Chủ nghĩa quyết định luận là quan điểm khoa học cho rằng hành vi của con người không phải là các hành vi tự do mà bị quyết định bởi các yếu tố nhất định và do vậy hành vi của con người có thể dự đoán được.
Quyết định luận trong tâm lý học, xuất phát từ quyết định luận triết học cho rằng sự xuất hiện của các sự kiện diễn ra hoàn toàn theo những cách có thể dự báo trước như là kết quả của các quy luật tự nhiên và vật lý. Từ đó, chủ nghĩa quyết định luận trong tâm lý học tập trung vào trả lời câu hỏi về tính tự do hay bị quy định của hành vi ở con người.
Từ thời cổ đại, nguồn gốc các hành vi con người từng được quy cho những lực lượng bí mật hoặc bị che dấu. Nhà triết học Democrit phủ nhận khái niệm tự do ý chí và cho rằng mọi hành vi của con người là kết quả của các sự kiện trước đó.
Trong tâm lý học, câu hỏi về tính tự do của hành vi cũng được nhiều nhà nghiên cứu tìm cách trả lời. Ở đây có một nan đề trong việc giải thích hành vi của con người từ các nguyên tắc của tâm lý học. Một mặt, nếu tâm lý học là khoa học về hành vi thì ở đây cần có các quy luật cho phép dự báo được hành vi cũng giống như quy luật về trọng lực cho phép dự báo được sự rơi của đồ vật trong Vật lý. Mặt khác, có những những quan điểm phản đối. Quan điểm này cho rằng con người kiểm soát được hành vi và có tự do ý chí.
Wilhelm Wundt (1832 - 1920) đã cố gắng dung hòa chủ nghĩa quyết định luận và phi quyết định luận trong Tâm lý học bằng cách gợi ý rằng các quá trình tâm lý có thể sáng tạo và tự do, trong khi các quá trình sinh lý trong não bộ thì bị quy định. Tức là đối với Tâm lý học cần nhìn nhận quyết định luận theo nghĩa tương đối. Lập luận này không trả lời được câu hỏi Tâm lý học có là khoa học không (nếu không chỉ ra được các quy luật). Tuy vậy, vì các nhà tâm lý học quan tâm tới việc nghiên cứu các quá trình tâm lý và hành vi theo một khung khoa học và như vậy các quá trình tâm lý (dù là tự do) vẫn là đối tượng của quy luật khoa học. Những nhà Tâm lý học khác như William James, người quan tâm đến tôn giáo và tin tưởng vào tự do ý chí thừa nhận xung đột này. Tuy vậy, ông cho rằng, tâm trí và cơ thể vận hành như bộ đôi (cái trước, cái sau) và có sự tương tác.
Các nhà Tâm lý học hành vi thể hiện rõ nhất của quan điểm hành vi bị quyết định bởi yếu tố kích thích - quyết định luận. John B. Watson cho rằng môi trường là nguyên nhân duy nhất của hành vi với câu tuyên ngôn nổi tiếng “Cho tôi 1 tá trẻ sơ sinh khỏe mạnh và với thế giới do tôi tạo ra… tôi có thể dạy chúng thành bác sĩ, luật sư, nghệ sĩ kẻ ăn xin hay tên trộm”.
B.F. Skiner dựa theo chủ nghĩa hành vi gốc, theo đó loại bỏ tự do ý chí và các nguyên nhân bên trong của hành vi. Theo ông mọi hành vi được quyết định bởi yếu tố củng cố (các mô thức củng cố hoặc trừng phạt trong cuộc sống cá nhân). Mặc dù có sự phê phán rằng lý thuyết của Skiner về quyết định đã phủ nhận tính người của con người, ông giữ nguyên ý tưởng rằng tiếp cận của ông có thể dẫn dắt đến xã hội loài người. Ví dụ, nếu như con người không chịu trách nhiệm về các hành vi có hại của mình thì anh ta không nên bị trừng phạt vì anh ta không chịu trách nhiệm kiểm soát hành vi của mình. Ngược lại, môi trường, cái củng cố hành vi không mong muốn cần phải thay đổi sao cho các hành vi mong đợi được củng cố và tăng lên.
