Hommer, D.H., McCallin, J.P. & Goff, B.J., Advances in the Treatment of Phantom Limb Pain, Curr Phys Med Rehabil Rep, 2, 2014, pp. 250 - 254.
- Tian S., Nick S., Wu H, Phantom limb pain: A review of evidence-based treatment options. World J. Anesthesiol, 3 (2), 2014, pp. 146 - 153.
- Richardson C., Kulkarni J, A review of the management of phantom limb pain: challenges and solutions, Journal of Pain Research, 10, 2017, pp. 1.861 - 1.870.
- Kassondra L. Collins, Hannah G. et.al., A review of current theories and treatments for phantom limb pain, The Journal of Clinical Investigation, 128 (6), 2018, pp. 2.168 - 2.176.
- Gazzaniga M.S., Richard I.B., Mangun G.R., Cognitive Neuroscience: The Biology of the Mind, 5th Ed., Norton & Company, Inc., 2019, pp. 185.