Chuyển hoá thế trận là thay đổi thế trận cho phù hợp với tình hình hoặc ý định tác chiến mới, nhằm tạo thế trận có lợi trong tác chiến.
Lập và Chuyển hoá thế trận là một nội dung quan trọng của cách đánh chiến thuật, phương pháp tác chiến chiến dịch và phương thức tác chiến chiến lược. Thực tế trong tác chiến, tình hình địch, ta luôn có những biến động so với quyết tâm ban đầu. Do vậy, chuyển hóa thế trận là yêu cầu tất yếu khách quan trong quá trình chuẩn bị và thực hành tác chiến, nhằm tạo ra thế trận mới có lợi để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ tác chiến.
Chuyển hoá thế trận dựa trên cơ sở: điều chỉnh quyết tâm và kế hoạch tác chiến của người chỉ huy; tình hình thực tế địch, ta; đặc điểm địa bàn tác chiến, thế trận đã lập trước đó… Yêu cầu Chuyển hoá thế trận: phải phù hợp với thực tiễn diễn biến trên chiến trường; điều chỉnh quyết tâm, kế hoạch, lực lượng, hỏa lực nhanh chóng, chuyển hóa các hình thức tác chiến…chính xác, bí mật, kịp thời; chỉ huy, hiệp đồng, bảo đảm chặt chẽ.
Phân loại Chuyển hoá thế trận: theo quy mô, có: chuyển hóa thế trận chiến đấu, chiến dịch và tác chiến chiến lược; theo loại hình tác chiến có: chuyển hoa thế trận trong tiến công, phản công và phòng ngự; theo đặc điểm, nhiệm vụ, lực lượng tác chiến có: chuyển hóa thế trận của binh chủng hợp thành, lực lượng khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố và chuyển hoá thế trận của các quân, binh chủng, lực lượng bảo đảm.
Tùy theo diễn biến của tình hình cụ thể trên chiến trường, Chuyển hoá thế trận có thể được tiến hành trong quá trình chuẩn bị và trong thực hành tác chiến. Nội dung chuyển hóa thế trận trong quá trình chuẩn bị tác chiến, thường tập trung vào điều chỉnh tổ chức, bố trí lực lượng và thiết bị chiến trường. Nội dung Chuyển hoá thế trận trong quá trình tác chiến, do tình huống diễn biến khẩn trương, phức tạp, khó lường, tính biến động cao cả ta và địch, Chuyển hoá thế trận thường phải vừa tác chiến vừa điều chỉnh tổ chức, thay đổi bố trí, bổ sung, tăng cường binh lực, hỏa lực, hoạt động nghi binh, tạo thế, chuyển hóa các hình thức tác chiến và công tác chỉ huy, hiệp đồng, bảo đảm… nhất là khi đánh trận mở đầu, trận then chốt (then chốt quyết định) và xử trí các tình huống trong quá trình tác chiến. Bài học kinh nghiệm về Chuyển hoá thế trận trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch lịch sử Điên Biên Phủ năm 1954, thể hiện tài thao lược, tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tư lệnh chiến dịch, khi nắm được địch tăng cường lực lượng và xây dựng hệ thống cứ điểm, cụm cứ điểm phòng ngự kiên cố, ta quyết định chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “ đánh chắc, tiến chắc”, giành thắng lợi cho chiến dịch.
Thời cơ Chuyển hoá thế trận: Trong chuẩn bị tác chiến, thường khi địch có những thay đổi đột biến về tổ chức lực lượng, biện pháp tác chiến. Trong thực hành tác chiến, Chuyển hoá thế trận diễn ra rất đa dạng, phong phú, tùy thuộc vào từng hình thức tác chiến: trong tiến công sau khi hoàn thành nhiệm vụ trước mắt, chuyển sang nhiệm vụ tiếp theo, khi đánh trận mở đầu, trận then chốt (then chốt quyết định), khi xử trí các tình huống. Trong phòng ngự, Chuyển hoá thế trận từ khi đánh địch ở khu vực tác chiến vòng ngoài, đánh địch tiến công đường bộ, đổ bộ đường không, tiến công vượt điểm, vu hồi, đánh địch đột nhập khu vực phòng ngự, đánh địch chuyển hướng tiến công, xử trí các tình huống và khi kết thúc tác chiến phòng ngự. Trong tác chiến phòng thủ quân khu, Chuyển hoá thế trận thường khi bắt đầu đánh địch chiếm tuyến xuất phát tiến công (đổ bộ đường biển, tiến công đánh chiếm tuyến biên giới), đánh địch tiến công đường bộ, đổ bộ đường không, đánh địch giữ vững khu vực phòng thủ chủ yếu; xử trí các tình huống và khi quân khu phối hợp với cấp trên chuyển sang phản công, tiến công. Trong tác chiến chiến lược, Chuyển hoá thế trận thường khi đánh địch tiến công hỏa lực, đánh địch tiến công trên bộ (tiến công đường bộ, đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không), khi chuyển sang phản công, tiến công chiến lược, khi xử trí các tình huống chiến lược và kết thúc tác chiến lược.
Để nâng cao hiệu quả Chuyển hoá thế trận, người chỉ huy và cơ quan tham mưu, cần nắm chắc diễn biến tình hình mọi mặt của ta và địch trên chiến trường, nhất là những biến động của địch, để chủ động điều chỉnh, bổ sung quyết tâm và kế hoạch tác chiến, thường tập trung vào điều chỉnh tổ chức, bố trí lực lượng và thiết bị chiến trường, chỉ huy, hiệp đồng, bảo đảm, phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng cơ động và lực lượng tại chỗ, luôn tạo ra thế trận có lợi trong quá trình chuẩn bị và thực hành tác chiến.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Tổng cục II, Tác chiến cơ động đường không của quân đội Mĩ, năm 1993.
- Bộ Quốc phòng, Chiến thuật sư đoàn bộ binh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Hà Nội, năm 2000.
- Bộ Quốc phòng, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb QĐND, Hà Nội, 2004.
- Học Viện Quốc phòng, Giáo trình sư đoàn bộ binh tiến công địch phòng ngự trận địa, Hà Nội, năm 2004.
- Bộ Quốc phòng, Từ điển thuật ngữ quân sự, Nxb QĐND, HÀ Nội, 2007.
- Tổng cục II, Điều lệnh tác chiến FM-3-90, Bộ Lục quân Mĩ, năm 2007.
- Bộ Quốc phòng, Sư đoàn bộ binh tiến công địch phòng ngự đô thị, Hà Nội, năm 2010.
- Bộ Quốc phòng, Tác chiến phòng thủ quân khu trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Hà Nội, năm 2010.
- Bộ Quốc phòng, Tác chiến phòng thủ chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.Hà Nội, năm 2010.
- Bộ Quốc phòng, Nghệ thuật chiến dịch phòng ngự, Hà Nội, năm 2011.
- Bộ Quốc phòng, Nghệ thuật chiến dịch tiến công, Hà Nội, năm 2011.
- Bộ Quốc phòng, Nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc,Hà Nội, năm 2011.