Bảng kê sở thích là loại trắc nghiệm xác định sở thích của một người đối với các lĩnh vực hoặc hoạt động cụ thể.
Bảng kê sở thích là một công cụ được thiết kế với mục đích đo lường và đánh giá mức độ quan tâm hoặc ưa thích của một cá nhân đối với nhiều hoạt động khác nhau; còn được gọi là trắc nghiệm sở thích. Các phương pháp đánh giá bao gồm quan sát trực tiếp hành vi, đánh giá năng lực và bảng kê tự báo cáo về sở thích trong các hoạt động giáo dục, xã hội, giải trí và dạy nghề. Các hoạt động thường được hiển thị trong bảng kê sở thích có liên quan đến các lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau và các công cụ này cùng kết quả của chúng được sử dụng nhiều hơn trong hướng nghiệp.
Bảng kê sở thích đầu tiên được sử dụng rộng rãi là bảng kê sở thích nghề nghiệp Strong, được phát triển vào năm 1927 bởi E.K. Strong. Phiên bản ban đầu được thiết kế chỉ dành cho nam giới, phiên bản dành cho phụ nữ được phát triển vào năm 1933. Năm 1974, trắc nghiệm Strong đã được hợp nhất thành Bảng kê sở thích Strong-Campbell, sau sửa đổi của Campbell. Trắc nghiệm này còn tiếp tục được sửa đổi, cập nhật nhiều lần nữa. Số lượng mệnh đề sau mỗi lần sửa đổi, cập nhật cũng khác nhau. Các mệnh đề có nội dung liên quan đến nghề với các hoạt động, loại nghề nghiệp, môn học, kiểu người khác nhau. Câu trả lời theo định dạng: thích, không thích, hoặc thờ ơ. Ở phiên bản cuối cùng, năm 2012, bảng kê sở thích Strong được chấm điểm với 260 thang đo khác nhau và là công cụ có giá trị trong việc lựa chọn nghề phù hợp.
Công cụ khác về sở thích cũng được sử dụng phổ biến là Bản ghi sở thích Kuder, được phát triển vào năm 1939. Bản ghi Sở thích Kuder gồm 168 mục liên quan đến sở thích nghề nghiệp, câu trả lời có ba lựa chọn. Trắc nghiệm có 10 thang điểm để đo lường các lĩnh vực như nghệ thuật, văn thư, cơ khí và khoa học. Trên cơ sở này, những nghề nghiệp phù hợp có thể được thảo luận với người trả lời.
Các bảng kê sở thích khác bao gồm Bảng kê sở thích Guilford-Zimmerman (Guilford- Zimmerman Interest Inventory), Khảo sát sở thích Guilford-Shneidman-Zimmerman (Guilford-Shneidman-Zimmerman Interest Survey), Khảo sát Sở thích Nghề nghiệp California (California Occupational Preference Survey), Khảo sát Sở thích Nghề nghiệp Jackson (Jackson Vocational Interest Survey) và Khảo sát Sở thích Nghề nghiệp Ohio (Ohio Vocational Interest Survey). Ngoài ra còn có các bảng kê được thiết kế đặc biệt cho trẻ em, cho người tàn tật và cho những người quan tâm đến các ngành nghề có tay nghề cao.
Bảng kê sở thích được sử dụng rộng rãi trong tư vấn hướng nghiệp, cho cả thanh thiếu niên và người lớn. Vì những trắc nghiệm này chỉ đo lường sở thích chứ không phải khả năng, giá trị của chúng như là những yếu tố dự báo thành công trong nghề nghiệp, mặc dù có giá trị, nhưng vẫn bị hạn chế. Chúng đặc biệt hữu ích trong việc giúp học sinh trung học và đại học làm quen với các lựa chọn nghề nghiệp và nhận thức được sở thích nghề nghiệp của họ. Bảng kê sở thích cũng được sử dụng trong việc lựa chọn và phân loại nhân viên.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bauernfeind, R., California Occupational Preference Survey, Journal of Educational Measurement, 6 (1), 1969, pp. 56 - 58.
- Harmon, L., Ohio Vocational Interest Survey, Measurement and Evaluation in Counseling and Development, 17 (4), 1985, pp. 224 - 226.
- Sigma Assessment Systems, Jackson Vocational Interest Survey manual (2nd ed.), Port Huron, MI: Author, 2000.