T-59 là xe tăng hạng trung kiểu 59 của Trung Quốc do Tổ hợp công nghiệp Hoa Bắc chế tạo từ 1957 đến 1960 theo mẫu T-54A của Liên Xô.
Sau khi Trung Quốc và Liên Xô kí kết hiệp ước hữu nghị, giúp đỡ về trang bị kỹ thuật giữa hai nước, năm 1956, Liên Xô đồng ý và giúp đỡ Trung Quốc xây dựng nhà máy sản xuất xe tăng hạng trung T-54A. Những chiếc đầu tiên được lắp ráp bằng các phụ tùng thiết bị của Liên Xô và sau dần được thay thế, sản xuất tại Trung Quốc. Năm 1959, T-59 được trang bị trong Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc. T-59 là đại diện cho thế hệ xe tăng hạng trung đầu tiên tại Trung Quốc và sau này cải tiến thêm theo công nghệ chế tạo trong nước và công nghệ sản xuất xe tăng của các nước phương Tây như xe tăng hạng trung T-69, T-79, T-80...
T-59 có khối lượng chiến đấu 36 t, kíp xe 4 người, công suất đơn vị 14,44 cv/t, áp suất trên nền 0,80 kG/cm2. Chiều dài của xe 6,04 m (cả pháo phía trước 9 m), rộng 3,27 m, cao 2,59 m, khoảng sáng gầm xe 0,425 m, chiều dài xích chạm đất 3,84 m. Động cơ điêzen bốn kì, LV-12, làm mát bằng nước, công suất 380 kW (520 cv), dung tích hệ thống nhiên liệu 815 l. Vận tốc lớn nhất 50 km/h, hành trình dự trữ 420-440 km (600 km nếu mang thêm 2 thùng nhiên liệu phụ 400 l). Vượt dốc cao 31o, dốc nghiêng 17o, vách đứng cao 0,79 m, hào rộng 2,7 m, lội nước sâu 1,4 m (có thiết bị lội ngầm: 5,5 m). Trang bị 1 pháo rãnh xoắn kiểu 59 cỡ 100 mm (tầm bắn hiệu quả 700-1.200 m), cơ số đạn 34 viên, 2 súng máy 7,62 mm (song song và phía trước), đạn 3.500 viên; 1 súng phòng không 12,7 mm, đạn 200 viên. Góc quay tháp pháo 360o (tháp pháo được điều khiển bằng hệ thống cơ điện), góc tầm pháo +17o/-4o. Có hệ thống ổn định vũ khí trong mặt phẳng tầm; các mẫu sau của T-59 được trang bị hệ thống ổn định tầm và hướng, hệ thống chống vũ khí hủy diệt lớn, thiết bị nhìn đêm hồng ngoại chủ động, hệ thống chữa cháy bán tự động, máy đo xa lade (Trung Quốc chế tạo được 2 loại máy đo lade 82 và C-83-II đo khoảng cách ở cự li 300-3.000 m với độ sai số 10 m). Trong quá trình cải tiến pháo lắp trên T-59 cỡ 100 mm cũng được thay thế bằng pháo 105 mm. Loại đạn pháo được Trung Quốc nghiên cứu chế tạo cho pháo 100 mm và 105 mm có khả năng xuyên giáp cao với sơ tốc đầu đạn đạt 1.480 m/s (pháo 100 mm: khả năng xuyên giáp đạt 150 mm ở cự li 2.400 m dưới góc 65o; pháo 105 mm: khả năng xuyên giáp đạt 150 mm ở cự li 2.500 m dưới góc 60o). Trên tháp pháo của T-59 còn được trang bị thêm 1 súng máy phòng không 35 mm. Vỏ giáp T-59 được đúc bằng thép có độ dày 20-99 mm (phía trước xe: 99 mm, dưới sàn thân xe: 20 mm), tháp pháo có độ dày 39-100 mm.
Các biến thể của T-59: T-59-I, T-59-II, T-59-IIA, T-59D, T-59P, T-62 (xe tăng hạng nhẹ), T-69, T-73, T-79... Các biến thể khác ở các nước trên thế giới như: T-59 với pháo 105 mm L7, T-59 Marksman (Vương quốc Anh); T-72z (Iran); Kok’san (Hàn Quốc); Al-Zarrar (Pakixtan)... Càng về sau các biến thể của T-59 càng được cải tiến hiện đại hơn (khối lượng chiến đấu lớn hơn, pháo cỡ lớn hơn; các hệ thống bảo vệ chủ động như giáp phản ứng nổ, hệ thống điều khiển hỏa lực có trang bị máy tính đường đạn, hệ thống chống cháy tự động, công suất động cơ lớn hơn...). Những biến thể xe tăng T-59 được xuất khẩu với các phụ kiện kèm theo được sản xuất bằng công nghệ cao tương đương với xe tăng thế hệ thứ 3 được sử dụng trên thế giới.
T-59 được sản xuất với số lượng lớn (bắt đầu từ năm 1957 đến 1970: 500-700 chiếc; 1979: 1.000 chiếc; 1980: 500 chiếc; 1981: 600 chiếc; 1982: 1.200 chiếc; 1983: 1.500-1.700 chiếc). Ngoài Quân đội Trung Quốc, T-59 còn được trang bị cho Quân đội Bănglađet, Campuchia, Anbani, Cộng hòa dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Irăc, Iran, Tadania, Dimbabuê... Tại Pakixtan, được sự giúp đỡ của Tổ hợp công nghiệp Hoa Bắc (Trung Quốc), ngành công nghiệp sản xuất chế tạo xe tăng (đại diện là Heavy Industries Taxila - HIT) đã nâng cấp, hiện đại hóa T-59 Al-Zarrar được 50 tính năng. Động cơ với công suất 700 cv, hệ thống giảm xóc của xe được cải tiến tạo điều kiện và cảm giác thoải mái cho các thành viên kíp xe khi xe chạy với vận tốc tối đa 65 km/h trên địa hình phức tạp. Hệ thống máy tính đường đạn, hệ thống ổn định hiện đại, điều khiển hỏa lực chính xác trong mọi điều kiện và địa hình thời tiết, ngày cũng như đêm, hệ thống bảo vệ được trang bị giáp phản ứng nổ... Đây cũng là phiên bản xe T-59 được Pakixtan nâng cấp và hiện đại hóa với công nghệ tương thích với một số xe tăng thế hệ mới đang được sử dụng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
T-59 xuất hiện ở Việt Nam vào những năm 60 thế kỷ XX, được sử dụng trong Kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, chiếc T-59 số hiệu 390 là xe tăng đầu tiên tiến vào dinh Độc lập ngày 30.4.1975.
Hiện nay T-59 có trong trang bị các đơn vị tăng thiết giáp của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bách khoa toàn thư xe tăng Liên Xô
- Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
- Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007
- http://www.globalsecurity.org/military/world/pakistan/t-59.htm