Đánh vận động là hoạt động tác chiến chủ yếu được tiến hành ngoài các khu vực, tuyến có thiết bị hệ thống công sự, trận địa. Trong kháng chiến chống Pháp, đánh vận động còn gọi là “vận động chiến”.
Đánh vận động được hình thành rất sớm trong lịch sử nghệ thuật quân sự thế giới, với các cuộc giao chiến giữa quân La Mã và quân Hy Lạp vào năm 280 tcn, là những cuộc hội chiến trên chiến trường ngoài công sự. Ở Việt Nam Đánh vận động dược sử dụng khá phổ biến trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược, tiêu biểu như trận Bạch Đằng năm 938, do Ngô Quyền chỉ huy, chỉ trong một ngày đã đánh tan quân Nam Hán tiến công xâm lược trên sông Bạch Đằng, buộc địch phải từ bỏ ý đồ xâm lược; hoặc trận Bạch Đằng năm 1288 do Trần Quốc Tuấn chỉ huy tiêu diệt quân Nguyên - Mông rút chạy trên sông Bạch Đằng, đập tan ý chí xâm lược của nhà Nguyên… những trận Đánh vận động của Ông Cha ta là truyền thống quân sự độc đáo, sáng tạo của dân tộc ta, trở thành cách đánh phổ biến, phát huy tác dụng to lớn của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Đánh vận động có đặc điểm là đánh quân địch ở ngoài công sự, ở các trạng thái đang cơ động, đang tiến công, tạm dừng, lâm thời phòng ngự hoặc rút chạy; trong Đánh vận động tình huống diễn ra khẩn tương, mau lẹ, tính biến động cao cả ta và địch, tùy theo trạng thái của địch để vận dụng các hình thức chiến thuật hoặc kết hợp các hình thức chiến thuật cho phù hợp. Đánh vận động thường vận dụng các hình thức chiến thuật cơ bản sau: vận động tiến công; vận động phục kích; Vận động tập kích; tiến công địch đổ bộ đường không; đánh gặp địch (chiến đấu tao ngộ); truy kích (đánh địch rút chạy)…
Vận động tiến công, là hình thức chiến được tiến hành bằng cách cơ động lực lượng tiến công vào quân địch đang vận động, đang thực hành tiến công, cơ động ứng cứu giải tỏa. Đặc điểm của vận động tiến công là: vận dụng nhiều phương pháp, thủ đoạn chiến đấu diễn ra đồng thời hoặc lần lượt, tính biến động cao, khu vực tác chiến rộng, mục đích rất kiên quyết, tác chiến diễn ra liên tục. Yêu cầu của vận động tiến công là chuẩn bị tác chiến nhanh, khẩn trương, tạo thế hiểm, chủ động chiến đấu tạo thế, tiến công táo bạo, thực hiện thọc sâu, chia cắt và bao vây tiêu diệt từng bộ phận tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch.
Vận động phục kích, là bí mật, bất ngờ, nhanh chóng cơ động lực lượng, triển khai bố trí thế trận chặn đầu, khóa đuôi, tiến công chủ yếu đúng thời cơ, bất ngờ tiến công vào đội hình địch đang cơ động ở những đoạn đường (hướng, khu vực) chúng đi qua. Tư tưởng chỉ đạo của vận động phục kích là: “bí mật, bất ngờ, kiên trì chờ lệnh, chủ động, kịp thời, đồng loạt xung phong, chia cắt, đánh nhanh, diệt gọn.” Yêu cầu là: “xây dựng ý chí chiến đấu cao; nắm chắc đich, địa hình; chọn khu vực phục kích bất ngờ, hiểm hóc; tuyệt đối giữ bí mật, hình thành thế bao vây, chia cắt; xuất kích đúng thời cơ; chặn đầu, khóa đuôi, xung phong đồng loạt, bám sát, đánh gần; chỉ huy kiên quyết, linh hoạt, sâu sát, chủ động hiệp đồng”. Vận động phục kích phải nắm chắc quy luật hoạt động của địch.
