Trận Bạch Đằng là trận phục kích đường sông của quân dân Đại Việt thời Nhà Trần, do Trần Quốc Tuấn chỉ huy diệt đạo thuỷ binh của quân Nguyên rút chạy, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ Ba (1287-88).
Đến cuối 12.1287, đạo quân Nguyên xâm lược Đại Việt ngày càng sa lầy, bị tiến công ở nhiều nơi, quân lính ốm yếu, thiếu lương thực, bị tổn thất cả lực lượng và tinh thần, Thoát Hoan quyết định rút quân để tránh nguy cơ bị tiêu diệt. Theo kế hoạch, quân Nguyên rút theo hai đường thuỷ bộ, trong đó đạo quân thuỷ khoảng hơn 60 nghìn và 600 chiến thuyền do Ô Mã Nhi chỉ huy, có kỵ binh hộ tống rút bằng đường thuỷ ra sông Bạch Đằng. Nắm chắc ý đồ của địch, Trần Quốc Tuấn bố trí lực lượng chặn đánh trên các ngả đường quân Nguyên có thể rút chạy; đồng thời chọn sông Bạch Đằng (đoạn cửa sông Chanh - sông Thái Khê, nay thuộc h. Yên Hưng, t. Quảng Ninh) làm nơi quyết chiến, dựng trận địa cọc ngầm ở cửa sông Chanh (liền sát sông Bạch Đằng) và sông Rút, bố trí quân thuỷ, bộ mai phục kết hợp với thuyền lửa hoả công, có thuỷ binh của vua Trần đánh bọc phía sau. Trần Quốc Tuấn tập trung một lực lượng lớn quân chủ lực của triều đình vào trận Bạch Đằng: Đạo quân của Trần Quốc Tuấn, đạo quân của hai vua Trần, đạo quân của Nguyễn Khoái, đạo quân của Phạm Ngũ Lão, đạo quân của các vương con của Trần Quốc Tuấn (như Hưng Trí Vương Trần Quốc Hiện), đạo quân của Trần Nguyên Bảo. Ngoài ra, còn có quân của các vương hầu, Lực lượng vũ trang địa phương và sự đóng góp rất lớn của nhân dân vùng ven biển Hạ Hồng (Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh). Trần Quốc Tuấn tổ chức lực lượng mai phục kín đáo ven sông bên tả ngạn; tập trung chủ yếu ở vùng cửa sông Chanh, sông Kênh (nơi thực hiện trận quyết chiến tiêu diệt toàn bộ quân thuỷ, bộ địch). Nhiều thuyền chất đầy củi khô tẩm nhựa, dầu cháy đã được chuẩn bị sẵn sàng ở chân núi Tràng Kênh để thực hiện kế hoả công; một đội thuyền nhẹ sẵn sàng khiêu chiến nhử địch. Ngoài ra, các đạo quân của hai vua Trần đóng ở Hiệp Môn bên bờ sông Giáp (sông Kinh Thầy) sẵn sàng tham chiến.
Ngày 30.3.1288, quân Nguyên bắt đầu rút lui: đoàn kỵ binh do Trịnh Bằng Phi chỉ huy làm nhiệm vụ hộ tống cho đạo thuỷ binh của Ô Mã Nhi bị quân ta chặn đánh quyết liệt buộc phải quay lại. Ngày 8.4, bộ phận tiền quân do Lưu Khê chỉ huy tiến đến sông Giá cũng bị quân ta đón đánh quyết liệt ở Trúc Động (nay thuộc Thuỷ Nguyên, tp Hải Phòng), buộc cả đoàn thuyền địch phải quay lại sông Đá Bạc để xuôi về sông Bạch Đằng. Do bị chặn đánh quyết liệt và liên tục nên phải mất 10 ngày đạo thuỷ binh của Ô Mã Nhi mới đi được chặng đường khoảng 50 km, từ Vạn Kiếp đến chỗ rẽ vào sông Giá. Sáng sớm 9.4, đúng lúc triều cường, đoàn thuyền Ô Mã Nhi theo sông Đá Bạc tiến dần vào trận địa mai phục. Đội quân khiêu chiến của ta chặn đánh rồi giả thua, vừa đánh vừa rút và nhử địch đi vào hướng trận địa mai phục. Quân Nguyên đuổi theo đúng lúc nước triều xuống thấp. Từ các nhánh sông, các đội thuyền nhẹ bất ngờ tiến công vào bên sườn đội thuyền địch, dồn đội hình địch tiến nhanh về phía các bãi cọc ngầm. Phàn Tiếp chỉ huy một số thuyền định đổ bộ chiếm khu vực núi cao phía Tràng Kênh để yểm trợ quân Nguyên rút chạy, nhưng bị lực lượng của tướng Trần Quốc Bảo phục sẵn đẩy lui.
