Trắc nghiệm 16 yếu tố nhân cách là một trong những công cụ đánh giá toàn diện, lâu đời và được sử dụng rộng rãi để đánh giá các đặc điểm nhân cách phổ bình thường (không bao gồm người bất thường) đối với người lớn.
Tác giả chính của trắc nghiệm 16 yếu tố nhân cách (I6PF), Raymond B. Cattell (1905 - 1998) sinh ra ở Anh và lớn lên trong thời kỳ xuất hiện rất nhiều các phát minh khoa học kỹ thuật. Bản thân ông cũng mong muốn áp dụng các phương pháp khoa học khách quan để có những khám phá tương tự như vậy trong lĩnh vực tâm trí và nhân cách con người. Ông cho rằng, nhân cách con người không phải là một bí ẩn không thể biết và không thể kiểm chứng. Thông qua nghiên cứu khoa học, các đặc điểm và hành vi của con người có thể được dự đoán dựa trên các đặc điểm nhân cách tiềm ẩn. Được làm việc với nhà tâm lý học Spearman C., người tiên phong sử dụng các kỹ thuật thống kê trong nghiên cứu tâm lý học, Cattell đã không ngừng học hỏi và sau này áp dụng kỹ thuật phân tích nhân tố do Spearman phát triển để hình thành nên lý thuyết về phân loại nhân cách của mình.
Trắc nghiệm 16 yếu tố nhân cách là kết quả nhiều năm nghiên cứu thực nghiệm của chính Cattell nhằm khám phá các thành phần cơ bản của cấu trúc nhân cách và xác định sự khác biệt cá nhân. Trắc nghiệm đề cập đến 16 đặc điểm nhân cách cơ bản ở phổ bình thường như tên gọi của nó, mỗi đặc điểm bao gồm những chi tiết và sắc thái tạo nên mỗi người là duy nhất và chúng được xác định là có khả năng dự đoán hành vi thực tế của con người.
Trắc nghiệm 16 yếu tố nhân cách được hình thành nhờ sử dụng một kỹ thuật toán học là phân tích nhân tố để xác định các đặc điểm cơ bản từ một tập hợp lớn các quan sát hành vi. Cattell bắt đầu với danh sách khoảng 4.500 tính từ mô tả hành vi của con người của Allport và Odbert phát triển vào năm 1936. Sau đó, Cattell nhờ sử dụng phân tích nhân tố đã liên tiếp giảm danh sách này xuống còn 171 thuật ngữ đại diện cho các nhóm từ đồng nghĩa, 35 đặc điểm bề mặt và cuối cùng là 16 đặc điểm cơ bản, là cơ sở cho trắc nghiệm nhân cách của mình. Cattell đã phân tích dữ liệu thực nghiệm từ hai nguồn, đánh giá đồng cấp (đánh giá hành vi của người khác trong các tình huống hàng ngày qua quan sát) và tự báo cáo (tự đánh giá các hành vi của bản thân), nhằm xác định những đặc điểm tương tự nhau từ các nguồn đánh giá khác nhau. Các kết quả thường được hội tụ theo cấu trúc 16 chiều cạnh và được sử dụng làm cơ sở cho phiên bản đầu tiên của trắc nghiệm 16 yếu tố nhân cách được xuất bản vào năm 1949. Kể từ đó, bốn lần chỉnh sửa đã được tiến hành để cải thiện nội dung và hiệu chỉnh công cụ (1956, 1962, 1968 và 1993). Phiên bản thứ 5 là phiên bản cuối cùng gồm 185 mệnh đề (item), đã được cập nhật và nâng cấp nội dung các mệnh đề từ các phiên bản trước đó và đã được chuẩn hóa trên mẫu quần thể đương thời. Nhìn chung, kể từ năm 1956, các thang đo phần lớn vẫn giữ nguyên các ý nghĩa cơ bản như hiện tại.
Trắc nghiệm 16PF đã được thích nghi để phù hợp với nhiều loại quần thể. Ví dụ, một ấn bản bằng ngôn ngữ ký hiệu Hoa Kỳ đã được xác nhận để sử dụng cho những người khiếm thính. Một ấn bản khác, mẫu E, đã được phát triển để sử dụng cho những người có kỹ năng đọc viết bị hạn chế nghiêm trọng. Trắc nghiệm đã được sử dụng với 50 ngôn ngữ khác nhau trên toàn thế giới và có điểm chuẩn hóa cho các quần thể ở nhiều quốc gia khác nhau.
