Chuyển dịch ngược là những phản ứng vô thức (đôi khi cũng có ý thức) của nhà trị liệu đối với thân chủ và đối với sự chuyển dịch của thân chủ. Các suy nghĩ, cảm xúc này dựa trên những nhu cầu riêng, những xung đột tâm lý của nhà trị liệu và chúng có thể không được thể hiện hoặc bộc lộ thông qua những phản ứng có ý thức đối với các hành vi của thân chủ (APA, 2009).
Thuật ngữ chuyển dịch ngược do Freud đề xuất, ban đầu được sử dụng để mô tả một quá trình trong trị liệu phân tâm. Nhưng nó đã trở thành một thuật ngữ chung trong các dạng trị liệu khác nhằm đề cập đến những cảm xúc, suy nghĩ, hành vi một cách vô thức của nhà trị liệu đối với thân chủ. Đối với phân tâm cổ điển, chuyển dịch ngược được coi là rào cản cho việc nhà phân tâm hiểu về thân chủ của mình, nhưng đối với các nhà trị liệu hiện đại, chuyển dịch ngược có thể đóng vai trò như một nguồn thông tin về ảnh hưởng của thân chủ tới người khác. Nhưng dù nhìn nhận là gì thì nhà trị liệu vẫn cần ý thức và phân tích về sự chuyển dịch ngược xuất hiện trong quá trình trị liệu.
Altshul và Sledge (2002) đã chỉ ra và phân biệt 3 loại chuyển dịch ngược có thể xuất hiện ở nhà trị liệu.
Chuyển dịch ngược từ chối: bao gồm các phản ứng thể hiện sự giảm hứng thú hoặc đầu tư cho thân chủ. Những trạng thái của nhà trị liệu như sự buồn chán, thờ ơ, buồn ngủ, tự ti và quên là những ví dụ điển hình của loại chuyển dịch này. Các biểu hiện này khiến thân chủ không thể cảm thấy gắn bó vào mối quan hệ trị liệu. Có nhiều lý do khiến nhà trị liệu có chuyển dịch ngược từ chối. Một trong số đó là những nỗ lực tâm lý một cách vô thức của chính thân chủ để biến họ trở nên không hấp dẫn, không hứng thú và những nỗ lực này phản ánh một loạt những động cơ thù địch của thân chủ đối với nhà trị liệu. Bất luận những động cơ cho việc hình thành chuyển dịch ngược từ chối là gì, điều quan trọng là nhà trị liệu cần nhận ra bản thân mình có phản ứng đó và kết nối chúng với những gì đã diễn ra với nhà trị liệu và quá trình trị liệu. Một trong những bước quan trọng nhất của quá trình này là phân tích một cách chính xác những phản ứng cảm xúc của nhà trị liệu đối với thân chủ.
Chuyển dịch ngược kích hoạt: trong đó sự thấu cảm của nhà trị liệu bị cản trở bởi tình cảm tích cực hoặc tiêu cực đối với thân chủ. Sự chuyển dịch ngược tích cực thể hiện qua sự yêu thích/tình yêu mến mãnh liệt đối với thân chủ, mong muốn được gặp gỡ thân chủ và lý tưởng hóa những nỗ lực của thân chủ trong trị liệu. Sự chuyển dịch ngược tiêu cực thể hiện qua cảm xúc hận thù dữ dội hoặc cảm nhận tiêu cực mạnh thể hiện tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống tâm thần của nhà trị liệu mà thân chủ đã làm đầy. Chuyển dịch ngược kích hoạt mang theo gánh nặng và sự quyến rũ thôi thúc phải hành động. Niềm ngưỡng mộ mãnh liệt, sự lý tưởng hóa, các huyễn tưởng về việc giải cứu thân chủ trở nên quá hấp dẫn đến mức có thể thôi thúc hành động ở một số nhà trị liệu. Những phản ứng này trở nên có vấn đề khi nhà trị liệu mất kiểm soát trong mối quan hệ trị liệu và bắt đầu cảm thấy rằng mình ở đó vì một lý do khác, như là sửa chữa một sai lầm trong đời sống của thân chủ chẳng hạn.
Chuyển dịch ngược bằng hành động một cách vô thức: những hành động này được thể hiện thông qua những phản ứng mà ẩn sâu là cảm nhận thất bại của nhà trị liệu. Ví dụ, nhà trị liệu quên phiên làm việc thứ hai với thân chủ. Ban đầu, nhà trị liệu có thể không hiểu lý do của sự quên này và cũng không cảm thấy khó chịu khi mình đã quên phiên làm việc. Nhưng khi quá trình trị liệu tiến triển, nhà trị liệu có thể nhận ra rằng thân chủ đã gợi lên những ký ức của nhà trị liệu trong quá khứ, như việc bị cha mẹ bỏ quên. Và thân chủ đã gợi lại những cảm xúc tức giận và trách móc ở nhà trị liệu khiến nhà trị liệu một cách vô thức gửi chúng vào sự quên lãng để tránh phải đương đầu với nỗi đau đang tái hiện trong mình.
Để tự kiểm tra sự chuyển dịch ngược, nhà trị liệu để ý về những vấn đề trong cuộc sống mà mình thường mắc phải. Ví dụ, nhà trị liệu có thường lo lắng về việc bị đánh giá kém cỏi không và điều này tác động như nào đến quá trình trợ giúp cho thân chủ. Nhà trị liệu đã phản ứng như nào để chống lại nỗi sợ hãi bị đánh giá là thấp kém và điều này dẫn dắt những cảm xúc, hành vi, suy nghĩ nào trong quá trình trị liệu. Cách thức nhà trị liệu nhìn nhận hoặc đối phó với những suy nghĩ và cảm xúc liên quan đến trị liệu có thể cần một sự cấu trúc lại về nhận thức để giảm sự ảnh hưởng tiêu cực của chuyển dịch ngược vào mục tiêu trị liệu. Ngoài ra, việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ người giám sát chuyên môn là điều thiết yếu nhằm giúp nhà trị liệu kiểm soát và không để sự chuyển dịch ngược ảnh hưởng đến hiệu quả trị liệu.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Sledge, W.H., Countertransference, In Michel Hersen & William Sledge (Eds), Encyclopedia of Psychotherapy, Volume 1. USA: Elsevier Science, 2002.
- American Psychological Association, APA concise dictionary of psychology, Washington, DC: American Psychological Association, 2009.
- Praskoa, J., Diveky, T., Grambala, A., Kamaradova, D., Moznye, P., Sigmundova, Z., Slepeckyf, M., & Vyskocilovac, J., Transference and coutertransference in cognitive behavioral therapy, Biomed Pap Med Fac Univ Palacky Olomouc Czech Repub, 154 (3), 2010, 189 - 198.