Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
S-300
Phiên bản vào lúc 13:56, ngày 7 tháng 11 năm 2022 của Deepmind (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “thumb|S-300Pthumb|S-300PMU-2{{sơ}}'''S-300''' (NATO: SA-10 Grumble; Gladiator/Giant) là tổ hợp tên lử…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

S-300 (NATO: SA-10 Grumble; Gladiator/Giant) là tổ hợp tên lửa phòng không cơ động đất đối không do Liên Xô chế tạo.

S-300 do Tổ hợp Khoa học và Công nghiệp Almaz (Liên Xô, Nga) chế tạo, mẫu ban đầu là S-300P; được Liên Xô thông qua năm 1978 và được triển khai lần đầu tiên vào năm 1979, nhằm phòng thủ không trung cho các khu công nghiệp và hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận chống lại các phương tiện tiến công đường không của đối phương. Thành phần chính gồm: sở chỉ huy cơ động, đài điều khiển hỏa lực, rađa cảnh giới và rađa bám sát mục tiêu, xe trắc địa và các phương tiện tác chiến khác.

S-300 có ba mẫu biến thể: S-300P, S-300F và S-300V. Mỗi mẫu có các phiên bản cải tiến nâng cấp khác nhau.

S-300P (SA-10A Grumble) gồm: đài chỉ huy điều khiển; rađa giám sát 36D6; hệ thống điều khiển hỏa lực 30NG và các xe bệ phóng kiểu sơmi-rơmooc và một rađa phát hiện tầm thấp 76NG. Mẫu này có một số phiên bản xuất khẩu và sử dụng nội địa: S-300PT, S-300PT-1 và S-300PT-1A, đều sử dụng tên lửa 5K55KD. S-300PS/S-300PM là phiên bản duy nhất có trang bị một đầu đạn hạt nhân; sử dụng tên lửa 5V55R, tầm bắn tới 90 km, phương thức dẫn đường điều khiển rađa bán chủ động, rađa giám sát 30N6. S-300PMU là phiên bản dùng để xuất khẩu, dùng tên lửa 5V55U cải tiến, phần chiến đấu nhỏ hơn so với tên lửa 5V55R nhưng cự li và tầm bắn đạt 150 km. Các đài rađa được nâng cấp: rađa giám sát 36D63D, rađa dẫn tên lửa là 30N6-1. Mẫu này có 3 phiên bản chính: S-300PMU-1, S-300PMU-2 và S-300PMU-3 (còn gọi là S-400 Triumf). S-300PMU-1 9M96 sử dụng được nhiều loại tên lửa khác nhau. Ngoài các loại tên lửa 5V55R, 48N6YE và 48N6YE2, còn sử dụng hai loại tên lửa mới là 9M96E1 và 9M96E2. Mỗi bệ phóng mang 4 tên lửa, phóng thẳng đứng, bảo đảm khả năng tiến công mục tiêu ở các hướng. Xác suất tiêu diệt các tên lửa đường đạn chiến thuật của các loại tên lửa này khoảng 0,7. S-300PMU-2, nâng cấp từ S-300PMU-1 (năm 1997); sử dụng loại tên lửa 48N6E2, tầm bắn 195 km, có khả năng chống các tên lửa đường đạn tầm gần và tầm trung; đài chỉ huy và điều khiển 83M6E2, rađa phát hiện/giám sát 64N6E2, rađa dẫn/điều khiển hỏa lực 30N6E2, cùng lúc điều khiển được 12 bệ phóng; rađa phát hiện tầm thấp 76N6, rađa phát hiện độ cao 96L6E. S-300PMU-3/S-400 (năm 1999) mỗi bệ phóng lắp hai tên lửa lớn hơn và có hiệu suất chiến đấu cao hơn, tầm bắn đến 400 km, có khả năng phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu tàng hình; được trang bị cho quân đội Nga 2006.

S-300F (sử dụng tên lửa 5V55RM, cự li bắn 7-90 km, diệt được các mục tiêu bay với vận tốc đến M4 với độ cao 25-25.000 m) và S-300FM (sử dụng tên lửa 48N6, tốc độ bay xấp xỉ M6 để diệt các mục tiêu bay ở tốc độ cực đại tới M8,5; phần chiến đấu 150 kg và cự li bắn 5-150 km, độ cao 10-27.000m ). Đây là hai biến thể của S-300P dùng cho hải quân, đều sử dụng rađa cảnh giới MR-75 hoặc MR-800 và rađa dẫn/bám 3R41 Volna. Mỗi tổ hợp có 8 bệ phóng tên lửa kiểu quay, đặt dưới boong tàu.

