Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Khí tượng học quân sự
Phiên bản vào lúc 14:58, ngày 5 tháng 11 năm 2022 của Deepmind (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{sơ}}'''Khí tượng học quân sự''' (tiếng Anh ''Military meteorology'') là ngành khoa học nghiên cứu ảnh hưởng và dự báo khí t…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

Khí tượng học quân sự (tiếng Anh Military meteorology) là ngành khoa học nghiên cứu ảnh hưởng và dự báo khí tượng đến hoạt động quân sự và việc sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự; đặc điểm khí tượng, khí hậu của chiến trường, khu vực tác chiến, căn cứ quân sự; đề xuất các biện pháp, phương tiện bảo đảm khí tượng cho hoạt động tác chiến.

Khí tượng học quân sự phát triển dựa trên các thành tựu của ngành khí tượng nói chung, vật lý khí quyển, khí tượng tổng quát, khí tượng hàng không, khí hậu học và các ngành khoa học khác liên quan. Phương pháp nghiên cứu chủ yếu của Khí tượng học quân sự: vật lý - thống kê, thực nghiệm, cũng như việc tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác bảo đảm khí tượng của các quân chủng, binh chủng lực lượng vũ trang.

Các yếu tố khí tượng chính gồm có: nhiệt độ, độ ẩm, áp suất không khí, bức xạ năng lượng mặt trời, tốc độ và hướng gió, các loại đám mây, chuyển động của các khối khí lớn (bão), lượng nước rơi xuống, nhiệt độ nước biển.

Khí tượng học quân sự có nguồn gốc từ kỷ nguyên thuyền buồm, được phát triển mạnh mẽ từ khi xuất hiện các phương tiện bay và sử dụng phương tiện bay vào mục đích quân sự. Sự phát triển và hoàn thiện các loại vũ khí và trang bị kỹ thuật quân sự đã đặt ra nhu cầu phải nghiên cứu Khí tượng học quân sự đáp ứng nhu cầu của các quân chủng, binh chủng; từ đó hình thành ngành khí tượng không quân, hải quân, pháo binh, hóa học...

Khí tượng không quân nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố khí tượng lên kĩ thuật hàng không, hoạt động chiến đấu của không quân, tổ chức các chuyến bay và sử dụng các phương tiện kĩ thuật trong các điều kiện khí hậu khác nhau, hoàn thiện lý luận và thực tiễn bảo đảm khí tượng các chuyến bay. Khí tượng không quân có mối liện hệ chặt chẽ với ngành vũ trụ học, lý thuyết dẫn đường bay và ném bom, động lực học hàng không và các bộ môn khoa học hàng không vũ trụ.

Khí tượng pháo binh nghiên cứu sự ảnh hưởng của các yếu tố khí tượng lên quỹ đạo bay của đạn pháo hay tên lửa, ảnh hưởng đến hoạt động của các phương tiện trinh sát pháo binh và việc tính toán lượng sửa khí tượng cho các đơn vị tên lửa và pháo binh. Khí tượng học pháo binh có mối liên hệ chặt chẽ với lý thuyết thuật phóng ngoài.

Khí tượng hải quân nghiên cứu các quá trình và hiện tượng vật lý diễn ra trong khí quyển trên biển, đại dương, tác động của chúng đến trạng thái của môi trường nước, ảnh hưởng đến việc sử dụng các phương tiện tàu thuyền, lực lượng không quân hải quân và hiệu quả sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật trong tác chiến.

Khí tượng hóa học quân sự nghiên cứu những ảnh hưởng của các yếu tố khí tượng lên sự dịch chuyển của tro bụi trong khí quyển cũng như bảo đảm khí tượng với mục tiêu bảo vệ lực lượng dưới tác động của vũ khí hủy diệt lớn.

Hiện nay, Khí tượng học quân sự tập trung nghiên cứu nhằm nâng cao độ chính xác các đại lượng khí tượng trên cơ sở nghiên cứu, sản xuất ra các trang thiết bị công nghệ hiện đại hoặc cải tiến các trang bị bảo đảm khí tượng; làm rõ ảnh hưởng của yếu tố khí tượng trên các chiến trường thông qua việc tổ chức trinh sát khí tượng và cung cấp các thông tin khí tượng về các vùng lãnh thổ. Nghiên cứu phương pháp sử dụng thông tin thu được; hoàn thiện hệ thống thu thập, phân tích, lưu trữ, hiển thị và lập tài liệu về thông tin khí tượng, phân tích, dự báo tình hình khí tượng, cung cấp thông tin khí tượng đến các đơn vị, sở chỉ huy các quân chủng, binh chủng. Nghiên cứu phương pháp đánh giá tình hình khí tượng và nâng cao hiệu quả sử dụng lực lượng, vũ khí, trang bị kĩ thuật trong các điều kiện khí tượng khác nhau. Nghiên cứu ảnh hưởng của khí tượng đến bức xạ, hóa học, sinh học và bảo vệ lực lượng do tác động của vũ khí hủy diệt lớn; nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa các đơn vị khí tượng các quân chủng, binh chủng với việc đào tạo cán bộ chuyên ngành khí tượng trong hệ thống nhà trường.

Việc nắm vững những điều kiện khí tượng trong quá trình tổ chức và thực hành chiến đấu sẽ hạn chế được những ảnh hưởng bất lợi và lợi dụng được các điều kiện khí tượng có lợi, đồng thời đây là một mặt bảo đảm quan trọng trong hoạt động tác chiến để nâng cao hiệu quả chiến đấu và chiến đấu thắng lợi.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trường Sĩ quan Pháo binh, Khí tượng học trong Pháo binh, Sơn Tây, 1976.
  2. Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  3. Học viện Phòng không - Không quân, Cơ sở khí tượng hàng không, Hà Tây, 2008.
  4. Bộ Tổng Tham mưu, Khí tượng hóa học quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010.
  5. Trường Sĩ quan Pháo binh, Thuật phóng ngoài, Hà Nội, 2010.
  6. Trường Sĩ quan Phòng hóa, Khí tượng quân sự, Hà Nội, 2015.
  7. Nguyễn Kim Vỹ (chủ biên), Từ điển bách khoa Việt Nam 4 tập, bản điện tử.
  8. William Gardner Reed, Military Meteorology, Georapic Review 12, no.3, 1922.
  9. Военная Энциклопедия (Bách khoa toàn thư quân sự), tập 5, Nxb Quân sự, Maxcơva, 2001.
  10. Большая Российская Энциклопедия (Đại bách khoa toàn thư Nga), bản điện tử: bigenc.ru.