Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
K-44
Phiên bản vào lúc 13:39, ngày 5 tháng 11 năm 2022 của Deepmind (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “thumb|súng trường K-44(1)thumb|súng trường K-44{{sơ}}'''K-44''' là súng…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

K-44 là súng trường không tự động của Liên Xô do N.X. Xêmin thiết kế cải tiến từ mẫu ban đầu 1891/30 của X.I. Môxin (Sergei Ivanovich Mosin) và mẫu gần hơn (1938); đưa vào trang bị cho Quân đội Liên Xô tháng 2.1944.

Ý tưởng nghiên cứu chế tạo súng trường Môxin xuất hiện từ trong cuộc chiến tranh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ (1877-78). Trong cuộc chiến này, Quân đội Nga Hoàng chỉ được trang bị loại súng trường Berdan lên đạn từng viên một, trong khi đó Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được trang bị súng trường Winchester bắn liên thanh khiến cho quân Nga bị thương vong lớn. Trước tình hình đó, Quân đội Nga yêu cầu phải được trang bị loại súng trường có khả năng giành ưu thế trước loại súng trường của Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, sau nhiều lần nghiên cứu thử nghiệm, loại súng trường do Đại úy người Nga Môxin và Lêôn Nagan (Leon Nagant, người Bỉ) thiết kế được chấp nhận đưa vào sản xuất thử thành mẫu súng dùng đạn cỡ 7,62 mm năm 1891 (súng trường Mosin - Nagant, môđen 1891); sản xuất hàng loạt từ 1892 ở cả nước Nga và Pháp.

Trong chiến tranh Nga - Nhật (1904-05), Quân đội Nga được trang bị khoảng 3,8 triệu khẩu súng trường mẫu 1891. Đến Chiến tranh thế giới thứ nhất, có khoảng 3,3 triệu khẩu được đặt hàng sản xuất tại Anh và Mỹ. Trong khoảng thời gian này, dựa vào mẫu súng trường mẫu 1891, Mỹ đã thiết kế sản xuất súng trường US Rifle 7,62 mm, mẫu 1916, là loại súng trường quân dụng được sử dụng phổ biến ở Mỹ thập niên 30-50 của thế kỷ XX. Trong thời gian nội chiến ở Liên Xô (1918-20), súng trường Mosin - Nagant được cả Hồng quân và Bạch vệ sử dụng rất hiệu quả. Sau khi Hồng quân giành thắng lợi trong nội chiến, năm 1924 một ủy ban hiện đại hóa vũ khí của Liên Xô đã tiến hành dự án cải tiến súng Mosin - Nagant thành súng trường mới với môđen 1930. Các năm đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, N.X. Xêmin đã nghiên cứu thiết kế cải tiến từ mẫu ban đầu 1891/30 của X.I. Môxin và mẫu gần hơn (1938) thành loại súng trường không tự động mới và lần đầu tiên đưa vào trang bị cho Quân đội Liên Xô tháng 2.1944 với tên gọi K-44. Tuy nhiên, trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1941-45), khoảng 17,4 triệu khẩu súng trường kiểu 1930 vẫn được sản xuất đưa ra chiến trường. Trong suốt thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai, súng trường mẫu 1930 được xác định là súng trường tiêu chuẩn của Quân đội Liên Xô. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô cải tiến chế tạo một số mẫu súng mới trên cơ sở mẫu 1930, trong đó có mẫu năm 1959, là mẫu cuối cùng của loại súng này được chế tạo tại Liên Xô; sau đó súng trường Mosin - Nagant dần dần được thay thế bằng súng CKC và tiểu liên. Tuy nhiên, Mosin - Nagant vẫn được các nước ở Đông Âu và các nước XHCN sử dụng trong các cuộc chiến tranh ở Triều Tiên (1950-53), Việt Nam (1954-75), Apganixtan (1978-92)...

Ngoài Liên Xô, các nước Tiệp Khắc, Hunggari, Bungari, Ba Lan, Trung Quốc ... cũng nghiên cứu, chế tạo súng trường dựa trên mẫu súng trường Mosin - Nagant mẫu 1944 hoặc 1959 của Liên Xô; sản xuất ở Trung Quốc với tên gọi K-53, ở Hunggari là súng bắn tỉa M-52...

K-44 bắn phát một, lên đạn bằng khóa nòng không tự động, sử dụng hộp tiếp đạn đơn, chứa 5 viên đạn. Súng K-44 còn được sử dụng làm súng bắn tỉa; khi sử dụng để bắn tỉa, súng được lắp thêm kính ngắm quang học bên sườn trái.

Tính năng chiến - kỹ thuật: cỡ nòng 7,62 mm, chiều dài nòng súng 730 mm, chiều dài toàn bộ súng 1.033 mm (cả lưỡi lê), khối lượng 3,9 kg, hộp đạn 5 viên, tốc độ bắn 10 phát/phút, sơ tốc đầu đạn 820 m/s, tầm bắn (trên thước ngắm) 1.000 m, tầm bắn hiệu quả 400 m, tầm bắn máy bay bay thấp 300 m. Dùng đạn cỡ 7,62 mm mẫu 1908 hoặc 1930 (chung với đạn K-53 và RP-46). Khi sử dụng kính ngắm quang học và loại đạn nặng, có liều phóng lớn, xạ thủ bắn tỉa có thể nâng tầm bắn có hiệu quả đến 1.200 m.

Các nước sử dụng súng K-44 gồm có: Nga, Trung Quốc , Cuba, Cộng hòa dân chủ Đức, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Rumani, Hunggari, Việt Nam , Phần Lan, Apganixtan, Ai Cập, Mỹ...; Quân đội Liên Xô và các nước Đông Âu sử dụng đến những năm 1960. Trong nội chiến Tây Ban Nha (1936-39), súng trường Mosin - Nagant được lực lượng của tướng Phrăngcô phát xít sử dụng rất hiệu quả chống lại lực lượng bảo vệ nền cộng hòa mới được thành lập ở Tây Ban Nha (2.1936). Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, K-44 được Quân đội Liên Xô sử dụng làm súng bắn tỉa rất hiệu quả, các đơn vị bắn tỉa của Hồng quân được biên chế tới cấp sư đoàn. K-44 (được nhân dân miền Nam gọi là súng bá đỏ) được đưa vào trang bị cho Quân đội nhân dân Việt Nam từ giữa những năm 1950 và sử dụng rộng rãi, có hiệu quả trong Kháng chiến chống Mỹ. Một trong những chiến công điển hình của việc sử dụng K-44 trong chiến đấu là du kích Đông Lích, dân tộc Cơtu, thôn Phú Bảo, xã Ba, h. Đông Giang, Quảng Nam đã dùng súng K-44 bắn cháy máy bay trực thăng của Mỹ năm 1966. Hiện nay súng K-44 vẫn được sử dụng trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam .

K-44 có ưu điểm là bắn rất chính xác, bắn xa nên thường được sử dụng để bắn tỉa. Tuy nhiên, súng bắn chậm, ít đạn, dài và nặng, thời gian lên đạn và nạp đạn lâu (nạp từng viên). Mặc dù vậy, trong khoảng những năm 30-50 của thế kỷ XX, súng K-44 được coi là một trong các loại súng bộ binh có hiệu quả chiến đấu cao, đồng thời là loại súng bắn tỉa có uy lực rất lớn.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
  2. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007
  3. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử hậu cần – kỹ thuật trong kháng chiến chống chống Mỹ (1965-1972), Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2015
  4. Bách khoa toàn thư Nga