Bán cầu đại não phải là vùng bán cầu đại não chuyên về tư duy phi ngôn ngữ, bản năng và tư duy toàn diện. Ở một người trưởng thành bình thường, mỗi bán cầu đại não, dù hoạt động kết hợp với nhau, vẫn có khả năng thực hiện vài chức năng có hiệu quả hơn bán cầu kia. Mỗi bán cầu đại não thường nhận thông tin và điều khiển hoạt động ở phía bên đối diện của cơ thể.
Các nhà khoa học đã nhận ra các chức năng đặc hiệu của mỗi bán cầu, được gọi là não bộ thiên về một bên (lateralization) trong vòng hơn 100 năm nay. Điều được tìm ra là kỹ năng về ngôn ngữ được kiểm soát bởi não trái trong 95% những người thuận tay phải và trong khoảng 2/3 những người thuận tay trái. Trong thế kỷ XIX, do việc giao tiếp bằng lời nói, ngôn ngữ được cho là trung tâm của ý thức loài người, phát hiện này dẫn đến giả thuyết cho rằng tất cả khả năng tư duy cao cấp thuộc về não trái, khiến cho bán cầu não trái được cho là não chiếm ưu thế về chức năng ngôn ngữ.
Các nghiên cứu thực hiện vào những năm 1950 và 1960 đã nêu lên rằng hai bán cầu đại não của một bộ não hoạt động bình thường, được kết nối bởi thể trai (corpus callosum). Đây là một “cáp” thần kinh to - hoạt động cho sự bổ trợ nhau của cả hai bán cầu não trong các chức năng nhận thức cao cấp. Một sự khác biệt cơ bản giữa hai bán cầu đại não liên quan nhiều đến cách kích hoạt, hơn là cấp độ tư duy, lập luận. Một nghiên cứu của Roger Sperry ở Viện Nghiên cứu Công nghệ California đã quan sát và thử nhiệm trên các bệnh nhân đã trải qua can thiệp “cắt mép não” (brain commissurotomy) để kiểm soát động kinh. Đây là một phẫu thuật cắt tất cả các sợi dây thần kinh của thể chai nhằm ngắt kết nối hai bán cầu đại não. Hai bán cầu đại não, thông thường có xu hướng hoạt động cùng nhau, nay trở thành hai phần vỏ đại não độc lập và không còn tiếp cận được với các cảm giác, suy nghĩ, hay hoạt động của bên còn lại. Sau phẫu thuật thấy rằng, những người thuận tay phải không có vấn đề gì về khả năng viết - việc thường được kiểm soát bởi bán cầu đại não trái - nhưng họ mất đi khả năng vẽ, do bán cầu đại não trái đã mất chức năng xác định không gian, hình dạng được vận hành bởi bán cầu phải. Khi một thiết bị đặc biệt được sử dụng để chiếu hình ảnh của một chiếc thìa tới duy nhất trường thị giác phải - thường được điều khiển bởi phần não trái - của bệnh nhân nhóm này, đối tượng có thể đọc tên chính xác được sự vật. Nhưng ngược lại, khi hình ảnh tương tự được chiếu tới duy nhất trường thị giác trái - được điều khiển bởi bán cầu não phải - đối tượng không thể đọc được tên của sự vật đó. Nghiên cứu trên đối tượng “tách não” (split-brain) và đối tượng bình thường từ những năm 1960 đã xác nhận rằng cả hai bán cầu đại não đều có các khả năng nhận thức cao cấp. Đối với não trái là chức năng phân tích và ngôn ngữ, não phải là cho việc xử lý thông tin nhanh, phức tạp, thuộc về không gian và đặc trưng cho hình ảnh và âm nhạc. Đặt biệt là thùy thái dương phải, phụ trách chức năng hình dung hình ảnh và âm thanh. Những người bị tổn thương vùng này sẽ gặp khó khăn trong việc nhớ ra những giai điệu, gương mặt, hình ảnh quen thuộc và khó khăn để nhận biết những hình ảnh và âm thanh mới. Bán cầu đại não phải còn có kết nối đặc biệt với cảm xúc. Tổn thương não phải cản trở quá trình biểu hiện cũng như nhận biết cảm xúc. Tổn thương thùy trước của bán cầu não này làm mất khả năng phản ứng hay biểu đạt những cảm xúc mạnh. Nếu tổn thương này ở phần não sau, một người vẫn có thể biểu hiện cảm xúc nhưng không thể nhận ra các cảm xúc được biểu đạt trên một người khác, hay trên tranh ảnh.
Bán cầu đại não phải kiểm soát phần bên trái của cơ thể và được cho rằng kiểm soát các chức năng về không gian, âm nhạc và nghệ thuật, cũng như khả năng kiểm soát cơ thể, nhận thức về không gian xung quanh, sáng tạo và trí tưởng tượng. Một đặc điểm chung của xử lý thông tin trong bán cầu não phải là xu hướng tổng hợp thay vì phân tích, liên quan đến những vật cụ thể hơn là biểu tượng. Trong khi bán cầu não trái thường dùng một phần của thông tin để thể hiện cho cái lớn hơn, thì não phải thường phân tích thông tin theo các mối tương quan (phân tích các mối liên quan giữa toàn bộ thông tin). Sự vận hành của não phải được cho là không mang tính tạm thời, không dựa trên lý trí, mà mang tính bản năng, toàn diện, phụ thuộc vào linh cảm, thấu cảm và hình ảnh. Các phát hiện về bán cầu não trái và phải đã dẫn các nhà khoa học và các nhà học giả định đưa ra các thay đổi về giáo dục để cho việc xử lý thông tin của não phải có một vị trí tốt hơn trong chương trình giáo dục hiện tại. Việc này cũng thể hiện xu hướng chung của xã hội trong việc đề cao kỹ năng ngôn ngữ cũng như phân tích của bán cầu não trái. Như Roger Sperry - một nhà nghiên cứu về “tách não” đã nói, hệ thống giáo dục của chúng ta “thường bỏ quên các trí thông minh phi ngôn ngữ. Điều này đã dẫn đến việc xã hội hiện tại phân biệt đối xử với bán cầu đại não phải”. Tính nghệ thuật và sáng tạo của não phải được giao phó cho các môn “phụ” như nghệ thuật và âm nhạc, trong khi dường như các chương trình giáo dục được coi là “chuẩn” lại không tập trung vào phát triển các kỹ năng của não phải như sự hư cấu, sáng tạo và trí trưởng trượng (de Haan et al., 2020).
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Trevarthen C., Chapter 9 - Specialized Lesions: The Split-Brain Technique, In: Myers R.D., ed., Methods in Psychobiology, Academic Pres: 251 - 284, doi:10.1016/B978-0-12-512302-0. 50013-4, 1972.
- Zaidel D., Sperry R.W., Some long-term motor effects of cerebral commissurotomy in man, Neuropsychologia, 15 (2), doi:10.1016/0028-3932(77)90028-8, 1997, 193 - 204.
- De Haan E.H.F., Corballis P.M., Hillyard S.A., et al., Split-Brain: What We Know Now and Why This is Important for Understanding Consciousness, Neuropsychology Review 30 (2): 224 - 233. DOI: 10.1007/s11065-020-09439-3, 2020.