Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
SKZ
Phiên bản vào lúc 14:08, ngày 7 tháng 11 năm 2022 của Deepmind (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{sơ}}'''SKZ''' gọi chung các loại súng không giật do Việt Nam nghiên cứu, thiết kế, chế tạo trong Kháng chiến chống Pháp.…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

SKZ gọi chung các loại súng không giật do Việt Nam nghiên cứu, thiết kế, chế tạo trong Kháng chiến chống Pháp.

Năm 1947 Nha Nghiên cứu Kĩ thuật thuộc Cục Quân giới được giao nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế và chế tạo vũ khí mới, có uy lực chiến đấu lớn hơn súng badôca, nhưng phải nhẹ hơn, dễ cơ động, mang vác thuận lợi khi hành quân. Sau khi thảo luận, các cán bộ thiết kế của Nha thống nhất loại vũ khí mới được kí hiệu là SKZ (nghĩa là “súng không giật”). Việc nghiên cứu chế tạo súng SKZ do Nguyễn Trinh Tiếp, Trưởng phòng xạ thuật của Nha phụ trách. Tháng 5.1949, súng SKZ được đưa đi bắn thử nghiệm thực tế. Kết quả cự li bắn đạt 100 m, đạn nổ tốt, phá hủy tường gạch dày 1 m. Sau khi bắn thử nghiệm thành công và hoàn thiện, mẫu súng SKZ-60 mm được giao cho xưởng TĐ97 thuộc Liên khu 3 sản xuất loạt “0”. Sau này, trên cơ sở SKZ-60 mm, các cơ sở quân giới phát triển chế tạo các loại SKZ cỡ 81 mm, 120 mm, 51 mm và 175 mm.

Cấu tạo súng SKZ gồm nòng súng và giá súng. Nòng súng gồm 3 đoạn: đoạn chứa đuôi quả đạn, đường kính 60,8 mm, dài 800 mm; đoạn tiếp theo là buồng chịu áp (chịu được áp suất 320 kg/cm2), đường kính 82 mm, dài 400 mm; cuối cùng là đoạn loa phụt (tuye), đường kính 50 mm, dài 80-100 mm. Giá súng được chế tạo trên cơ sở cải tiến giá súng trung liên. Súng SKZ áp dụng nguyên lý phản lực. Phần chiến đấu sử dụng năng lượng nổ lõm như đạn badôca, phần phóng được thiết kế mới, bảo đảm tính bền vững hơn.

Tính năng chiến - kỹ thuật: khối lượng toàn bộ súng 26 kg, khối lượng đạn 9 kg, dài 1,2 m, đầu đạn cỡ 120 mm, đuôi đạn đường kính cỡ 60 mm, có khả năng xuyên bê tông dày 60 cm. Phía trước quả đạn hình nón, phía sau đuôi gắn một đoạn gỗ đường kính 60 mm để cắm vào nòng súng.

SKZ được trang bị rộng rãi cho các đơn vị bộ binh chiến đấu ở chiến trường Bắc Bộ giai đoạn 1950-51 để chống phương tiện cơ giới và công sự của địch. Lần đầu tiên được trang bị cho Trung đoàn 102 thuộc Đại đoàn 308 tham gia chiến dịch Lê Hồng Phong I (8-17.2.1950). Đây là trận đánh công kiên đầu tiên bộ đội Việt Nam sử dụng súng SKZ tập trung diệt các lô cốt, yểm trợ cho bộ binh đột phá, xung phong chiếm Phố Lu.

SKZ là súng công đồn có uy lực lớn, chế tạo không phức tạp, có tác dụng phá đồn bốt nhanh chóng, góp phần thay đổi tổ chức biên chế, cách đánh công kiên và hạn chế thương vong cho bộ đội. Trong Kháng chiến chống Pháp (1945-54), Quân giới Việt Nam đã sản xuất 486 súng SKZ và 7.605 đạn. Trên cơ sở nguyên lý SKZ, Quân giới Nam Bộ đã cải tiến (thay phần khí thuốc phóng phụt ra phía đuôi nòng bằng khối lùi làm từ gỗ chắc hoặc kim loại để tiết kiệm thuốc phóng) chế tạo ra nhiều loại súng như SSAT dùng diệt xe tăng, xe thiết giáp, SSAL bắn đạn lõm, SSAF dùng phá thành, phá tường, công sự và đưa vào chiến đấu gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại. (600 chữ)

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kỹ thuật quân sự Việt Nam trong Kháng chiến chống Pháp, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2002
  2. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
  3. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007