Bảng hỏi nhân cách Eysenck Công cụ đo lường các nét nhân cách con người dựa trên lý thuyết nhân cách của Hans J. Eysenck (1916 - 1997). Lý thuyết của Eysenck H.J. về nhân cách có cơ sở từ sinh lý học và di truyền học. Ông tin rằng sự khác biệt về tính cách con người là do gen di truyền quyết định, do đó ông chủ yếu quan tâm đến khí chất. Khi đưa ra một lý thuyết dựa trên khí chất, Eysenck không loại trừ khả năng một số khía cạnh của nhân cách phụ thuộc vào quá trình giáo dục, nhưng ông không nghiên cứu vấn đề này. Ban đầu, Eysensk H.J. xác định cấu trúc nhân cách gồm 2 chiều cạnh độc lập nhau là Hướng ngoại - Hướng nội (Extraverson - Intraverson) và Tính thần kinh (Neuroticism). Sau đó, ông bổ sung thêm chiều cạnh thứ ba là Rối loạn tâm thần (Psychoticism). Ông gọi đây là 3 siêu đặc điểm trung tâm của nhân cách. Cấu trúc này là cơ sở để Eysensk và những người khác hình thành nên bản câu hỏi nhân cách Eysensk (EPQ).
Kể từ khi tạo ra phiên bản gốc, nhiều nỗ lực đã được thực hiện để sửa đổi và cải thiện công cụ này (Eysenck, 1952, 1959; Eysenck & Eysenck, 1964, 1975, 1992). Những sửa đổi này thường bổ sung thêm càng nhiều mục, do đó bản câu hỏi càng mất nhiều thời gian hơn để trả lời. Phiên bản bản câu hỏi nhân cách Eysenck sửa đổi (EPQ-R) là phiên bản gần đây nhất, đo lường 3 chiều cạnh nhân cách như lý thuyết đã chỉ ra. Eysensk cho rằng ba chiều cạnh này chiếm phần lớn sự biến đổi nhân cách của con người. Mỗi chiều cạnh bao gồm một số lượng lớn các đặc điểm cụ thể.
EPQ-R bao gồm 94 mục tự báo cáo, chẳng hạn như “Bạn có muốn đến các cuộc hẹn chiếm nhiều thời gian không?”, hay “Bạn có lo lắng nhiều về ngoại hình của mình không?”. Câu trả lời dạng Có/Không thể hiện sự đồng ý hoặc không đồng ý với các mục của bảng hỏi. Điểm tổng hợp được tính trên từng chiều cạnh nhân cách. Những cá nhân có điểm cao trong thang điểm Rối loạn tâm thần (27 mục) có khả năng phát triển chứng rối loạn tâm thần, vì họ có thể biểu hiện những đặc điểm tương tự như những người đã từng xa rời thực tế. Những người này cũng có thể có mức độ tức giận cao và có xu hướng biểu hiện một số loại rối loạn hành vi hoặc ứng xử. Họ có thể được mô tả là thù địch hoặc vô đạo đức và họ có thể coi thường các quy ước xã hội thông qua sự không tuân thủ, thiếu thận trọng, thao túng người khác và bốc đồng. Những đặc điểm tiềm ẩn khác của những người có điểm rối loạn tâm thần cao bao gồm tính cứng rắn, hung hăng, tính ích kỷ, tính quyết đoán và chủ nghĩa giáo điều. Mặc dù có một số nghiên cứu về cơ sở sinh học của chứng loạn thần còn hạn chế, nhưng người ta cho rằng những cá nhân này đã tăng mức testosterone.
Thang đo Hướng ngoại - Hướng nội (22 mục) đo lường mức độ hòa đồng xã hội và ảnh hưởng của cá nhân. Những người có điểm số cao ở thang đo này có xu hướng hòa đồng, vô tư và hào hứng. Những người này thích các bữa tiệc và cảm thấy cần phải có những người khác để trò chuyện cùng. Họ có khả năng tham gia vào các hoạt động xã hội và có thể mất kiểm soát nhanh chóng. Những đặc điểm khác của những người có điểm hướng ngoại cao bao gồm vô trách nhiệm, thống trị, tìm kiếm cảm giác và tham gia vào các hành vi nguy cơ. Những người có điểm hướng ngoại thấp (hay còn gọi là người hướng nội) thường có đặc điểm là đáng tin cậy, hơi bi quan và có đạo đức cao. Điểm hướng ngoại có tương quan ở mức cao với các yếu tố sinh học như mức độ kích thích vỏ não và kích thích sinh lý nói chung.
