Cảm giác vận động là cảm giác về những chuyển động, vị trí, sức căng cơ của các cơ quan bên trong cơ thể người và động vật. Chúng hình thành do các thụ thể chuyên biệt (proprio) nằm ở các cơ, gân, khớp, dây chằng khi bị kích thích tạo ra các xung thần kinh. Sau đó, các xung thần kinh được truyền lên vỏ não qua các đường truyền hướng tâm, gây ra các phản xạ và trương lực cơ, điều hành, kiểm soát mọi sự diễn ra, phối hợp của các vận động cơ.
Cấu trúc
Cảm giác vận động dễ dàng kết hợp với nhau và với các loại cảm giác khác như xúc giác, tiền đình, thính giác, thị giác, tạo cơ sở cho xuất hiện những hoạt động liên kết của nhiều cơ quan cảm giác. Hệ thống cảm giác vận động có cấu trúc 3 phần: 1) Phần ngoại vi, gồm các thụ thể proprio nằm trong cơ, gân và bao khớp; 2) Phần dẫn truyền, bắt đầu với các tế bào lưỡng cực (tế bào thần kinh thứ nhất), nằm trong các hạch tủy sống, một cực nối với các thụ thể, cực kia đi vào tủy sống và truyền các xung thần kinh từ các thụ thể proprio đến các tế bào thần kinh thứ hai (một phần dẫn truyền đi đến tiểu não), sau đến các tế bào thần kinh thứ ba nằm ở não trung gian; 3) Phần trung ương của hệ thống cảm giác vận động nằm ở thùy trung tâm trước của hai bán cầu đại não.
Đặc trưng
Cảm giác vận động có các đặc trưng cơ bản sau: 1) Nó thường xuyên tiến hành xác định rõ vị trí của từng bộ phận cơ thể người, đối chiếu vị trí của các cơ quan đó với nhau để xác định vị trí cụ thể của một cơ quan đang di chuyển trong không gian và thời gian. Cảm giác về vị trí này rất quan trọng, giúp chủ thể dựng bản đồ vị trí cơ thể trong không gian mà nếu thiếu nó thì không người nào có thể sử dụng tốt các bộ phận cơ thể vào bất kỳ một hoạt động nào cho chính xác và có hiệu quả; 2) Cảm giác vận động luôn xác định rõ vị trí của từng bộ phận cơ thể người trong lúc căng cơ ở dạng tĩnh (tức là vị trí đứng yên) tạo ra một cảm giác cơ khi nó ở thời điểm không vận động (vận động thụ động). Cảm giác này có vai trò nhận biết khoảng cách hoặc mức độ của chuyển động thụ động; nhận biết hướng của vận động thụ động bao gồm bên trên, bên dưới, bên phải, bên trái của chuyển động; 3) Cảm giác vận động giúp chủ thể nhận biết các chỉ báo về thời gian, xác định thời lượng, tốc độ di chuyển, mức tiêu hao năng lượng thần kinh cơ của vận động.
Vai trò
Cảm giác vận động có vai trò quan trọng nhiều mặt đối với hoạt động tâm lý của con người. Ví dụ, trong hoạt động của trắc thủ, cảm giác vận động có vai trò to lớn để hình thành các kỹ xảo vận động, tự động hóa. Các vận động cảm giác không chỉ đóng vai trò là cái điều chỉnh vận động mà còn là cơ sở tâm sinh lý của các tri giác không gian, thời gian, nhận biết các đối tượng, suy đoán về các vật, tham gia vào quá trình tư duy, ngôn ngữ trừu tượng. Cảm giác vận động có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng lời nói, chất lượng thị giác, thính giác và các cơ quan cảm giác khác. Tầm nhìn không gian của mắt được xác định chính xác do có sự tham gia của các vận động cơ mắt. Cảm giác vận động còn tham gia vào xác định khoảng cách, cự li, chiều cao, đường đi và tốc độ di chuyển của mọi vật; xác định tỷ lệ giữa không gian và thời gian của vật chuyển động, biến các thụ thể nhận tín hiệu bên ngoài thành thụ thể nhận tín hiệu bên trong; đóng vai trò quan trọng trong phát triển ngôn ngữ và tư duy. Bộ máy phát ra tiếng nói không thể làm việc hiệu quả nếu thông tin về tình trạng hoạt động của nó không được các vận động cơ đi từ các bộ phận của nó thông báo về trung ương thần kinh. Như vậy, cảm giác vận động chính là cơ quan đóng vai trò phản hồi ngược, giúp cho hệ thần kinh trung ương kịp thời điều chỉnh hoạt động của các cơ quan bên trong cơ thể.
Tài liệu tham khảo
- Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
- Clark F.J., Burgess R.C., Chapin J.W., Lipscombe W.T., Role of intramuscular receptors in the awareness of limb position, J. Neurophysiol, 1985.
- Ferrell W.R., Gandevia S.C., McCloskey D.I., The role of joint receptors in human kinaesthesia when intramuscular receptors cannot contribute, J. Physiol, 1987.
- Wolpert D.M., Ghahramani Z., Jordan M.I., An internal model for sensorimotor integration, Science, 1995.
- Gandevia S.C., Kinaesthesia: roles for afferent signals and motor commands, In: Rowell L.B., Sheperd T.J. editors. Handbook of Physiology Exercise: regulation and integration of multiple systems. New York: Oxford University Press, 1996.
- Proske U., What is the role of muscle receptors in proprioception? Muscle Nerve, 2005.
- Winter J., Allen T.J., Proske U., Muscle spindle signals combine with the sense of effort to indicate limb position, J. Physiol, 2005.
- Allen T.J., Proske U., Effect of muscle fatigue on the sense of limb position and movement, Exp Brain Res, 2006.