Tổng tham mưu trưởng là chức vụ đứng đầu Bộ Tổng tham mưu (Bộ Tham mưu liên quân...) của quân đội (lực lượng vũ trang) nhiều nước.
Trên thế giới, chức vụ Tổng tham mưu trưởng được sử dụng với những tên gọi khác nhau, như Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Pakixtan, Iran, Lào ... có tổ chức Bộ Tổng tham mưu và người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu là Tổng tham mưu trưởng. Ở Mĩ chức vụ gần tương đồng với Tổng tham mưu trưởng là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, ở Anh là Chủ tịch Hội đồng các Tham mưu trưởng; ở Pháp là Chủ tịch Bộ Tham mưu lực lượng vũ trang. Các nước trong khối ASEAN, làm nhiệm vụ như Tổng tham mưu trưởng ở Thái Lan là Tham mưu trưởng quân đội; ở Philippin là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng; ở Inđônêxia là Tư lệnh lực lượng vũ trang; ở Campuchia là Tổng tư lệnh Quân đội Hoàng gia.
Trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng tham mưu trưởng là người đứng đầu Bộ Tổng Tham mưu, chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và trực tiếp là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về toàn bộ các hoạt động của Bộ Tổng tham mưu. Tham mưu cho Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lí Nhà nước; chỉ huy Quân đội và Dân quân tự vệ; phụ trách chỉ đạo khối các quân khu, quân đoàn, học viện nhà trường; chỉ đạo cơ quan tham mưu cấp dưới; hiệp đồng với cơ quan chính trị, hậu cần, kĩ thuật, chuẩn bị các kế hoạch ngắn hạn, dài hạn... Triển khai tổ chức hiệp đồng, chỉ huy, bảo đảm... phối hợp với các ngành có liên quan của nhà nước để thống nhất kế hoạch thực hiện; điều hành các hoạt động quân sự phòng thủ đất nước và các nhiệm vụ khác (phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn….). Tổng tham mưu trưởng có quyền nâng bậc lương và phiên quân hàm quân nhân chuyên nghiệp cấp thượng tá; điều động quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng, hạ sĩ quan chiến sĩ từ đơn vị này sang đơn vị khác thuộc Bộ Quốc phòng; chuyển chế độ phục vụ tại ngũ từ công nhân, viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan chiến sĩ sang quân nhân chuyên nghiệp hoặc ngược lại.
Theo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam số 24/VBHN-VPQH ngày 16 tháng 12 năm 2019, Tổng tham mưu trưởng có cấp bậc quân hàm cao nhất là đại tướng. Chủ tịch nước có quyển bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Tổng tham mưu trưởng có thời hạn giữ chức vụ là 5 năm và thuộc diện thẩm quyền Bộ Chính trị quản lý, đánh giá, bố trí, giới thiệu ứng cử, chỉ định; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, thôi giữ chức, đình chỉ chức vụ;… Tổng tham mưu trưởng thường kiêm nhiệm chức danh Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và giữ các chức danh bên Đảng là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương.
Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá chức vụ Tổng tham mưu trưởng phải đảm bảo đầy đủ các yêu cầu chung của khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý tại Quy định số 89-QĐ/TW Ban Chấp hành Trung ương ngày 4 tháng 8 năm 2017 và đồng thời phải có thêm các tiêu chuẩn cụ thể đối với Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương tại Quy định số 90-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 4 tháng 8 năm 2017 quy định tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, về: chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; trình độ; năng lực, uy tín; sức khỏe, độ tuổi và kinh nghiệm. Để được bổ nhiệm lên chức vụ Tổng tham mưu trưởng, cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải kinh qua vị trí chủ chốt cấp dưới, như vậy để được bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng thì phải qua các chức vụ phó tổng tham mưu trưởng, tư lệnh quân khu, tư lệnh quân chủng.
Tổng tham mưu trưởng có vị trí vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam trong trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Nhiều đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở thành Bộ trưởng BQP như: Văn Tiến Dũng, Lê Đức Anh, Đoàn Khuê, Phạm Văn Trà, Phùng Quang Thanh, Phan Văn Giang. Tổng tham mưu trưởng qua các thời kì: Hoàng Văn Thái (1945- 53), Văn Tiến Dũng (1953-1978), Lê Trọng Tấn (1978-86), Lê Đức Anh (1986-87), Đoàn Khuê (1987-91), Đào Đình Luyện (1991-95), Phạm Văn Trà (1995-1997), Đào Trọng Lịch (1997-98), Lê Văn Dũng (1998-2001), Phùng Quang Thanh (5.2001-8.2006), Nguyễn Khắc Nghiên (8.2006-11.2010), Đỗ Bá Tỵ (12.2010-5.2016), Phan Văn Giang (5.2016-4.2021). Nhiều đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở thành Bộ trưởng BQP như: Văn Tiến Dũng, Lê Đức Anh, Đoàn Khuê, Phạm Văn Trà, Phùng Quang Thanh, Phan Văn Giang; được Đảng, Nhà nước tặng các phần thưởng cao quý. Nhiều đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng như: Văn Tiến Dũng, Lê Đức Anh, Đoàn Khuê, Phạm Văn Trà, Phùng Quang Thanh, Phan Văn Giang; được Đảng, Nhà nước tặng các phần thưởng cao quý. (864 chữ)
Tư liệu tham khảo[sửa]
- Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, 2004.
- Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013.
- Quy định số 89-QĐ/TW Ban Chấp hành Trung ương ngày 4 tháng 8 năm 2017 quy định khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
- Quy định số 90-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 4 tháng 8 năm 2017 quy định tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
- Quy định số 105-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 19 tháng 12 năm 2017 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử.
- Nghị quyết số 26 NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ngày 19 tháng 5 năm 2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất năng lực và uy tín, ngang tầm với nhiệm vụ.
- Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam 2019.
- Thông báo lực lượng vũ trang nước ngoài, Tổng cục II/Bộ Quốc phòng, 2020.
- Từ điển Bách khoa quân sự Liên Xô, quyển số 4-1986 do BTTMVN dịch, tr. 69