Chuẩn hoá Test là việc xây dựng và đề ra các quy định về thủ tục tiến hành, điều kiện tiến hành, hướng dẫn cách đo, phương pháp xử lý kết quả, xác định các tiêu chuẩn của test, đặc điểm của nghiệm thể, nghiệm viên để đảm bảo tính khách quan của test tâm lý.
Chuẩn hóa test nhằm đảm bảo cho nó có được tính quy chuẩn ở tất cả các bước từ cách thức đo đạc, cách cho điểm, cách tiến hành xử lý kết quả cho đến kết luận. Nhờ chuẩn hóa test, có thể so sánh các kết quả thu được cho các đối tượng khác nhau và có thể biểu thị điểm test theo các chỉ số liên quan đến mẫu chuẩn hóa. Nếu test không có chuẩn hóa thì việc đo lường tâm lý chỉ là một quá trình không mang tính chính thức. Chuẩn hóa test là một quá trình phức tạp. Khi xây dựng một bộ test đo tâm lý, các nhà khoa học phải tiến hành chuẩn hóa nó qua ba bước sau:
Bước một, xây dựng và hoàn thiện quy trình, thủ tục đo test thống nhất, bao gồm các việc: 1) Quy định cụ thể về các điều kiện đo test như phòng làm việc, ánh sáng và các yếu tố bên ngoài khác như âm thanh, giọng nói, v.v.; 2) Soạn thảo một bản hướng dẫn cách đo test cho nghiệm thể dưới hình thức văn bản. Nội dung bao gồm các quy chuẩn về cách tiến hành đo test, kể cả các chuẩn quy định về giọng nói, dừng nghỉ, tốc độ nói, v.v.; 3) Đưa ra một bản chuẩn hóa các nội dung của test và dụng cụ dùng trong đo test. Bộ test phải được sản xuất ra với chất lượng đảm bảo, chuẩn về kích thước, gam màu, tông màu; 4) Soạn và ban hành bảng quy định thời gian thực hiện đo test; 5) Phát hành mẫu biểu chuẩn dùng cho nghiệm viên trong thực hiện phép đo test; 6) Bảng chỉ rõ ảnh hưởng của các yếu tố tình huống đến quá trình và kết quả thử nghiệm; 7) Bảng chỉ rõ ảnh hưởng từ hành vi của nghiệm viên đến quá trình và kết quả đo test và 8) Bảng chỉ rõ ảnh hưởng từ những kinh nghiệm của nghiệm thể đến quá trình và kết quả phép đo test.
Bước hai, xác định các tiêu chuẩn của test, tức là đưa ra các định mức cho các độ tuổi, ngành nghề, giới tính khác nhau, v.v. Các tiêu chuẩn test là những tiêu chuẩn định lượng và định tính dùng để đánh giá kết quả đo test tâm lý, cho phép xác định mức độ phát triển hoặc mức độ biểu hiện của các thuộc tính tâm lý cá nhân. Các yêu cầu đối với chuẩn test là phải có tính phân hóa cao, phản ánh đúng thực tế đời sống của nghiệm thể và những yêu cầu hiện tại của xã hội và phải mang tính đại diện. Để thiết lập một định mức, test phải được thử nghiệm trong các điều kiện tiêu chuẩn hóa trên một số lượng lớn mẫu đại diện. Số liệu từ thử nghiệm là cơ sở để xác định các hành vi tiêu chuẩn hoặc điển hình của nghiệm thể. Hiện nay, trong thực tiễn tâm lý đã có các loại định mức test sau đây: 1) Định mức cho các trường học, được phát triển trên cơ sở các test đo thành tích học tập, test đo năng lực học của học sinh trong nhà trường. Định mức này được dùng cho từng cấp học và có giá trị trên toàn quốc; 2) Định mức nghề nghiệp, được đưa ra trên cơ sở các bài test dùng cho các nhóm người chuyên môn khác nhau (ví dụ, thợ máy, nhân viên đánh máy, v.v.); 3) Định mức cơ sở, được xây dựng và dùng cho các nhóm người cụ thể có các đặc điểm chung về tuổi, giới tính, khu vực địa lý, tình trạng kinh tế xã hội, v.v. và 4) Định mức quốc gia, được phát triển cho các đại diện của một quốc gia, dân tộc nói chung. Các tiêu chuẩn của test là rất cần thiết dùng cho giải thích kết quả phép đo test.
Bước ba, biên soạn bản hướng dẫn xử lý số liệu và giải thích kết quả phép đo. Chuẩn hóa việc so sánh các kết quả đo với chỉ số đo của test ở một độ tuổi nhất định.
Những ưu điểm của một test tâm lý tiêu đã chuẩn hóa là: 1) Các test đã tiêu chuẩn hóa thường có chất lượng cao hơn so với các test chưa được chuẩn hóa; 2) Sử dụng các test đã chuẩn hóa có thể giúp các nhà tâm lý học và các chuyên gia khác không lãng phí thời gian; 3) Việc sử dụng các test tâm lý đã chuẩn hóa giúp các nhà tâm lý học dễ dàng giao tiếp với nhau hơn.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
- Айзенк Г.Ю., Проверьте свои способности, М.: Мир, 1972.
- Блейхер В.М., Бурлачук Л.Ф.. Психологическая диагностика интеллекта личности. Киев: Выща школа, 1978.
- Аванесов В.С., Тесты в социологическом исследовании, М.: Наука. Беляева И.Ю, и др.. Практикум по психодиагностике, Прикладная психодиагностика/ М., Изд-во МГУ, 116 с, 1982.
- Анастази А., Психологическое тестирование, Т.1., М.: Педагогика, 1982.
- Акимова М.К., Интеллектуальные тесты//Психология индивидуальных различий, М.: Изд-во МГУ. С., 122 - 128, 1987.
- Бурлачук Л.Ф., Морозов С.М., отв. ред. С.Б., Крымский.Словарь-справочник по психологической диагностике/ - Киев: Наук. думка, 1989.