S-300V được trang bị cho lực lượng phòng không của bộ binh, để diệt các tên lửa đường đạn, tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu. Tổ hợp sử dụng hai loại tên lửa chính là Gladiator (tầm bắn khoảng 75 km) và Giant (bắn các mục tiêu nằm ngoài 100 km, độ cao tới 32 km); phần chiến đấu 150 kg; rađa 9S32 có khả năng dò tìm tự động, rađa cảnh giới nhìn vòng 9S15MV hoặc 9S15MT, rađa cảnh giới dải quạt, độ phân giải cao 9S19M2. 6 bệ phóng được đặt trên các xe chuyên dụng để cơ động: loại bệ phóng 4 quả Gladiator và loại 2 quả Giant, đều là kiểu bệ phóng thẳng đứng. Tổ hợp S-300V gồm sở chỉ huy cơ động 9S457-1 được tự động hóa, xử lí số liệu bằng máy tính số, đài rađa cảnh giới và chỉ thị mục tiêu 9S-15 và 9S-19; theo dõi 200 mục tiêu ở cự li 250 km. Đài điều khiển hỏa lực 9S-32-1 chỉ huy 12 bệ phóng, hệ thống anten mạng pha theo dõi đồng thời 12 mục tiêu và điều khiển 6 tên lửa tới các mục tiêu khác nhau, có thể phát hiện mục tiêu với diện tích phản xạ hiệu dụng 1m2 ở cự li 150 km. Thiết bị phóng 9A83-1 chở 4 tên lửa 9M83 (2 tầng, nhiên liệu rắn, dài 7 m, đường kính thân 0,8 m, khối lượng 2.400 kg; đầu đạn kiểu nổ mảnh, khối lượng 150 kg; diệt mục tiêu ở cự li 7-75 km, độ cao 0,25-25 km, hệ điều khiển quán tính và rađa bán chủ động) và tên lửa 9M82 (dài 8,5 m, đường kính thân 0,8 m, khối lượng 4.600 kg, đầu đạn có khối lượng 150 kg; diệt mục tiêu ở cự li 7-100 km, độ cao 1-30 km). Thời gian chuyển từ trạng thái hành quân sang chiến đấu và ngược lại: 5 phút. Rađa 30NG có thể điều khiển đồng thời 8 tên lửa tới 4 mục tiêu khác nhau và có thể bám tới 24 mục tiêu cùng một lúc. Rađa cải tiến 30NG có thể điều khiển 12 tên lửa tới 6 mục tiêu cùng một lúc và 2 tên lửa được dẫn đến cùng một mục tiêu.

Quân đội Nga hiện nay có khoảng 30 trung đoàn được trang bị S-300 và các biến thể của nó và đang dần được thay thế bằng các hệ thống S-400. S-300 chủ yếu được dùng ở Đông Âu và châu Á, đến nay đã có nhiều nước triển khai: Bêlarut, Bungari, Ấn Độ, Hi Lạp, Xlôvênia, Ucraina, Đức, Cadăcxtan, Hunggari, Ba Lan... Trung Quốc mua hệ thống S-300PMU-1 và đã có bản quyền sản xuất hệ thống này với tên gọi Hongqi-10 (HQ-10), được cải tiến với tên HQ-15, tầm bắn nâng từ 150 km lên 200 km. Đến 2008, Trung Quốc có tổng số tổ hợp S-300PMU/1/2 là 40 và HQ-15 là 60; tổng số tên lửa khoảng 1.600 với khoảng 300 bệ phóng, được triển khai ở khu vực Bắc Kinh, eo biển Đài Loan và các thành phố Thượng Hải, Thành Đô và Đại Liên.

S-300 được chế tạo nhằm tiêu diệt máy bay tiến công và tên lửa hành trình, các biến thể sau này còn nhằm đánh chặn tên lửa đường đạn. So với tên lửa Patriot (của Mỹ), S-300 lớn hơn, tên lửa nặng hơn nhưng chúng đều có thể đánh chặn nhiều mục tiêu cùng một lúc, phương pháp dẫn điều khiển bám mục tiêu qua tên lửa, điều khiển bằng rađa mạng pha, đều tự hành. Các phiên bản sau của S-300 có tên lửa, rađa được cải tiến, khả năng sống còn cao hơn trong điều kiện tác chiến điện tử, khả năng đánh chặn các tên lửa tầm gần cũng như các mục tiêu bay ở độ cao rất thấp và các mục tiêu bay tàng hình có diện tích phản xạ hiệu dụng nhỏ cỡ 0,02-0,05 m2.

Đặc điểm kĩ thuật tên lửa
Mã GRAU Năm sản xuất Tầm hoạt động (km) Tốc độ tối đa (m/s) Dài (m) Đường kính (mm) Khối lượng (kg) Đầu đạn (kg) Dẫn đường VSử dụng lần đầu với
5K55KD 1978 47 1700 7 450 1450 100 Chỉ huy S-300P, S-300PT, S-300PT-1
5V55RM 1984 90 1.700 7 450 1450 133 SARH S-300F, S-300FM
5V55U 1992 150 2000 7 450 1470 133 SARH S-300PMU (SA-10C)
48N6/E 1992 150 2000 7,5 500 1780 150 TVM S-300PMU-1(SA-20)
48N6E2 1992 195 2000 7,5 500 1800 150 TVM S-300PMU-2 (SA-20B)
9M82 1984 40 2500 8,5 800 4600 150 SARH bằngTELAR S-300V(SA-12)
9M83 1984 100 1800 7 800 2400 150 SARH bằng TELAR S-300V (SA-12)
9M83ME 1990 200 SARH bằng TELAR S-300VM
9M96E1 1999 40 900 330 24 Rađa dẫn đường chủ động S-400
9M96E2 1999 120 1000 420 24 Rađa dẫn đường chủ động S-400
40N6 2000 400 Rađa dẫn đường chủ động S-400

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
  2. https://en.wikipedia.org/wiki/S-300_missile_system
  3. https://fas.org/nuke/guide/russia/airdef/s-300v.htm
  4. https://web.archive.org/web/20100430054736/http://www.astronautix.com/lvs/s300.htm
  5. http://www.soldiering.ru/army/airdefence/russia/c-300.php
  6. https://www.armyrecognition.com/russia_russian_missile_system_vehicle_uk/s-300vm_antey-2500_sa-23_gladiator_giant_data_pictures_video.html