Trắc nghiệm 16 yếu tố nhân cách là trắc nghiệm có độ tin cậy và độ giá trị cao. Hệ số tin cậy tái kiểm tra (test-retest) của các thang đo trung bình là 0,80 trong khoảng thời gian vài tuần và 0,70 trong khoảng thời gian vài tháng. Về độ giá trị, kết quả các nghiên cứu cho thấy nội dung của 16PF có tương đồng với nội dung của các công cụ tương tự khác, chẳng hạn như Bảng kiểm Tâm lý California và Bảng kiểm Nhân cách NEO. Kết quả các phân tích cho thấy hệ số tương quan giữa điểm của các trắc nghiệm này ở cấp độ cá nhân là khá cao. Tuy nhiên, so với các trắc nghiệm nét nhân cách khác, mô hình nhân cách đa biến của trắc nghiệm 16 yếu tố nhân cách khá đặc biệt và được dùng trong một khuôn khổ rộng hơn nhằm giải quyết những khác biệt cá nhân trong học tập và phát triển. Điểm mạnh chính của trắc nghiệm 16 yếu tố nhân cách nằm ở chỗ phần lớn các kết quả nghiên cứu được tích lũy theo thời gian. Hàng nghìn bài báo và sách đã xuất bản đã cung cấp một cơ sở dữ liệu phong phú mà rất ít công cụ có thể sánh được.
Trắc nghiệm 16 yếu tố nhân cách gồm các câu hỏi với lựa chọn bắt buộc, trong đó người trả lời phải chọn một trong ba phương án khác nhau (tán thành, không thể quyết định và không tán thành). Các đặc điểm nhân cách sau đó được thể hiện bằng một phạm vi điểm và điểm của cá nhân rơi vào đâu đó trên phổ điểm liên tục giữa các cực điểm cao nhất và thấp nhất của thang đo.
Các thang đo chính của trắc nghiệm thể hiện 16 đặc điểm nguồn cơ bản của nhân cách, được chỉ định bằng các ký hiệu chữ cái như sau: A-Ấm áp. B-Tư duy suy lý. C-Ổn định cảm xúc. E-Quyền uy. F-Sống động. G-Quy tắc-Ý thức. H-Tính xã hội. I-Tính nhạy cảm. L-Tính thận trọng. M-Tính trừu tượng. N-Tính riêng tư. O-Sự hiểu biết. Q1-Sẵn sàng thay đổi. Q2-Tính tự chủ. Q3-Chủ nghĩa hoàn hảo. Q4-Căng thẳng. Mỗi đặc điểm cơ bản là một phổ liên tục của các cặp tính cách ở hai cực trái ngược nhau. Ví dụ: thang G (quy tắc - ý thức) là một phổ từ cực tuân thủ đến không tuân thủ; thang C (ổn định cảm xúc): bình tĩnh - căng thẳng; thang N (tính riêng tư): kín đáo - cởi mở; thang Q1 (sẵn sàng thay đổi): linh hoạt - bảo thủ…
Ngoài các thang đo trên, trắc nghiệm 16 yếu tố nhân cách cung cấp các chỉ số hướng đến thái độ làm trắc nghiệm. Phiên bản cuối cùng có ba loại chỉ số: Quản lý ấn tượng (IM), Không thường xuyên và Thu hồi. Các thang đo này rất hữu ích trong việc xác định các mẫu phản ứng BT về mặt thống kê và đòi hỏi các chiến lược diễn giải thay thế. Điểm quản lý ấn tượng cao hàm ý rằng người trả lời có xu hướng đánh giá cao hơn thực tế.