Khi nước triều xuống thấp, toàn bộ đoàn thuyền địch lọt vào trận địa mai phục, Trần Quốc Tuấn lệnh cho các cánh quân thuỷ bộ từ các nhánh sông và trong các lùm cây, bãi sú đồng loạt tiến công vào đội thuyền địch. Quân Thánh dực nghĩa dũng do tướng Nguyễn Khoái chỉ huy cùng quân địa phương dựa vào Ghềnh Cốc lập thành một dải chiến thuyền chặn đầu quân địch, đồng thời, hai vua Trần chỉ huy đại quân từ phía sau đuổi đánh. Quân ta bám sát và tiến công quyết liệt vào đoàn thuyền địch, kết hợp với tiếng chiêng trống, hò reo khiến quân Nguyên hoảng loạn. Các thuyền chiến nhỏ cơ động nhanh áp sát thuyền địch, dùng gươm, câu liêm hai lưỡi, lưỡi quắm, giáo dài, dùi bốn cạnh đánh phá. Trong khi đó, nhiều thuyền chiến của địch va vào ghềnh cạn bị đắm hoặc bị nghiêng và bị dồn lại. Chớp thời cơ, các bè nứa, thuyền nan chứa đầy chất dễ cháy giấu sẵn ở vùng Tràng Kênh, từ các làng Do Lễ, Phụ Lễ, Phả Lễ, được lệnh xuôi theo dòng nước lao thẳng vào đội hình, đốt cháy nhiều thuyền chiến của địch đang hỗn loạn và tắc nghẽn trước bãi cọc ngầm. Một bộ phận quân Nguyên chạy theo bờ tả ngạn Yên Hưng bị quân ta mai phục tiêu diệt phần lớn, tướng giặc Phạm Nhan bị bắt. Trong thời điểm diễn ra cuộc thuỷ chiến và hoả công quyết liệt, đoàn thuyền chiến của hai vua Trần theo kế hoạch đã kịp tới phối hợp tiến công vào phía sau đội hình quân địch, khiến cho quân Nguyên càng hỗn loạn và bị tổn thất nặng. Nước triều xuống nhanh, các chiến thuyền quân Nguyên bị cọc nhọn đâm thủng hoặc bị đốt cháy và phá huỷ, đến chiều 9.4, phần lớn đoàn thuyền chiến bị đánh tan, hơn 400 thuyền bị tịch thu; Ô Mã Nhi cùng với nhiều tướng bị bắt (trong đó có Lý Thiên Hựu, Lưu Khuê, Tích Lệ Cơ). .
Trận Bạch Đằng 1288 là trận quyết chiến chiến lược kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Nguyên xâm lược lần thứ Ba; đập tan ý chí xâm lược của Nhà Nguyên, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, góp phần ngăn chặn âm mưu nhà Nguyên bành trướng xuống Đông Nam Á. Thể hiện trình độ cao về nghệ thuật quân sự của quân dân nhà Trần và tài thao lược kiệt xuất của Trần Quốc Tuấn: tư tưởng tiến công, chủ động lựa chọn đối tượng tác chiến (đạo thủy binh), địa điểm, thời gian; dùng sở trường của thủy quân của ta để đánh sở đoản của địch; cô lập thủy binh và quân bộ bằng cách chặn kỵ binh hộ tống, chốt chặt các hướng bắt buộc và nhử thuỷ binh địch vào đúng nơi đã định, chọn thời cơ tập trung lực lượng đánh bất ngờ; sử dụng lực lượng và phối hợp tác chiến hiệu quả giữa bộ binh và thủy binh, giữa quân chủ lực và dân binh. Chiến thắng Bạch Đằng 1288 là minh chứng cho nghệ thuật quân sự Viêt Nam trong điều kiện “dùng đoản binh chế trường trận”. (1236 chữ)
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Lịch sử Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971.
- Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm, Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỉ XIII, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972.
- Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998.
- Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, 20 trận đánh trong lịch sử dân tộc, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002.
- Đại cương lịch sử Việt Nam, toàn tập, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003.
- Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003.
- Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014.
- Phan Huy Lê... Trần Bá Chí, Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc (tái bản), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2019.