S. Freud định nghĩa cái quyết định dưới dạng vô thức và tạo ra nội dung của hành vi, gây ra bởi cái bên trong, các cơ chế tâm thần. Nói một cách đơn giản: hành vi bị quyết định bởi vô thức. Cá nhân không biết được hành vi của bản thân được thúc đẩy bởi điều gì và cũng rất khó khăn để điều khiển hành vi của bản thân. Ở vài khía cạnh, Freud còn cực đoan hơn Skiner, thừa nhận rằng một số hành vi là không thể dự đoán. Sự khác biệt cơ bản giữa Skiner và Freud bao gồm cả nguồn gốc của nguyên nhân; Freud tin vào cái nằm bên dưới các quá trình sinh học, trong khi Skiner lựa chọn tập trung vào nguyên nhân bên ngoài. Dù cho Freud và Skiner khác nhau trong hầu hết các chiều cạnh của vấn đề thì họ vẫn có 1 điểm chung: họ đều thừa nhận khó khăn khi dự đoán hành vi dù rằng hành vi được quy định. Từ đó họ phát triển khái niệm quyết định luận thống kê. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi hành vi được quy định bởi các quy luật, việc dự báo sẽ không bao giờ hoàn hảo bởi vì có rất nhiều nhân tố khác biệt mà phần lớn chúng ta không biết ảnh hưởng đến hành vi.
Có thể chia quyết định luận thành 2 nhóm chính: quyết định luận bên ngoài (external determinism) và quyết định luận bên trong (internal determinism). Quyết định luận bên ngoài thường bao gồm các yếu tố môi trường như: cha mẹ, trường học, truyền thông. Quyết định luận bên trong bao gồm các yếu tố sinh học hoặc các yếu tố tâm lý bị quy định trực tiếp bởi yếu tố sinh học. Theo cách phân chia này, Tâm lý học hành vi được coi là tiêu biểu của quyết định luận bên ngoài. Phân tâm học là đại diện của quyết định luận bên trong.
Gần đây, nhiều nhà khoa học phát triển Lý thuyết hỗn độn có liên quan đến việc đưa ra các dự báo về tổ hợp các sự kiện. Lý thuyết đó gợi ý rằng trong tình huống nguyên nhân - kết quả, một khác biệt nhỏ trong các điều kiện khởi đầu có thể dẫn đến sự khác biệt lớn trong đầu ra. Vận dụng lý thuyết này vào Tâm lý học thì có được một lưu ý rằng: hành vi không thể hoàn toàn dự báo dù cho chúng có thể chịu sự chi phối của các quy luật tự nhiên bởi lẽ xung quanh một hành vi có rất nhiều các yếu tố liên quan và không ngừng biến đổi.
Nếu ta coi bản chất của chủ nghĩa quyết định luận là mối quan hệ giữa hành vi của con người và môi trường, quan hệ giữa cái tâm lý bên trong và các tác nhân bên ngoài, thì việc quy hành vi của con người về quyết định luận hay phi quyết định luận sẽ chỉ là câu trả lời siêu hình và máy móc. Thực tế, Tâm lý học hiện đại phát triển và đạt được những thành tựu theo hướng không quy hành vi như là kết quả của một sự tác động đơn thuần từ bên ngoài hoặc bên trong. Hành vi được coi là kết quả của một sự tương tác phức tạp chủ thể - khách thể, đồng thời với tương tác của chính bản thân các yếu tố trong chủ thể với tư cách là các yếu tố trong một chỉnh thể - hệ thống. Lý thuyết nhận thức và hoạt động trong Tâm lý học là một xu hướng như vậy.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
- Raymond J. Corsini, Braun, The Dictionary of Psychology, Brumfield, ML,1999.
- Bonnie, R. Strickland, The GallEncyclopedia of Psychology, Executive editor, Gale group, 2001.
- Charler Spielbeger (Editor - in chief), Encyclopedia of Aplieded Psychology, Elsvior Academic press, 2012.
- С. Ю. Голоьин, Словаpb Психолога - практика, Минск, 2001.