Những cá nhân đạt điểm cao trong thang điểm Tính thần kinh (24 mục) của EPQ-R thường có tính khí dễ bị ảnh hưởng tiêu cực. Cụ thể hơn, họ thường có mức độ lo lắng và/hoặc trầm cảm cao. Những người này có thể thường xuyên lo lắng hoặc căng thẳng, thường ngủ không ngon giấc và dễ mắc các chứng rối loạn tâm thần. Ngoài ra, họ có thể quá xúc động và phản ứng quá mạnh với các sự kiện trong môi trường của họ. Những đặc điểm khác mà những người đạt điểm cao ở thang Tính thần kinh có thể có bao gồm cảm giác tội lỗi, ủ rũ, căng thẳng, suy nghĩ ám ảnh, lòng tự trọng thấp và phụ thuộc. Về mối liên hệ sinh học, người ta cho rằng cơ sở của Tính thần kinh là hệ thần kinh giao cảm, hệ thống điều khiển phản ứng đối với các kích thích đe dọa từ môi trường.
Các thang đo tự báo cáo như EPQ-R phụ thuộc vào tính trung thực và chính xác của người trả lời. Do đó, EPQ-R cũng bao gồm thang điểm “nói dối” (21 mục) để phát hiện câu trả lời không chính xác hoặc theo mong đợi xã hội. Nếu người trả lời không thể thừa nhận một số thói quen hàng ngày của con người hoặc đang cố gắng trình bày bản thân mình một cách quá tích cực, thì thang điểm nói dối sẽ cao. Khi thang điểm nói dối cao, các thang điểm khác không cần phải diễn giải bởi thiếu sự tin cậy.
EPQ-R và các phiên bản trước đó của nó đã được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu tâm lý và trong trường hợp đó, các đặc điểm tâm trắc của EPQ-R đã được nghiên cứu đầy đủ. Các nghiên cứu về độ tin cậy và độ giá trị của EPQ-R cho thấy thang đo Tính thần kinh và Hướng ngoại - hướng nội của EPQ-R đã nhận được một số lượng đáng kể các bằng chứng thực nghiệm ủng hộ cho đo lường tâm lý, nhưng thang Rối loạn tâm thần thì không. Đặc biệt, thang này được chứng minh là có độ tin cậy thấp. Cấu trúc của Rối loạn tâm thần chưa được nghiên cứu sâu rộng như Tính thần kinh hoặc Hướng ngoại - hướng nội, điều này có thể giải thích những điểm yếu về mặt tâm trắc của thang Rối loạn tâm thần.
EPQ-R là công cụ đo lường nhân cách đã được thử nghiệm ở nhiều quốc gia khác nhau. EPQ-R cũng được sử dụng rộng rãi cho nghiên cứu tâm lý. Thang Hướng ngoại - hướng nội và tính thần kinh có độ tin cậy và giá trị tốt có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau: để giải thích và mô tả tính cách con người, sử dụng với mục đích lâm sàng. Đây là mô hình nhân cách dựa trên cơ sở sinh học, khác với các mô hình nhân cách khác, như mô hình Big Five hoặc các mô hình dựa trên “kiểu loại tâm lý”, trong đó các nguyên nhân sinh học là không cần thiết để xác định cấu trúc như một yếu tố nhân cách.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Eysenck, S. B. G., Eysenck, H. J., & Barrett, P., A revised version of the Psychoticism Scale, Personality and Individual Differences, 6, 1985, pp. 21 - 29.
- Eysenck, H. J. Biological dimensions of personality. In L. A. Pervin (Ed.), Handbook of personality: Theory and research, New York: Guilford Press, 1990, pp. 244 - 276.
- Eysenck, H. J., & Eysenck, S. B. G., Manual for the Eysenck Personality Questionnaire-Revised, San Diego, CA: Educational and Industrial Testing Service, 1992.
- Barrett, P. T., Petrides, K. V., Eysenck, S. B., & Eysenck, H. J., The Eysenck Personality Questionnaire: An examination of the factorial similarity of P, E, N, and L across 34 countries, Personality and individual differences, 25 (5), 1998, pp. 805 - 819.