Vận động tập kích, là lợi dụng sơ hở của địch và các điều kiện có lợi khác khi địch đang cơ động, tiến công buộc phải tạm dừng. Ta nắm thời cơ, bí mật cơ động lực lượng từ xa đến, bám sát địch bất ngờ tiến công tiêu diệt địch, phá hủy mục tiêu, sau đó rời khu vực tác chiến không cho địch kịp đối phó. Tư tưởng chỉ đạo của vận động tập kích là: “nắm chắc địch, tổ chức chuẩn bị chiến đấu khẩn trương, bí mật, bất ngờ, táo bạo, đánh nhanh, rút nhanh.” Yêu cầu của vận động tập kích là: “xây dựng ý chí chiến đấu cao, bám và nắm chắc địch, tiến công trúng mục tiêu; tổ chức chuẩn bị khẩn trương, cơ động lượng đúng thời cơ; tiến công bất ngờ, táo bạo thọc sâu, chia cắt, đánh nhanh vào mục tiêu chủ yếu; vận dụng linh hoạt các thủ đoạn chiến đấu; tập trung lực lượng trên hướng chủ yếu; chủ động hiệp đồng chi viện lẫn nhau; chỉ huy mưu trí, sâu sát, linh hoạt”.
Tiến công địch đổ bộ đường không, nhằm tiêu diệt địch đổ bộ đường không bằng máy bay, máy bay trực thăng, nhảy dù trong quá trình địch tiến công hoặc phòng ngự. Đánh địch đổ bộ đường không cần nắm vững quy luật hoạt động của địch, phán đoán chính xác, dự kiến các phương án và kế hoạch tác chiến cụ thể, khéo tạo thế buộc địch phải đổ bộ xuống khu vực ta chuẩn bị; tạo thế tiến công vững chắc, vận động và nhanh chóng triển khai lực lượng, nắm thời cơ, kết hợp chặt chẽ lực lượng tại chỗ với lực lượng cơ động tiêu diệt sinh lực và phương tiện đổ bộ; tổ chức hiệp đồng chặt chẽ, chỉ huy kiên quyết, chủ động mưu trí sáng tạo. Đánh địch đổ bộ đường không, có thể đánh địch ở các giai đoạn: đánh địch tại khu vực tập kết xếp lực lượng, phương tiện lên máy bay; đánh địch trên đường bay; đánh địch tại khu vực, bãi đổ bộ; đánh địch cơ động tiến công mục tiêu.
Đánh gặp địch (chiến đấu tao ngộ), là lực lượng ta và địch đang vận động thì gặp nhau, có thể xảy ra trong quá trình tiến công hoặc phòng ngự. Đặc điểm của đánh gặp địch là ta và địch tiếp cận và tiến vào chiến đấu trong hành tiến, tình huống ban đầu không rõ ràng và diễn biến nhanh, ta phải đấu trí căng thẳng để giành, giữ quyền chủ động, thời gian tổ chức và chuẩn bị tác chiến rất ngắn. Để giành thắng lợi trong đánh gặp địch, phải trinh sát nắm địch liên tục, kịp thời hạ quyết tâm, nhanh chóng giao nhiệm vụ cho cấp dưới, tổ chức lực lượng, triển khai đội hình chiến đấu kịp thời, chế áp hỏa lực vào vào quân địch trước, nhanh chóng chiếm địa hình có lợi, tập trung lực lượng chủ yếu tiến công tiêu diệt mục tiêu chủ yếu địch, kết hợp đánh vào hai bên sườn, phía sau để chia cắt, bao vây tiêu diệt quân địch.
Truy kích, Đánh vận động khi địch rút chạy, thường xảy ra khi địch phòng ngự hay tiến công bị thất bại hoặc bị ta uy hiếp mạnh buộc phải rút chạy. Để tập kích có kết quả, phải nắm được ý định địch rút chạy, chế áp hỏa lực mãnh liệt vào đội hình đich, cơ động bộ đội vượt lên trước (hoặc đổ bộ đường không (nếu có), lực lượng tại chỗ…), chiếm lĩnh các đầu mối giao thông, bến vượt, địa hình có lợi, chặn đường rút chạy, thực hiện bao vây, chia cắt tiêu diệt địch. Theo quy mô có: tập kích chiến lược, tập kích chiến dịch và tập kích chiến thuật. Trong tác chiến người chỉ huy phải nắm chắc tình hình đối phương, kịp thời phát hiện dấu hiệu địch rút chạy, để hạ quyết tâm tập kích địch.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bộ Quốc phòng, Sư đoàn bộ binh tiến công địch đỏ bộ đường không, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000.
- Bộ Quốc phòng. Trung đoàn bộ binh vận động phục kích. Nxb Quân độ nhân dân, Hà Nội, 2000.
- Bộ Quốc phòng, Trung đoàn bộ binh vận động tập kích, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000.
- Bộ Quốc phòng, Trung đoàn bộ binh vân động tiến công, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000.
- Bộ Quốc phòng, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
- Bộ Quốc phòng, Từ điển thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.