Các công thức tính điểm cũng đã được phát triển để đánh giá các đặc điểm phản ánh sự pha trộn của các thang đo chính. Một điểm mà Cattell nhấn mạnh rằng, nhân cách như một cấu trúc đa tầng bậc. Tầng trên gồm những đặc điểm nhân cách được gọi là “các yếu tố toàn cầu”. Chúng đánh giá các đặc điểm tương tự như những đặc điểm được Big Five mô tả trong các nghiên cứu nhân cách đương đại, đó là: Hướng ngoại, Tính thần kinh, Tính ý thức, Tính tận tâm và Sẵn sàng trải nghiệm. Ngoài những yếu tố toàn cầu này, trắc nghiệm 16 yếu tố nhân cách có thể được chấm điểm cho khoảng 100 thang trên cơ sở nhiều năm nghiên cứu về các ứng dụng trắc nghiệm 16 yếu tố nhân cách trong tâm lý lâm sàng, tư vấn và tổ chức. Nhiều nghiên cứu cho thấy mối quan hệ giữa điểm trắc nghiệm 16 yếu tố nhân cách với sở thích nghề nghiệp, hiệu suất công việc, sở thích học tập, sự hấp dẫn giữa các cá nhân và sự hài lòng hôn nhân.
Trắc nghiệm 16 yếu tố nhân cách khá dễ thực hiện và thường được ghi bằng tay, nhưng 16PF là một trong những trắc nghiệm nhân cách sớm nhất được diễn giải bằng máy tính. Một số lượng lớn các chương trình đã xuất hiện để xem xét điểm trắc nghiệm này trong các ngữ cảnh cụ thể, chẳng hạn như tư vấn hôn nhân, phát triển sự nghiệp và hiệu suất của tổ chức. Các dịch vụ gửi kết quả qua thư tín hoặc trả kết quả ngay tại chỗ đều có sẵn cho trắc nghiệm 16 yếu tố nhân cách. Điểm số có thể được giải thích bằng một số hệ thống khác nhau, tùy thuộc vào lý do tại sao trắc nghiệm được sử dụng. Một số báo cáo diễn giải có cách tiếp cận lâm sàng xem xét tính cách, trong khi những báo cáo khác tập trung hơn vào các chủ đề như lựa chọn nghề nghiệp, phát triển tinh thần đồng đội hay tiềm năng lãnh đạo.
Trắc nghiệm 16 yếu tố nhân cách không được thiết kế đặc biệt để sử dụng cho các quần thể lâm sàng, bởi nó yếu trong việc đánh giá các rối loạn về cảm xúc và nhận thức. Tuy nhiên, một tổ chức nghiên cứu lâm sàng cho thấy rằng trắc nghiệm có thể được áp dụng hữu ích trong việc tìm hiểu động lực của việc điều chỉnh các rối loạn nhân cách, nghiện và lạm dụng bạn đời. Các nghiên cứu dọc được tiến hành thận trọng cũng đã xác định các yếu tố nguy cơ sức khỏe thể chất trong các thang điểm chính. Ví dụ, điểm trắc nghiệm đã được chứng minh là có thể dự đoán các cơn đau tim tiếp theo ở người lớn không có triệu chứng.
Hơn 50 năm, trắc nghiệm 16 yếu tố nhân cách đã phát triển thành một công cụ được sử dụng rộng rãi để đánh giá nhân cách của người trưởng thành. Một lịch sử nghiên cứu thực nghiệm lâu dài về trắc nghiệm của Cattell kết hợp với nguồn gốc lý thuyết được thiết lập tốt đã cung cấp cơ sở diễn giải phong phú cho người dùng trắc nghiệm.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Cattell, R.B., Personality and Motivation Structure and Measurement, New York: World Book, 1957.
- Cattell, R.B., Eber, H.W., & Tatsuoka, M.M., Handbook for the Sixteen Personality Factor Questionnaire, Champaign, IL: IPAT, 1970.
- Cattell, R.B, Personality and mood by questionnaire, San Francisco: Jossey-Bass, 1973.
- Cattell, R.B., Personality and learning theory, Vol. 1, The structure of personality in its environment, New York: Springer, 1979.
- Cattell, R.B., Personality and learning theory, Vol. 2, A systems theory of maturation and structured learning, New York: Springer, 1980.
- Krug, S.E., Solid state psychology: The role of the computer in human assessment, In R.B. Cattell & R.C. Johnson (Eds.), Functional psychological testing: Principles and instruments, New York: Brunner/Mazel, 1986, pp. 127 - 141.
- Krug, S.E., Psychware sourcebook: A reference guide to computer-based products for assessment in psychology, business, and education (4th ed.), Champaign, IL: MetriTech. Krug, S.E., & Johns, E.F., 1993.